Tết Hà Nội…

Tết Hà Nội, nói theo cách của nhà văn Nguyễn Trương Quý trong cuốn “Hà Nội bảo thế là thường” là một đôi câu chuyện vân vi về thói ăn mặc hay nếp sống Kinh kỳ, cũng có thể khiến người ta thốt lên: Phức tạp thế thì sống làm sao? Nhưng chính sự cầu kỳ trong cách ăn Tết của người Tràng An lại nói lên một điều, họ đang tận hưởng và cố gắng duy trì những gì đúng nhất về bản chất của Tết.

Không thể thiếu xin chữ…

Hai tay xoa bộ câu đối trên tường, ông Phạm Ngọc Giao (sinh năm 1941, phố Hàng Bạc) miệng đọc vanh vách “Cư gia hữu hằng quy trịnh công trương nhẫn/Xử thế vô biệt pháp liễu thứ lâu khiêm”. Đây là cặp câu đối gia đình ông được tặng vào Tết năm 1926. Đến nay, nó là một trong những kỷ vật giá trị nhất trong căn nhà của ông.

Ông Giao là “cậu ấm” độc đinh trong một gia tộc sản xuất vàng thỏi ở quận Hoàn Kiếm. Lớn lên trong gia đình giàu có nổi tiếng phố Cổ, ông Phạm Ngọc Giao may mắn thừa hưởng nếp sống sinh hoạt quyền quý, thanh lịch của người Tràng An xưa và đón những ngày Tết ăn, chơi rực rỡ.

Tết vẫn là Tết...

Trong trí nhớ của ông Giao, con đường đi học của ông ngày giáp Tết, tràn ngập những ông đồ với áo the khăn xếp ngồi nghiêm trang trên chiếc chiếu hoa trải bên vỉa hè. Những bức tranh giấy đỏ được luồn dây sắt treo trên mép tường với đủ thứ màu sắc rực rỡ. Đám trẻ con khi ấy có thể ngồi ngẩn ngơ cả ngày ngắm nhìn ông đồ thảo chữ, viết câu đối hay mân mê mấy bức tranh sáng bừng dưới nắng.

Vì quá say đắm những tín hiệu đầu tiên của Tết Nguyên đán nên khi ông đồ già xuất hiện cùng những bức tranh, đám trẻ con nhà giàu bắt đầu dành dụm mấy đồng bạc lẻ được cậu mợ (cách gọi cha mẹ lúc bấy giờ) cho để tự sắm cho mình một bức tranh Đông Hồ tuyệt đẹp từ Thuận Thành (thuộc Bắc Ninh bây giờ) mang sang.

Ông Giao kể, người xưa muốn thay đổi cuộc đời chỉ có cách đi học, chữ còn biểu hiện của tư duy, vì thế vào ngày Tết, những ai đã mang danh Nho ở kinh thành đều viết câu đối hay chữ treo lên tường. Khách là bạn thơ đến chơi nhâm nhi chén rượu làng Mơ rồi bình chữ. Nếu chữ bày tỏ khát vọng thì câu đối thường xoay quanh đạo đức Nho giáo: Nhân, Nghĩa, Trí, Lễ, Tín hay suy nghĩ về nhân tình thế thái. Có khi là câu đối là triết lý về cuộc sống.

Dù có giai đoạn phải chịu cảnh thất thế nhưng chơi câu đối, chơi chữ ở Hà Nội vẫn được duy trì. Đến nay, “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” vẫn là những thú chơi tao nhã trong dịp Tết Nguyên đán. Trong những đêm giao thừa, người Hà thành đi xin chữ rất đông, nhiều người vẫn kiên trì chờ đến hàng tiếng đồng hồ, tận mắt chứng kiến “chữ tươi” được hình thành từ nét bút “bay” trên giấy dó.

