Tạo tiền đề phát triển du lịch nông thôn ở Thủ đô Hà Nội

Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, ngày 21/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh đến công tác bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển các mô hình thôn xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và văn minh làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn Thủ đô.

Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, giai đoạn 2021 – 2025”, được ban hành ngày 17/3/2021 và là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khoá XVII.
Tạo tiền đề phát triển du lịch nông thôn ở Thủ đô Hà Nội
Lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04. (Ảnh: Lương Toàn)

Từ kết quả đạt được qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nông thôn Thủ đô đã và đang khơi gợi sức sống mới, năng động và ngày một văn minh hơn. Những làng nghề truyền thống đa dạng bản sắc ngày càng phát triển, không chỉ giúp cải thiện đời sống cho người dân mà còn gìn giữ văn hoá.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, dư địa phát triển nông nghiệp Hà Nội vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, nông nghiệp nếu được tổ chức hài hòa trong đô thị sẽ giúp tối ưu hoá chi phí vận chuyển; tăng khả năng cung cấp tại chỗ, giảm chi phí và góp phần bảo đảm tiêu dùng tại chỗ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Hà Nội cần kích hoạt đời sống cộng đồng nông thôn, nhưng không tạo xung đột giữa hiện đại và bản sắc; nâng cao năng lực cộng đồng, dần hình thành đội ngũ nông dân mới; tạo không gian rộng mở phục vụ sản xuất.

Tạo tiền đề phát triển du lịch nông thôn ở Thủ đô Hà Nội
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có thể tính đến hình thành các cụm liên kết ngành nông – công nghiệp hài hoà đầu vào – đầu ra; các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp và chuỗi ngành hàng. Thúc đẩy phát triển các mô hình “bất động sản nông nghiệp”, để vừa ở vừa sản xuất nông nghiệp quy mô gia đình, là nơi cung cấp thực phẩm và thư giãn cuối tuần để có thể trải nghiệm…

Cũng tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã triển khai các nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản, nhưng có nhiều khó khăn, thách thức.

Thành ủy Hà Nội luôn xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn và thời gian thực hiện lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Tạo tiền đề phát triển du lịch nông thôn ở Thủ đô Hà Nội
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Để thực hiện được mục tiêu đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo từ Thành phố đến cơ sở cùng các ban ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tiếp tục rà soát, bám sát các định hướng, mục tiêu, Nghị quyết của Trung ương và Thành phố; đặc biệt là Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

“Tập trung xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị, bản sắc văn hoá dân tộc cao đẹp”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Tạo tiền đề phát triển du lịch nông thôn ở Thủ đô Hà Nội
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Trong giai đoạn 2023 – 2025, Hà Nội cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh đến công tác bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển các mô hình thôn xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và văn minh làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, bảo tồn được hồn cốt văn hóa nông thôn của Hà Nội, cũng như hình thành các vành đai xanh sinh thái, bao bọc cho vùng trung tâm Thủ đô.

Hoàng Phúc
https://laodongthudo.vn/tao-tien-de-phat-trien-du-lich-nong-thon-o-thu-do-ha-noi-154910.html