Chị Nguyễn Hồng Hạnh (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) có 1.500 gốc nho Hạ Đen trồng trên diện tích 4.500m2, ước tính sản lượng nho năm 2022 của gia đình đạt 4-5 tấn.
Từ mô hình trồng nho hữu cơ, nhận thấy cảnh quan có thể đáp ứng nhu cầu thích trải nghiệm của du khách, chị Hạnh cùng gia đình đã cải tạo, trang trí và biến khu vườn trồng của gia đình thành điểm check-in ấn tượng, đón khách tới ngắm cảnh, trải nghiệm, chăm sóc, cắt tỉa và thu hoạch nho.
Du khách tới tham quan, chụp ảnh tại vườn nho Hạ Đen |
Chị Hạnh cho biết kết hợp giữa phát triển nông nghiệp với khai thác du lịch mặc dù gặp nhiều khó khăn nhất là khi mô hình vẫn còn mang tính tự phát của gia đình nhưng chị và các thành viên là những người hiểu rõ nhất về ruộng vườn, thế mạnh của địa phương.
Do đó chị luôn tự cập nhập kiến thức, tìm hiểu, chọn những lối đi phù hợp cho mô hình của gia đình. Việc kết hợp mô hình giúp vườn nho của chị thu hút nhiều khách đến mua hàng hơn. Mỗi vụ chị bán nho trực tiếp cho khách tại vườn, không phải bán qua các thương lái.
Tương tự, cách trung tâm Thành phố hơn 40km, cánh đồng sen hơn 200ha tại thôn Đức Dương (xã An Phú, huyện Mỹ Đức) được trồng bao quanh dãy núi đá đã trở thành điểm du lịch thu hút khách địa phương và các tỉnh lân cận. Tuy sen chỉ nở theo mùa, vào tháng 6, tháng 7 nhưng đã đem lại nguồn thu đáng kể cho người trồng từ việc bán hoa, hạt, lá sen, thu tiền dịch vụ du khách tới tham quan.
Chia sẻ về hiệu quả và hướng phát triển cây sen nơi đây gắn với khai thác du lịch, ông Bùi Văn Chuyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Phú chia sẻ: “Trồng sen thu hoạch được nhiều lần, năng suất cao hơn cấy lúa, tạo thu nhập tốt, đem lại sự phấn khởi cho nhân dân trong vùng, tuy nhiên hiện nay bà con vẫn đang làm tự phát. Chúng tôi cũng đang trình, xin chuyển đổi 200ha để chuyên trồng sen, khai thác dịch vụ du lịch”.
Đó chỉ là 2 trong số nhiều mô hình kết hợp du lịch gắn với phát triển thế mạnh nông nghiệp của địa phương. Ban đầu, từ chỗ chưa quen với việc làm dịch vụ, tiếp đãi du khách, đến nay các “hướng dẫn viên nông dân” ngày càng chuyên nghiệp hơn. Tiếp xúc với nhiều nông dân làm du lịch nông nghiệp tại các địa phương, họ đều tỏ ra phấn khởi, đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình đang triển khai.
Hướng tới phát triển bền vững
Để thu hút khách tới tham quan, những người nông dân đã tự cập nhật kiến thức, luôn ý thức, tự giác kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, bởi họ hiểu rằng nếu sản xuất nông nghiệp không an toàn sẽ không thể giữ chân khách hàng.
Nhờ phát triển du lịch, diện mạo nông thôn được người dân quan tâm nhiều hơn, thôn, xóm được cải tạo, giữ gìn sạch sẽ để đón khách. Có thể thấy phát triển du lịch nông nghiệp, không chỉ ngành du lịch được hưởng lợi mà còn giúp ngành nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường…
Cánh đồng sen An Phú những năm gần đây thu hút đông khách tới chụp ảnh |
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch, chị Nguyễn Hồng Hạnh cho biết, để phát triển kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch gia đình chị khai thác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo dược, tạo ra sản phẩm an toàn, môi trường sống trong lành, sạch sẽ qua đó giữ chân du khách.
Có thể thấy tiềm năng, hiệu quả của việc phát triển nông nghiệp gắn với khai thác du lịch của các địa phương trên địa bàn Thủ đô là rất lớn nhưng trên thực tế các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ.
Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Cùng với đó, giá trị nông nghiệp bản địa, văn hóa truyền thống bản sắc, sự tinh tế, chuyên nghiệp chưa được nghiên cứu bài bản để tạo ra các sản phẩm có chất lượng phục vụ du khách.
Để phát triển du lịch theo hướng bền vững, thời gian tới, người nông dân cần có sự định hướng, đồng hành từ chính quyền địa phương và các đơn vị lữ hành, sự chung tay của tất cả người dân trong việc ý thức tự thay đổi tư duy, từng bước chuyên nghiệp, sáng tạo hơn với mô hình kinh tế mới đầy tiềm năng.