Tháng 3 có hẹn với Chùa Tây Phương

Cứ mỗi độ tháng 3 (âm lịch), người dân Hà Nội và du khách thập phương lại nô nức rủ nhau đi trẩy hội Chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Đây là một công trình kiến trúc độc đáo vào hạng nhất trong các ngôi chùa ở Việt Nam, với sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc truyền thống và không gian sinh cảnh tự nhiên.

“Tây Phương phong cảnh hữu tình/Rủ nhau trẩy hội có mình có ta/Nhớ ngày mùng sáu tháng ba/Ăn cơm với cà trẩy hội chùa Tây”. Những câu ca ấy đã in sâu vào tâm hồn bao người dân xứ Đoài. Theo thời gian, với bao bộn bề mưu sinh, nhưng cứ mỗi độ tháng 3 âm lịch, khi hoa gạo đỏ rực một góc trời, người dân lại háo hức đón chờ ngày trẩy hội Chùa Tây Phương.

Chùa Tây Phương nổi tiếng không chỉ ở sự cổ kính qua truyền thuyết và lịch sử, nó còn nổi tiếng ở cảnh quan mê hồn, bởi tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lậu, đột khởi giữa vùng đồng bằng màu mỡ, với núi, non, sông, nước gắn liền với quan niệm phong thủy phương Đông. Tây Phương còn nổi tiếng ở bộ tượng thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, có thể coi là Phật điện đông đúc nhất trong các ngôi chùa ở Việt Nam có giá trị tiêu biểu, xuất sắc về tượng gỗ, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013.

Tháng 3 có hẹn với Chùa Tây Phương
Chùa Tây Phương thường được tổ chức vào ngày 6/3 âm lịch hằng năm.

Chùa Tây Phương hiện nay là một quần thể các đơn nguyên, bao gồm các hạng mục sau: Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà Mẫu và Nhà khách.

Từ Tam quan hạ phái đi lên 247 bậc đá ong mới đến Tam quan Thượng. Miếu Sơn Thần nằm ở bên trái chùa, tách biệt với khu chùa chính. Đây là đơn nguyên vừa đóng vai trò là nơi thờ thần núi, vừa là nhà thờ Đức Ông, có diện tích khiêm tốn với kiến trúc gỗ lợp ngói truyền thống. Chùa Chính là hạng mục chủ yếu của toàn bộ phúc hợp Tây Phương. Chùa nằm trên đỉnh núi Câu Lâu, có kết cấu kiến trúc chữ công (I), bao gồm các tòa Tiền đường, Trung đường và Thượng điện. Cả ba đều có kết cấu kiến trúc khung gỗ kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái. Cả hai tầng mái đều theo kiểu “tàu đao lá mái”, giữa hai tầng là cổ diêm được bưng kín bởi những tấm ván đố. Tiền đường và Thượng điện 5 gian, 2 chái với 6 bộ vì nóc, còn Trung đường được thu ngắn chiều ngang, chỉ còn 3 gian 2 chái, 4 bộ vì kèo, nhưng lại có mái thượng điện cao vượt hẳn lên.

Chùa Tây Phương, hay tên chữ “Sùng Phúc tự” là di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật, nằm trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây.

Truyền thuyết kể lại rằng, sự ra đời của ngôi chùa gắn liền với quá trình truyền bá Phật giáo vào Việt Nam. Muộn hơn vài thế kỷ, câu chuyện lại nghiêng sang một hướng khác, gắn với nhân vật Cao Biền – Tiết độ sứ thời nhà Đường (864 – 868) đã từng cai trị An Nam và đến đây xây dựng một kiến trúc tôn giáo, với ý đồ chặn long mạch xứ này.

Phần cổ diêm ở Tiền đường và Thượng điện có kích thước giống nhau và có chiều cao 1m, còn ở Trung đường có kích thước lớn hơn, cao 1,40m. Do Cổ diêm cao hơn như thế, nên tuy mái của cả 3 tòa đều cao bằng nhau, nhưng mái trên của tòa giữa lại trội vượt hẳn lên, theo đó, nhìn tổng thể chùa, chúng ta thấy Trung đường cao hơn hẳn. Mặt trước tòa Tiền đường bưng cửa gỗ bức bàn ở 3 gian giữa, hai bên xây gạch chỉ không trát vôi vữa, là ngôn ngữ của mặt tường ngoài, tiêu biểu cho cả ba đơn nguyên.

Chùa chính Tây Phương còn rất nhiều sự đặc biệt về kết cấu khung gỗ, về tàu mái, bộ mái, cùng các mảng đề tài trang trí trên kiến trúc gỗ. Để cảm nhận được hết vẻ đẹp của ngôi chùa nói chung, kiến trúc ngôi chùa chính nói riêng, chắc chắn không một bài viết nào nói hết, mong du khách thập phương, những người hành hương đến tận nơi chiêm ngắm mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của hạng mục này.

Tháng 3 có hẹn với Chùa Tây Phương
Người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi đến vãn cảnh chùa.

Tất cả các chi tiết gỗ trong chùa đều được chạm trổ tinh xảo. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long… đều có chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc của dân tộc Việt: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù… rất sống động được tạo ra dưới bàn tay người thợ tài hoa của các nghệ nhân làng mộc ngay trong vùng Tổng Nủa, làng truyền thống Chàng Sơn – làng nghề mộc lâu đời và nổi tiếng của xứ Đoài.

Chùa Tây Phương là một công trình kiến trúc độc đáo vào hạng nhất trong các ngôi chùa ở Việt Nam, với sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc truyền thống và không gian sinh cảnh tự nhiên. Chính vì lẽ đó, năm 2014, Chính phủ đã công nhận ngôi chùa này là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật.

Tháng 3 có hẹn với Chùa Tây Phương
Ban Quản lý di tích đã triển khai một kịch bản riêng cho công tác phòng chống dịch nên lượng du khách thập phương về tham quan, lễ phật rất đông.

Năm nay do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid- 19, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất không tổ chức Lễ khai hội như mọi năm. Tuy nhiên, từ ngày 13/3/2021, Chùa Tây Phương đã mở cửa đón du khách thập phương đến vãn cảnh sau thời gian đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất, Ban Quản lý di tích đã triển khai một kịch bản riêng cho công tác phòng chống dịch với nhiều giải pháp đồng bộ nên lượng du khách thập phương về tham quan, lễ phật rất đông.

Người đến với chùa không hẳn chỉ là “trẻ vui nhà, già vui chùa” mà là đến với cả tâm tư ước vọng thiêng liêng thành kính. Cùng với các biện pháp của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương kêu gọi du khách tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của trung ương và thành phố Hà Nội, chấp hành nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế để giữ vững thành quả phòng, chống dịch, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng chính đáng của nhân dân.

Phương Ngân – Thảo Linh/laodongthudo.vn