Nếu như trước đây, các di tích của Hà Nội chủ yếu “sáng mở, tối đóng”, các di sản chật vật với việc bảo tồn, gìn giữ, thì nay nhiều loại hình di sản, di tích trở nên sống động khi được phát huy, khai thác một cách sáng tạo. Điển hình như chương trình “Đêm thiêng liêng” của Di tích Nhà tù Hoả Lò.
Du khách thưởng thức điệu múa hoàng cung ngay trên những dấu tích khảo cổ. |
Sau thành công ấn tượng của chuỗi hoạt động trải nghiệm “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt” và “Đêm thiêng liêng 2 – Sống như những đóa hoa”, mới đây, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục ra mắt công chúng sản phẩm văn hóa mới mang tên “Đêm thiêng liêng 3 – Lửa thanh xuân”, tôn vinh những anh hùng trẻ tuổi với những câu chuyện lịch sử có thật tại Nhà tù Hỏa Lò.
Theo đó, số hoạt cảnh tái hiện được tăng lên, giúp công chúng cảm nhận chân thực, sâu sắc hơn về cuộc sống khắc nghiệt nơi “địa ngục trần gian”, không khí đấu tranh sôi sục của những bậc tiền bối cách mạng, như: Hoạt cảnh liệt sĩ Nguyễn Hoàng Tôn hiên ngang đón nhận cái chết bởi máy chém trước Nhà tù Hỏa Lò năm 1931; cuộc đấu tranh tuyệt thực năm 1933; phong trào “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”; hành trình vượt ngục năm 1945, hay cuộc gặp gỡ cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và mẹ.
Chị Lê Ngọc Trà, một du khách tham gia tour chia sẻ: “Tôi đã khóc trong một nửa hành trình dài 2 tiếng đồng hồ này. Gần 100 con người đủ mọi độ tuổi, lớn tuổi nhất chắc cũng 70 – 80 tuổi, nhỏ nhất khoảng 6 – 7 tuổi. Không gian di tích khá nhỏ, chỗ ngồi san sát nhau lại di chuyển liên tục nhiều vị trí nhưng tuyệt nhiên ai ai cũng lặng lẽ, trật tự, chăm chú, và dâng trào nhiều cảm xúc.
Đây là một tour tôi đánh giá thực sự có chất lượng thể hiện và khả năng tạo ra những cung bậc xúc cảm cho người xem tương đương hoặc thậm chí hơn nhiều các tour của những bảo tàng, khu di tích nổi tiếng trên thế giới. Chương trình kết hợp giữa giọng kể trầm ấm của người dẫn dắt, cùng âm thanh, ánh sáng, các hoạt cảnh do những diễn viên sân khấu chuyên nghiệp nhập vai, xen kẽ các trải nghiệm đa giác quan như đi qua đường cống ngầm của nhà lao, ngồi lặng im cảm nhận không gian, âm thanh và hoà mình vào không khí trang nghiêm, xúc động tại khu tưởng niệm…”
Ấn tượng cuối cùng và cũng lưu lại rất lâu với du khách còn là bữa ăn nhẹ khi kết thúc chương trình. Một chiếc mẹt tre với các thức quà từ cây bàng trăm tuổi tại chính Nhà tù Hoả Lò: Bánh lá bàng, thạch lá bàng, trà lá bàng. Ngay cả chiếc dĩa cũng là dĩa gỗ, mộc mạc, gần gũi. Du khách bị thuyết phục bởi ý tưởng sáng tạo và sự chỉn chu trong quá trình vận hành, triển khai chương trình này.
Với góc độ là công ty lữ hành chuyên xây dựng tour phục vụ du khách, bà Hoàng Thị Vinh, Phó Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Tầm Nhìn Việt – Viet Vision Travel cho biết, bản thân bà rất xúc động sau khi tham gia tour đêm và khuyên mọi người nên trải nghiệm một lần để có những cảm xúc thực tế. Bà Vinh đánh giá cao công tác tổ chức chuyên nghiệp của Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, đồng thời chia sẻ, sẽ tổ chức cho cả khách Việt Nam và khách nước ngoài đến trải nghiệm tour đêm này. Bà cũng sẽ truyền cảm xúc này đến các nhân viên công ty để họ truyền đến khách hàng, thậm chí tuyên truyền để bạn bè đến trải nghiệm.
