Thăm ngôi nhà nơi Bác Hồ từng ở và làm việc

Trong không khí của những ngày mùa thu lịch sử, chúng tôi tìm về làng Phú Thượng (Tây Hồ), thăm ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thị An – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc trên chặng đường từ Việt Bắc về Hà Nội năm 1945. Trải qua bao thăng trầm, ngôi nhà cổ mái ngói, phủ sơn vàng vẫn được giữ gìn nguyên vẹn và trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng của quận Tây Hồ cũng như Thủ đô Hà Nội.

Địa chỉ cách mạng tin cậy

Nhà cụ Nguyễn Thị An ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là nhà số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng) được xây dựng từ năm 1929. Bước qua cánh cổng gỗ nhỏ là khoảng sân gạch đỏ dẫn đến ngôi nhà lợp ngói xây kiểu 3 gian 2 chái. Phía trước nhà là 4 chữ Hán “Minh nguyệt thanh phong”, có ý nghĩa “trăng thanh gió mát”. Hai bên có hai dòng chữ nhỏ “Bảo Đại tứ niên – Tôn tạo Đông thành” (Nhà xây năm thứ tư thời vua Bảo Đại, khánh thành vào mùa Đông).

Thăm ngôi nhà nơi Bác Hồ từng ở và làm việc
Ngôi nhà lưu giữ nhiều kỷ vật liên quan tới Bác Hồ. Ảnh: Lê Thắm

Vào năm 1945, ngôi nhà trên từng là nơi trú ẩn, liên lạc, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các cán bộ hoạt động cách mạng. Trong suốt khoảng thời gian đó, những người trong gia đình không để lộ bí mật, không làm mất tài liệu và chu cấp đầy đủ theo khả năng cho các đoàn cán bộ. Chính bởi vị trí kín đáo, nằm trong vùng an toàn nên đồng chí Hoàng Tùng (cán bộ cách mạng hoạt động ở xã Phú Thượng bấy giờ) đã chọn ngôi nhà làm điểm dừng chân của Bác Hồ trong 3 ngày đầu (từ ngày 23/8 – 25/8/1945) khi Người từ chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà Nội.

Trong 3 ngày nghỉ lại tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm việc với các đồng chí Trường Chinh-Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng… về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9 – ngày Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lần thứ 2, gia đình đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm là ngày 24/11/1946, sau khi Người dự Hội nghị Văn hóa về. Trước tình hình thực dân Pháp gây hấn ở nhiều nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chuẩn bị cho ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 và lên chiến khu Việt Bắc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. Từ đó đến nay, ngôi nhà cụ Nguyễn Thị An được coi như “bảo tàng ký ức” lưu giữ những kỷ niệm in dấu chân Người. Trải qua gần 80 năm, ngôi nhà vẫn được bảo tồn vẹn nguyên trong khuôn viên rộng 187,6m2 với 14 di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí cán bộ đã ở và làm việc tại đây.

Đó là bộ tràng kỷ nơi Bác Hồ từng ngồi làm việc; chiếc sập gỗ Bác đã nằm nghỉ ngơi; chiếc máy chữ, vali mây được Người mang về từ Chiến khu Việt Bắc và cả bể nước, chiếc gương, chậu rửa mặt bằng đồng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng… 2 buồng nhỏ ở 2 đầu nhà là nơi trưng bày nhiều bức ảnh của các cán bộ cách mạng đã ở ngôi nhà này để hoạt động trong cuộc kháng chiến chống Pháp; cùng ảnh của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới thăm gia đình.

Lưu giữ nhiều kỷ niệm về Bác

Hiện ngôi nhà đang được gia đình ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ An trông nom. Qua thời gian, những câu chuyện về Bác Hồ được bà nội và cha kể lại, ông Công Ngọc Dũng vẫn khắc ghi từng chi tiết như đã được thấm qua nhiều năm tháng. Ông chia sẻ: “Theo tôi được nghe kể, chiều 23/8/1945, khi bố tôi đang cùng một số đồng chí trong Ủy ban Nhân dân lâm thời xã Phú Gia dự họp, thì em gái đến gọi về nhà ngay. Về đến cổng, ông thấy có bảo vệ và được thông báo, nay nhà có các đồng chí ở chiến khu Việt Bắc về. Lần này, gia đình không được báo trước về sự xuất hiện của Bác Hồ, chỉ nghĩ cũng như các đoàn cán bộ khác từng đến đây ở. Tuy nhiên hôm đó, bố tôi (tức ông Công Ngọc Kha) thấy đoàn có thái độ rất trang nghiêm, đi về lặng lẽ hơn, trong đoàn có một ông cụ khác hẳn mọi người, thân hình gầy, yếu như mới qua một trận ốm sốt rét”.

