Tạo sự thống nhất, bình đẳng của người dân khi tiếp cận dịch vụ y tế

Ngày 6/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với hồ sơ dự thảo Nghị quyết quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) mà không phải là dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.

Chủ trì Hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường.
Tạo sự thống nhất, bình đẳng của người dân khi tiếp cận dịch vụ y tế
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị.

Áp dụng mức giá tối thiểu theo quy định

Thay mặt cơ quan soạn thảo trình bày dự thảo Nghị quyết tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết: Hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội quản lý đang tiếp tục thực hiện thu theo mức giá quy định tại Nghị quyết 14/2019/NQ-HĐND ngày 4/12/2019 của HĐND Thành phố với mức lương cơ sở trong cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là 1.490.000 đồng/tháng.

Theo ông Hưng, việc trình ban hành Nghị quyết vào kỳ họp gần nhất năm 2024 của HĐND Thành phố là cần thiết, nhằm bảo đảm việc triển khai kịp thời, thống nhất với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, cơ quan Trung ương trên địa bàn Thành phố và thống nhất với mức giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm nguồn tài chính cho các đơn vị trực thuộc Thành phố để thực hiện cơ chế tự chủ chi hoạt động thường xuyên trong giai đoạn hiện nay.

Do đó, UBND Thành phố đề xuất mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT mà không phải là dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội bằng mức giá tối thiểu theo quy định tại Phụ lục I, II, III kèm theo Thông tư 21/2023/TT-BYT và thực hiện áp giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp theo một số nguyên tắc.

Tạo sự thống nhất, bình đẳng của người dân khi tiếp cận dịch vụ y tế
Ông Phạm Ngọc Thảo – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phản biện vào Dự thảo Nghị quyết.

Cụ thể: Các viện có giường bệnh, trung tâm y tế tuyến tỉnh có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; trung tâm y tế huyện thực hiện cả hai chức năng phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh đã được xếp hạng: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng tương đương;

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được phân hạng: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV.

Đối với phòng khám đa khoa khu vực, trường hợp được cấp giấy phép hoạt động bệnh viện hoặc trường hợp quy định tại Khoản 12 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV. Trường hợp chỉ làm nhiệm vụ cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV.

Đối với trường hợp được Sở Y tế quyết định có giường lưu: Áp dụng mức giá bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV. Số ngày được thanh toán tối đa 3 ngày/người/đợt điều trị. Không thanh toán tiền khám bệnh trong trường hợp đã thanh toán tiền giường lưu.

Đối với Trạm y tế xã, phường, thị trấn: Mức giá khám bệnh áp dụng mức giá của trạm y tế xã. Mức giá các dịch vu kỹ thuật bằng 70% mức giá của các dịch vụ tại Phụ lục III. Đối với các trạm y tế được Sở Y tế quyết định có mức giường lưu, áp dụng mức giá bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV.

Đối với nhà hộ sinh, áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV. Mức giá thanh toán tiền giường bệnh áp dụng bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV.

Tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao

Tại Hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia đã nêu ý kiến sâu sắc, tâm huyết đóng góp vào dự thảo. Theo đó, các đại biểu đều nhất trí và cho rằng việc ban hành nghị quyết là sự cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế cũng như đáp ứng giá dịch vụ khám, chữa bệnh hiện nay.

Phản biện dự thảo, ông Phạm Ngọc Thảo – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cho rằng cần bổ sung vào mức tăng như thế nào, đánh giá cụ thể tác động của Nghị quyết đến xã hội, bổ sung thêm đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức thực hiện, giám sát. Cũng theo ông Thảo, hiện nay giá giường dịch vụ quá cao, nhiều giường có mức 800 nghìn đồng – 1 triệu đồng/ngày, đắt hơn ở khách sạn.

Tạo sự thống nhất, bình đẳng của người dân khi tiếp cận dịch vụ y tế
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng tiếp thu các ý kiến phản biện tại Hội nghị.

Còn theo ông Vũ Hào Quang – Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tổng hợp và phân tích Dư luận xã hội, việc thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết là cần thiết, bởi từ ngày 14/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức là 1,8 triệu đồng trong khi khung giá khám chữa bệnh vẫn còn ở mức lương cơ sở cũ là 1,49 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Quang cũng bày tỏ băn khoăn về thời hạn thực hiện Nghị quyết này vì từ 1/7/2024 chế độ tiền lương thay đổi, mức lương cơ sở có thể thay đổi, việc trả lương theo vị trí việc làm có thể kéo theo nhiều quy định khác về tiền lương. Do đó, việc dựa vào bậc lương cơ sở để áp giá cho hoạt động khám chữa bệnh có thể sẽ không còn giá trị.

“Đối với người làm công ăn lương ở khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước thì mức giá dịch vụ y tế hiện nay có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đối với người nghèo, cận nghèo thì giá dịch vụ còn khá cao, do đó cần xem xét đưa tiêu chí mức nghèo đa chiều nông thôn và thành thị vào căn cứ giá dịch vụ”, ông Quang đề xuất.

Phát biểu tiếp thu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết: Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Nghị quyết, trên tinh thần đảm bảo công bằng của người dân trong khám chữa bệnh, để người dân dễ tiếp cận dịch vụ. Ông Hưng cũng cam kết sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học vào quá trình soạn thảo văn bản, với mong muốn Nghị quyết sớm được thông qua, được người dân đón nhận, cùng hướng tới mục tiêu đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế trên địa bàn Thành phố.

Về mức giá điều chỉnh, Chủ tịch Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, việc Thành phố chọn mức thấp nhất, thể hiện sự quan tâm, ưu tiên của Thành phố cho lĩnh vực y tế, chăm lo sức khỏe cho người dân. Điều này cũng thể hiện tính ưu việt của thành phố Hà Nội đối với công tác an sinh xã hội, tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao, bảo đảm sự công bằng giữa các bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện của Hà Nội trong triển khai thực hiện Thông tư của Bộ Y tế trên địa bàn Thủ đô.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cũng lưu ý trong quá trình tổ chức thực hiện cần làm rõ trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát; đặc biệt ngành Y tế phải chủ trì và chủ động truyền thông để người dân hiểu, đồng thuận.

Đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị ngành Y tế Hà Nội cần quan tâm tham mưu ban hành chính sách đặc thù của Thành phố dành cho người có hoàn cảnh khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế; đi đôi với việc nâng giá dịch vụ cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, nâng cao y đức của cán bộ, nhân viên y tế để người dân yên tâm, tin tưởng lựa chọn dịch vụ, giảm khoảng cách giữa bệnh viện công – tư trong phục vụ, làm sao để Nghị quyết khi ban hành được đông đảo nhân dân đón nhận.

B.Duy