Theo Trưởng Ban Quản lý di tích Nhà Tù Hoả Lò Nguyễn Thị Bích Thuỷ, để tăng sức hấp dẫn cho tour khám phá mới, đơn vị cho thắp nến, đèn chiếu sáng ở lối đi kết hợp cùng tiếng động, âm nhạc để du khách có thêm trải nghiệm khác biệt. Do giới hạn về không gian nên mỗi tối chỉ đón được 85 – 100 khách, dù cầu đang vượt quá cung. Vé trải nghiệm tour thường bán hết rất sớm và du khách muốn xem thường phải đặt vé từ trước.
Một tour cũng ấn tượng không kém là trải nghiệm Hoàng thành Thăng Long về đêm. Hành trình trải nghiệm của tour đêm này kéo dài 90 phút với lộ trình bắt đầu từ cửa Đoan Môn – cửa dẫn vào Cấm thành, nơi ở và làm việc của nhà vua xưa kia tới Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Khác với những chuyến du lịch thông thường, tour đêm khám phá Hoàng thành Thăng Long là chương trình du lịch trải nghiệm đặc biệt, du khách được trải nghiệm không gian Hoàng thành xưa, thưởng thức điệu múa hoàng cung ngay trên những dấu tích khảo cổ độc đáo, chiêm ngưỡng những hiện vật, cổ vật quý giá được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long trong nhà trưng bày với chủ đề “Thăng Long Hà Nội – Lịch sử nghìn năm từ lòng đất”… Khép lại hành trình trải nghiệm là trò chơi giải mã bí mật Hoàng thành dành cho du khách. Trong phần này, một số hiện vật tiêu biểu của Hoàng thành sẽ được trình chiếu bằng laser trên các nền móng dấu tích khảo cổ hoặc trên dòng sông cổ để du khách tìm hiểu và giải đáp.
Bà Nguyễn Hồng Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, sau khi Trung tâm triển khai tour đêm, lượng khách đến với Hoàng thành Thăng long rất đều, trung bình mỗi tuần có hàng trăm du khách tham gia trải nghiệm sản phẩm du lịch mới mẻ này. Đây là con số đáng kỳ vọng, nhất là tại thời điểm du lịch Việt Nam nói chung cũng như du lịch Hà Nội nói riêng vừa mới bước qua thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kinh tế cũng đang có phần chững lại.
Biến di sản thành tài nguyên du lịch
Cùng với Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội đã và đang đẩy mạnh xây dựng, sáng tạo những sản phẩm văn hóa mới, nhằm tăng sức hút cho điểm đến. Tiêu biểu như Văn Miếu – Quốc Tử Giám với chương trình Trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, sản phẩm mới ra mắt hơn một tháng nhưng lượng khách trải nghiệm tại Văn Miếu tăng mạnh, đơn vị phải tăng thời lượng phục vụ 5 suất chiếu/tối để đáp ứng nhu cầu của du khách. Hay Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ – Văn Miếu – đền Và – Đường Lâm” gắn với những câu chuyện đặc sắc về lịch sử, văn hóa xứ Đoài. Bảo tàng Hà Nội trong năm qua cũng lần lượt ra mắt các trưng bày “Nếp xưa”, “Hà Nội đất trăm nghề”, “Hà Nội 1972 – Khát vọng hòa bình” từ nguồn tư liệu, hiện vật phong phú… đang lưu giữ. Điều đáng nói, dù đều lấy cảm hứng, chất liệu từ nguồn vốn di sản, song mỗi sản phẩm văn hóa ra đời đều tạo được ấn tượng từ bản sắc riêng, góp phần lôi cuốn, hấp dẫn khách tham quan.