Thăm ngôi nhà nơi Bác Hồ từng ở và làm việc

Thời gian ở tại đây, ông cụ mải miết làm việc từ sớm đến khuya, không mấy lúc nghỉ tay, ngoài lúc ngồi nghe các đồng chí từ Hà Nội về báo cáo tình hình. Dù vô cùng bận rộn, nhưng đến chiều 25/8, trước khi rời đi, ông cụ có mời mọi người trong gia đình tới, nói lời cảm ơn gia đình vì đã chăm lo, giúp đỡ đoàn cán bộ và hẹn một ngày nào đó trở lại. Đến ngày 2/9/1945, khi có vinh dự được tham dự cuộc míttinh lịch sử ở Quảng trường Ba Đình, ông Kha cùng người nhà mới biết ông cụ đã về Phú Gia và ở trong gia đình mình chính là Bác Hồ…

Lần thứ 2 vào năm 1946, sau khi dự Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bác Hồ quay lại thăm nhà cụ An. “Về tới nơi, Bác Hồ hỏi ông bố tôi về ông cụ già trong nhà, tức ông nội tôi và bảo bố tôi đi mời ông cụ xuống gặp Bác. Ông nội tôi khi xuống tới sân, nhìn vào trong nhà thấy Bác Hồ thì cụ chuẩn bị dựng gậy vào cây hoa mộc để chắp hai tay vào vái, hành lễ. Khi thấy cụ chuẩn bị hành lễ, Bác Hồ đi rất nhanh ra nói rằng: “Không không, bây giờ cách mạng rồi, chúng mình đều là anh em cả, không còn như chế độ thực dân trước đây nữa”. Rồi Bác và ông tôi dắt tay nhau vào nhà”, ông Công Ngọc Dũng kể.

Còn rất nhiều câu chuyện xúc động về Bác Hồ khi Người lưu lại ở đây. Những kỷ vật cùng kỷ niệm được gìn giữ tại nhà cụ Nguyễn Thị An chính là bằng chứng sinh động về lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9; về tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; về nghệ thuật lãnh đạo của Bác và Đảng…

Ông Công Ngọc Dũng chia sẻ, năm 1996 gia đình hiến ngôi nhà cho Nhà nước để làm Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2019 ngôi nhà được công nhận là Di tích lịch sử cấp Thành phố, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động tham quan không được triển khai nhiều, nên số lượng khách tới thăm và tìm hiểu Di tích còn ít. Đến năm 2022, sau khi được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, cùng với sự hỗ trợ của các kênh báo đài, truyền thông, thời gian qua, địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An đã được nhiều người biết đến và đón hàng nghìn khách tham quan mỗi năm, nhất là vào dịp kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước.

Trong hơn 1 năm qua, Di tích đã trở thành điểm đến, địa điểm sinh hoạt ngoại khóa về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của nhiều tổ chức chính trị, cơ quan, đơn vị, trong và ngoài quận. Đặc biệt, một số thầy cô giáo dạy Lịch sử tại các trường học từ bậc Tiểu học tới Đại học trong Thành phố thường dẫn học sinh đến tham quan ngôi nhà và giảng dạy lịch sử cho học sinh. “Điều đó thể hiện, Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc đã và đang phát huy được giá trị vốn có của nó. Đặc biệt là trong việc giáo dục lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ, đây cũng chính là mong muốn và niềm tự hào của gia đình, dòng họ chúng tôi”, ông Dũng xúc động chia sẻ.

Lê Thắm
https://laodongthudo.vn/tham-ngoi-nha-noi-bac-ho-tung-o-va-lam-viec-159842.html