Sợi dây gắn kết gia đình

Với người Hà Nội, không khí Tết về phố phường từ rất sớm nhưng chỉ thực sự sôi động từ ngày 23 tháng Chạp. Như đã hẹn trước, vào ngày này tất cả các cửa hàng ở phố Cổ sẽ đồng loạt đóng cửa sau khi cúng ông Công ông Táo để toàn tâm chuẩn bị cho Tết. Vì mỗi năm chỉ có một lần và lại có ý nghĩa to lớn trong đời sống của người dân, Tết Nguyên đán luôn được các gia đình Hà thành chuẩn bị chu toàn.

Tết vẫn là Tết...
Ông Phạm Ngọc Giao giới thiệu về bộ đôi câu đối của gia đình. Ảnh: Phương Ngân

Xoa xoa hai bàn tay cho ấm giữa cái lạnh, ông Nguyễn Thái An (sinh năm 1943, phố Hàng Đào) nheo nheo đôi mắt và hồi tưởng về Tết xưa. Những ngày cuối cùng của năm quây quần bên nồi bánh chưng, ông An tưởng đây chỉ là ký ức trong tuổi thơ của mình, nhưng lại là những giây phút hiện hữu. Trong màn sương đêm ướt lạnh, làn khói từ nồi bánh chưng tỏa ra nghi ngút, phảng phất hương thơm dịu dịu của gạo nếp ngon, hơi nồng nồng của lá dong đun kỹ và vị ngầy ngậy của mùi thịt ba chỉ chín tới.

Ông An bồi hồi, ngày xưa, mợ ông An là người phụ nữ tháo vát, đảm đang. Cụ bà luôn tự tay mua sắm chuẩn bị Tết chứ không mượn đến người giúp việc trong nhà. Thực phẩm cho Tết chủ yếu là các thức hàng khô, như miến dong, mộc nhĩ… được mua với số lượng đủ cho mười ngày Tết. Vài đôi gà mua thả nhốt trong chuồng, ăn đến đâu mới làm thịt đến đó.

Nồi bánh chưng ngày đó với đám trẻ thơ và ngay cả với những người lớn chính là một điều kỳ diệu của Tết. Gia đình nào cũng cố gắng chuẩn bị lá dong, thịt đỗ, gạo nếp để tự tay gói những chiếc bánh vuông vắn. Và theo thông lệ, bao giờ trẻ con trong nhà cũng được “ưu tiên” một chiếc bánh mụ – chiếc bánh chưng nhỏ xíu, có dây buộc làm tay cầm. Đấy là phần thưởng để dành cho sự háo hức của lũ trẻ, sau cả một đêm thức cùng cậu mợ canh nồi bánh chưng nghi ngút khói.

Theo ông An, với người Hà Nội, mâm cơm ngày Tết mang mời khách nhất định phải có sắc xanh của bánh chưng. Mỗi gia chủ đều muốn mời khách thưởng thức hương vị riêng của chiếc bánh chưng nhà mình, đó được coi như một điều may mắn với gia chủ và như một lời chúc may mắn cho năm mới.

Cùng với sự biến thiên của thời gian, cuộc sống của con người bận rộn hơn và những tiện ích chỉ cần có tiền là mua được. Song, rất nhiều gia đình Hà Nội vẫn duy trì hoạt động gói bánh chưng ngày Tết. Thông thường, vài ba gia đình sẽ cùng “góp gạo chung” để có một nồi bánh chưng ăn Tết. Bánh sau khi gói bằng những nguyên liệu tươi, ngon sẽ được bỏ vào nồi luộc, chờ trong khoảng thời gian 12 – 14 tiếng để bánh chín. Gói bánh chưng tốn nhiều thời gian, người ngồi gói bánh, trông bánh thường kêu “đau đến gãy lưng”.

Nhưng có hề gì, khi đó là khoảng thời gian tuyệt vời để cùng nhau chia sẻ những điều đã qua, chứng kiến những cái sắp qua và đón đợi cái sắp đến đầy ắp niềm vui và sự hưng phấn, thì người ta bảo, cảm giác ấy ở Hà Nội thế là thường.

Nguyễn Ngân
https://laodongthudo.vn/tet-van-la-tet-151246.html