Tôi nhớ thuở nhỏ, mấy anh em tôi đều thích Tết. Bởi chỉ có khi Tết đến lũ trẻ ở miền quê Hà Tây cũ (nay là ngoại thành Hà Nội) chúng tôi mới được mẹ sắm cho áo mới. Tuổi thơ, chưa có khái niệm thời gian, chưa hiểu Tết là thế nào, chưa hiểu nỗi lo toan, nhọc nhằn của người lớn những ngày cận Tết. Trong trí nhớ trẻ thơ, tôi chỉ lởn vởn với suy nghĩ, sao gần ngày rồi mà mẹ vẫn chưa lo đi chợ sắm Tết? Bao thắc mắc băn khoăn thì chừng ấy cũng là sự mong ngóng.
Lớn lên, cảm nhận của tôi về Tết cũng khá hơn. Có những năm, mẹ cứ lam lũ và cặm cụi hết việc ngoài đồng đến việc trong vườn, và ngày ngày cứ trôi. Năm ấy, phải đến tận hôm 30 mẹ mới chạy vội lên chợ sắm sửa. Trông ánh mắt đầy mong đợi của lũ trẻ chúng tôi, mẹ chỉ cười hiền, tựa như đang cố giấu đi giọt nước mắt chảy vội vì thương con nhưng cảnh nghèo khó.
Kinh tế gia đình tôi dần khá hơn khi mẹ chuyển sang tập trung chăn nuôi lợn. Mỗi lần mẹ đưa chúng tôi đi học, mùi hôi ám từ chuồng lợn vẫn phảng phất. Chẳng ai muốn lại gần. Bạn bè hay trêu chọc tôi vì điều ấy. Nhưng tôi chẳng buồn. Buồn làm sao được, trái lại tôi còn tự hào bởi dù làm nghề chẳng cao sang nhưng mẹ đã nuôi anh em chúng tôi khôn lớn, ăn học đàng hoàng.
Kinh tế gia đình khá hơn, những ngày cuối năm đi chợ Tết của gia đình vì thế cũng tươm tất hơn. Anh em chúng tôi lớn nên việc đi chợ mua sắm mẹ chẳng phải đụng tay. Tôi không quên được việc đi chợ ngày 29 và 30 Tết để mua gà trống, mua su hào, mua cà rốt, rau mùi, bóng bì, nấm hương, bánh đa nem, thịt lợn… chuẩn bị làm cỗ cúng. Chiếc xe máy cà tàng ngoài chở đủ cả túi to, túi nhỏ treo không sót chỗ nào thì còn mang được cả ba anh em tôi.
Tết cứ ồn ào, ấm áp, nụ cười lan từ người này sang người khác làm cho không gian chợ búa trở thành những ngày hội, chứa đựng niềm vui của của cả người mua và người bán. Ngày Tết, mẹ luôn dặn tôi không mặc cả khi mua của những người gánh gồng ngoài chợ. Thay vào đó, hãy gửi lại họ những nụ cười tươi như những lời chúc Tết sớm. Lời mẹ dặn chẳng khi nào thừa thãi, đến bây giờ tôi vẫn gửi những nụ cười cho người đang chộn rộn với guồng mưu sinh. Họ vui và tôi cũng vậy.
2. Tôi thường có thói quen “phượt” về những vùng ven của Thủ đô mỗi dịp cuối tuần. Đi như vậy phần để tách mình khỏi sự ồn ã sau một tuần vật lộn với công việc, phần khác là để bản thân cảm nhận được sự khác biệt giữa Hà Nội trước thời điểm chưa mở rộng và Hà Nội hôm nay. Trong những chuyến đi ấy, tại những vùng nông thôn, miền núi, tôi thấy sự đổi khác ngày một rõ rệt. Tại xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), tôi gặp anh Nguyễn Văn Trung – một trong những người tiên phong nuôi “chim khổng lồ” ở vùng đất này. Anh bảo, Tản Lĩnh hôm nay đã khác xưa.
Tôi đã từng chung vui với người dân xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Ðức) và xã Cao Thành (huyện Ứng Hòa) khi cây cầu Mỹ Hòa bắc qua sông Ðáy khánh thành, đưa vào sử dụng. Không còn cảnh cả đoàn người cùng phương tiện phải nín thở mỗi khi qua sông trên chiếc cầu phao bằng gỗ chòng chành, hay muốn đi khám, chữa bệnh cũng phải đi đường vòng xa gấp đôi, gấp ba lần mới có thể sang được Bệnh viện Đa khoa Vân Ðình. Người trong vùng hồ hởi, vui sướng. Không vui sao được khi nhờ “nhịp cầu nối những bờ vui” này, kinh tế – xã hội của xã, của huyện đổi thay nhanh chóng.
Tôi cũng từng chứng kiến ánh mắt của những người Thủ đô khi làn xe cộ thênh thang được chạy qua những nút giao thông từng một thuở là “điểm đen” ùn tắc Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến – Tố Hữu. Từng chứng kiến niềm hi vọng khi Hà Nội khởi công xây dựng hầm chui nút giao Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; khởi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La – Xuân Mai… Tất cả đều cho thấy Hà Nội đang vươn mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới.
3. Chiều nay gió buốt, tôi bỏ lại những ồn ã nơi phố phường để về quê đón Tết với mẹ. Ngoài vườn, mấy cây đào đã rụng lá, trên thân lấm tấm những nụ hoa tím hồng. Đàn gà đi lại trong sân. Đám lá dong cũng xanh mướt. Gì cũng có. Tết lại sắp đến, một năm lại sắp qua đi. Thấy bóng tôi, mẹ vui lắm, cứ luýnh quýnh cười. Mẹ trông ra ngoài ngõ, bảo: “Em con mà cùng về được nữa thì tuyệt quá!”. Em tôi là kỹ sư xây dựng, công tác mãi tận Đồng Nai đã ngót hai mùa xuân. Việc bận, em ít khi về nên mẹ chẳng khi nào nguôi nhớ.
Ngồi trong căn bếp nhỏ đang bập bùng cháy, tôi bỗng thấy ngọn lửa ấy ấm cúng đến lạ. Thế nhưng, dường như ngọn lửa cũng có những trăn trở. Nó nói rằng chúng tôi đã lớn lên bằng bao mùa nhọc nhằn của mẹ. Nó nói với tôi rằng, chính mẹ và cha chắp cánh ước mơ cho các con, truyền lan ngọn lửa yêu thương và khát vọng. Thế nhưng, ở đâu đó, lũ trẻ ngô nghê ngày nào lại quên đi những niềm hạnh phúc ngay bên cạnh. Quên đi hơi ấm từ vòng tay cha mẹ.
Tôi miên man nghĩ, bản thân mỗi chúng ta có lẽ đều từng đi rất nhiều, nếm biết bao của ngon vật lạ, được nấu ăn ở nhiều căn bếp khác nhau. Cũng đôi khi chúng ta vì chinh phục những thứ cao siêu, mải miết đi và đi mà quên mất điều bình dị ở bên mình. Để rồi, khi bão dông ập đến thì chỉ có nhà, có mẹ là nơi ta nghĩ đến đầu tiên. Căn bếp nhỏ của mẹ luôn ấm áp và rộng lượng.