Không gian Hoàng Thành xưa được tái hiện một cách sống động. |
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), các trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội thực sự tạo nên những sản phẩm văn hóa có chiều sâu, giàu bản sắc cho đời sống hôm nay.
Còn bà Đặng Thu Anh (Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa) cho biết, dù đã đi qua Hoàng thành Thăng Long nhiều lần vào ban ngày nhưng khi trải nghiệm tour đêm bà vẫn cảm thấy cực kỳ thích thú. Không gian tràn ngập sắc màu cung đình, cổ kính, đặc biệt du khách được trực tiếp tham gia các trò chơi liên quan tới cổ vật tại Hoàng thành nên ai nấy đều hào hứng. “Việc triển khai tour đêm đã tạo ra sự hấp dẫn đối với du khách ở mọi lứa tuổi, tôi đã trải nghiệm tour đêm tại đây 2 lần, 1 lần được bạn giới thiệu còn lần thứ 2 là tôi dẫn theo cháu gái để cháu hiểu hơn về lịch sử, văn hoá Hà Nội”, bà Thu Anh chia sẻ.
Được biết, nhằm tạo sức hút cho di sản, Ban Quản lý các di sản còn đẩy mạnh áp dụng công nghệ số. Đơn cử Di tích Nhà tù Hỏa Lò gây dựng và lan tỏa hình ảnh di tích trên nhiều nền tảng khác nhau theo kịp nhịp độ phát triển của thời đại công nghệ số, đồng thời tăng hiệu suất tương tác với du khách thông qua các nền tảng Facebook, Spotify, Apple Podcast… để tiếp cận gần hơn với công chúng. Nếu như tháng 12/2020 trang fanpage Di tích Nhà tù Hỏa Lò mới chỉ có 55.000 lượt người yêu thích thì đến nay đạt hơn 310.000 lượt người yêu thích… Lượng người tương tác và khách hỏi về chương trình tour đêm cũng tăng nhanh chóng.
Đối với trải nghiệm Hoàng thành Thăng Long về đêm, đây là một trong những di sản tiên phong làm tour đêm và tạo được hiệu ứng tích cực. Sự đổi mới, sáng tạo này đã góp phần kích cầu du lịch, phát triển kinh tế đêm của Hà Nội. Thời gian tới Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long sẽ nâng cấp các sản phẩm tour cũ và xây dựng, ra mắt các sản phẩm tour đêm mới nhằm tăng sức hấp dẫn.
Chia sẻ về hiệu quả trong phát huy giá trị di sản tại bảo tàng, di tích thời gian gần đây, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức cho rằng, di sản văn hóa là tài sản quý giá, nếu biết bảo tồn và khai thác, không những giữ được các giá trị vô giá của tiền nhân để lại, mà còn có thể trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội, một ngành kinh tế mũi nhọn… “Hà Nội cần đào tạo đội ngũ am hiểu về văn hóa; hoạch định các chương trình dài hơi, cho ra đời những sản phẩm có chiều sâu, giàu bản sắc, bảo đảm mục tiêu quảng bá, tôn vinh di sản bền vững”, ông Nguyễn Viết Chức nói.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đánh giá, phát huy giá trị di sản văn hóa, biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển du lịch Thủ đô là hướng đi đúng đắn. Việc khai thác có hiệu quả thế mạnh của di sản văn hóa hướng tới phát triển du lịch bền vững không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển du lịch, mà còn góp phần đưa những giá trị văn hóa đặc sắc của mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến đến gần hơn với bạn bè quốc tế, tạo nguồn thu để tái đầu tư cho văn hóa.
Tuy vậy, để phát triển hơn nữa, tạo thuận lợi cho du khách và mang tính liên kết, Hà Nội cũng cần xem xét việc kết nối Hoàng thành Thăng Long với các di tích khác như Văn Miếu với sông Hồng, sông Tô Lịch, kết nối với Thăng Long Tứ Trấn, Hồ Gươm…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cho rằng: 1 trong 5 nguyên tắc phát triển du lịch là phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng. |
Lê Thắm