Thẩm quyền cho thành phố thuộc thành phố Hà Nội phải cao hơn cấp huyện

Thành lập thành phố trực thuộc Thủ đô (dự kiến gồm thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai) là điểm mới quan trọng được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cơ cấu, tổ chức vượt trội

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về tổ chức chính quyền Thủ đô, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức Hội đồng nhân dân phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Trong đó, quy định cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội (dự kiến được thành lập theo định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc – thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây – thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù vượt trội so với cơ cấu, tổ chức của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Đồng thời, quy định một số thẩm quyền vượt trội của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện như quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố.

Thẩm quyền cho thành phố thuộc thành phố Hà Nội phải cao hơn cấp huyện
Xây dựng vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn thành thành phố logistics, dịch vụ. (Ảnh minh họa: Nhật Nam).

Góp ý xây dựng dự thảo Luật, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh – Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, thẩm quyền cho thành phố thuộc thành phố Hà Nội phải cao hơn thẩm quyền cấp huyện để tạo tiền đề bứt phá. Cần rút kinh nghiệm từ thành phố Thủ Đức – mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên trong cả nước với mô hình tổ chức và các chức năng nhiệm vụ về cơ bản vẫn là một đơn vị hành chính cấp quận huyện như bao đơn vị hành chính cùng cấp khác.

Công tác quản lý nhà nước quan trọng trên địa bàn thành phố Thủ Đức vẫn theo mô hình các sở, ban, ngành trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tham mưu UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định các vấn đề quan trọng. Ngoài các chức năng nhiệm vụ như một chính quyền cấp huyện, chưa có cơ sở pháp lý để thành phố Thủ Đức thực hiện các chức năng quản lý nhà nước khác.

Điều này một mặt, chưa phát huy được vai trò của một chính quyền đô thị đúng nghĩa, mặt khác chưa tạo được tính chủ động, khuyến khích được tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm từ chính quyền thành phố Thủ Đức.

Cần phân cấp, phân quyền mạnh từ chính quyền cấp thành phố

Vì vậy, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh góp ý, đối với thành phố thuộc Thủ đô cần tăng tính chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND, tổ chức chính quyền địa phương thành phố thuộc Thủ đô sao cho năng động, hiệu quả (cân nhắc giữa các mô hình cấp chính quyền, không thành cấp chính quyền địa phương, giữa chức danh Chủ tịch và Thị trưởng).

Đồng thời, cần cho phép thành phố thuộc Thủ đô được chủ động trong việc giao biên chế đủ đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ quản lý; điều chuyển một số nhiệm vụ thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND thành phố thuộc Thủ đô…

Thẩm quyền cho thành phố thuộc thành phố Hà Nội phải cao hơn cấp huyện
PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh góp ý xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trong tham luận gửi đến hội thảo góp ý xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) mới đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, dù Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội so với chính quyền địa phương quận, thị xã để bảo đảm tính tự chủ cao hơn song vẫn còn chưa rõ ràng và đủ mạnh.

Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập gắn với kỳ vọng về một mô hình chính quyền địa phương được phân cấp, phân quyền mạnh từ chính quyền cấp thành phố để hoạt động tự chủ, năng động, sáng tạo và hiệu quả. Việc thành lập thành phố thuộc thành phố Hà Nội cũng nên gắn với các yêu cầu như vậy.

Do đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc xác định mô hình chính quyền thành phố thuộc Thủ đô Hà Nội cần bảo đảm được các yêu cầu cơ bản: Là chính quyền địa phương của một đơn vị hành chính lớn quận, thị xã, huyện thuộc Thủ đô; là cấp chính quyền địa phương có tính đặc thù vượt trội theo hướng tự chủ, năng động, sáng tạo, hiệu quả cao hơn chính quyền quận, thị xã, huyện thuộc thành phố.

Trao cho thành phố thuộc thành phố Hà Nội khuôn khổ pháp lý riêng

Cùng quan tâm đến nội dung này, TS Đoàn Thị Tố Uyên và ThS Nguyễn Mai Thuyên – Trường Đại học Luật Hà Nội nhìn nhận, để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình, chủ động trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và triển khai thực hiện, thành phố thuộc Thủ đô phải được tổ chức bộ máy chính quyền hoàn chỉnh với cả thiết chế đại diện cho nhân dân và thiết chế quản lý hành chính.

Thẩm quyền cho thành phố thuộc thành phố Hà Nội phải cao hơn cấp huyện
Dự kiến vùng Hoà Lạc, Xuân Mai sẽ thành lập thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học. Ảnh: Tuấn Dũng

Tuy nhiên, quy định trong Dự thảo hiện nay về tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội khá “an toàn”, không có nhiều điểm khác biệt so với chính quyền ở các đơn vị hành chính tương đương. Thành phố thuộc Thành phố mặc dù là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng có rất nhiều điểm đặc thù so với đơn vị hành chính tương đương. Vì vậy, không thể và không nên áp dụng mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền ở các huyện, quận, thị xã vào thành phố thuộc thành phố.

Vì vậy, TS Đoàn Thị Tố Uyên góp ý, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần trao cho thành phố thuộc thành phố Hà Nội khuôn khổ pháp lý riêng để tạo đà phát triển. Về tổ chức, thành phố thuộc thành phố Hà Nội gồm cơ quan đại diện của dân (HĐND) và thiết chế hành chính, quy định về HĐND giữ nguyên như Dự thảo, thiết chế hành chính ở thành phố thuộc thành phố Hà Nội thì áp dụng cơ chế Thị trưởng.

Còn trong tương lai, Hà Nội cần hướng tới mô hình tổ chức chính quyền một cấp, bộ máy chính quyền thành phố phải được tổ chức thống nhất theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, linh hoạt, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý.

Phương Thảo