Thách thức với lao động làng nghề

Bên cạnh việc các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông thôn mới, thì hiện tại cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức về ô nhiễm môi trường và an toàn lao động.

Tạo việc làm cho lao động nông thôn

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội về phát triển làng nghề, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, sau thời gian bị mai một trong thời gian hoạt động, đến thời điểm hiện Hà Nội còn 806 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 321 làng nghề đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống. Với quy mô như vậy Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn của cả nước với đa dạng các ngành nghề. Hoạt động sản xuất làng nghề của Hà Nội cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động tại nông thôn.

Thách thức với lao động làng nghề
Lao động từ các làng nghề cần phải được đào tạo bài bản để đảm bảo ATLĐ

Được biết đến là làng nghề có truyền thống lịch sử lâu đời, làng nghề rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) đã và đang tạo công việc đưa lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Theo đó, làng nghề rèn chuyên sản xuất các loại dao, kéo cho thị trường miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

So với trước đây, phương thức sản xuất của làng nghề Đa Sỹ hiện tại có sự thay đổi rõ nét. Thay vì sử dụng phương tiện thô sơ, hầu hết các hộ gia đình làm nghề đã sử dụng máy móc công nghệ hiện đại vào sản xuất cho hiệu quả và năng suất cao. Hiện nay làng nghề có hơn 1.000 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Hoạt động từ nghề rèn còn tạo thêm nhiều dịch vụ đi liền và việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài địa phương, thu nhập bình quân của một lao động từ 7.000.000 đồng – 10.000.000 đồng/tháng.

Còn tại thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, những năm gần đây, người dân đang tập trung phát triển nghề làm bánh đa nem truyền thống. Từ nghề làm bánh đa nem đã giúp cho người dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định. Theo các xưởng sản xuất, trung bình một cơ sở sản xuất bánh đa nem ở thôn Trung Hà có thể sản xuất và tiêu thụ 1,5 – 2 vạn bánh/ngày, tương đương 5 – 6 triệu đồng mỗi ngày.

Chuyên sáng tác các sản phẩm từ gỗ, làng nghề điêu khắc Nhân Hiền (xã Nhân Hiền, huyện Thường Tín) ngày càng được nhiều người biết tới vì có nhiều sản phẩm chạm khắc tinh xảo, mang giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ thôn Nhân Hiền cho biết, về cơ bản nghề điêu khắc ở làng đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động mỗi năm.

Theo tìm hiểu, hiện nay ở Nhân Hiền số lao động làm nghề vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 80% số hộ dân của làng. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là chạm khắc các bức tượng dân gian, tượng phật… với nguồn nguyên liệu chính là gỗ mít. Ngoài ra, những người thợ ở đây cũng sản xuất những mặt hàng phổ thông khác như bức phù điêu loại nhỏ, tượng các loại. Với mỗi lao động làm thuê tại các xưởng, thu nhập trung bình mỗi tháng vào khoảng từ 7 – 8 triệu đồng/ người/ tháng.

Quan tâm đào tạo kiến thức về an toàn lao động

Cùng với tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn thì vấn đề an toàn lao động tại các làng nghề cũng là “trăn trở” của cả người sử dụng lao động và người lao động. Mặc dù đã được cảnh báo về nguy cơ mất an toàn lao động, song thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ người lao động vẫn còn đang giữ tâm thế chủ quan trước vấn đề này. Chỉ đến khi bản thân là nạn nhân của việc mất an toàn lao động thì họ mới nhận ra việc đảm bảo an toàn lao động trong quá trình làm việc quan trọng như thế nào.

Anh Phạm Văn Nam, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ tại thôn Châu Phong xã Liên Hà huyện Đông Anh là một trong những trường hợp như vậy. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nam cho hay, cách đây khoảng chục năm trước, anh bị tai nạn trong lúc làm việc khiến bàn tay trái bị thương nặng. Thời điểm đó, anh Nam phải nghỉ làm một thời gian dài để hồi phục vết thương.

Sau tai nạn, anh mới ý thức được việc đảm bảo an toàn lao động trong quá trình làm việc là rất quan trọng. Do đó, để đảm bảo an toàn, trước khi làm việc, anh đã trang bị đầy đủ các đồ bảo hộ cho bản thân và những anh em cùng làm tại xưởng. Bên cạnh đó, các máy móc cũng được anh kiểm tra kỹ trước khi sử dụng để anh em yên tâm làm việc.

Còn với làng nghề Đa Sỹ, không chỉ phải đối mặt với những nguy cơ mất an toàn lao động như tình trạng đứt chân, đứt tay thường xuyên, những người làm nghề rèn tại Đa Sỹ đang phải sống chung với khói bụi của làng nghề. Nhận thấy những ảnh hưởng không tốt từ nghề tới sức khỏe, anh Lê Ngọc Lâm (chủ cơ sở sản xuất Lâm Ánh) đã đầu tư hệ thống hút bụi trực tiếp để làm giảm tác động của khói bụi tới sức khỏe của công nhân và chính gia đình mình.

Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo ra chiếc máy hút bụi, anh Lâm cho biết, qua quá trình làm nghề, anh nhận thấy khói bụi nhiều nên đã quyết định lắp đặt hệ thống hút bụi. Chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên anh Lâm đã tới một số làng nghề gỗ để tìm hiểu về loại máy trên, thấy làng nghề gỗ sử dụng hiệu quả nên anh làm theo. Dựa trên tình hình thực tế, anh Lâm cũng có sáng tạo riêng cho phù hợp với đặc điểm của cơ sở sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ Nhân Hiền (xã Nhân Hiền, huyện Thường Tín) cho biết, cùng với sự phát triển của các làng nghề thì vấn đề an toàn lao động, phòng chống cháy nổ cần được chú trọng. Với các cơ sở có các nguyên liệu dễ cháy nguồn điện phải đảm bảo tắt khi không có người làm việc. Bên cạnh đó, các cơ sở cũng phải đào tạo kiến thức về an toàn lao động cho người lao động trước khi họ sử dụng máy để tránh những tai nạn không đáng có.

Cùng quan điểm với ông Trúc, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ cơ sở đồ gỗ Mỹ Tâm (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên) cho rằng, bên cạnh việc đầu tư máy móc hiện đại, cần chủ động trang bị các kiến thức, kỹ năng về an toàn lao động cho người lao động, chính người lao động phải tự ý thức đảm bảo an toàn cho mình khi làm việc, vì khi xảy ra tai nạn thì người lao động chính là người chịu thiệt thòi nhất.

Lương Hằng
https://laodongthudo.vn/thach-thuc-voi-lao-dong-lang-nghe-155604.html