Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hàng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, vùng, miền thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đồng thời đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng việc làm, hoạt động cụ thể thiết thực của đồng bào các dân tộc và lan tỏa đến khách du lịch tại “Ngôi nhà chung”.
Các hoạt động tháng 5 với sự tham gia hơn 100 người của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia 11 địa phương, đặc biệt có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Sóc Trăng). Huy động thêm khoảng 25 nghệ nhân đồng bào Gia Rai tỉnh Gia Lai ngày 18,19/5/2024.
Đáng chú ý, trong chuỗi hoạt động, đồng bào dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai sẽ tái hiện Lễ mừng chiến thắng của dân tộc Gia Rai. Đồng bào đang hoạt động tại Làng tổ chức chương trình “Bài ca dâng Bác”, biểu diễn các ca khúc, biểu diễn nhạc cụ, điệu múa, diễn xướng dân gian ca ngợi Bác Hồ thể hiện được tình cảm của Bác dành cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng bào các dân tộc phía Bắc, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ sẽ cùng nhau kể những câu chuyện về Bác Hồ với từng vùng, miền, dân tộc…
Bên cạnh đó là Chương trình dân ca dân vũ “Tây Nguyên với Bác Hồ, Bác Hồ với Tây Nguyên” gồm các hoạt động: Giao lưu văn hóa, văn nghệ với các tiết mục dân ca dân vũ thể hiện tình cảm của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác Hồ; Những câu chuyện kể của những người con đồng bào các dân tộc Tây Nguyên về tình cảm của Bác Hồ cũng như từ tấm gương của Bác đồng bào noi theo Bác học tập và làm theo Bác; Giới thiệu các tích trò, các hoạt động diễn xướng dân gian, giới thiệu nghề thủ công truyền thống của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai…
Đặc biệt, Lễ Phật đản cũng được tổ chức trang trọng tại không gian Làng với các chương trình như: Phật tử vân tập; Cung thỉnh chư tăng; Lễ bái Tam bảo; Phật tử thọ trì quam quy ngũ giới; Nghi thức tắm tượng; Chư tăng tụng kinh chúc phúc, thuyết pháp; Phật tử dâng trai tăng; Thọ trai; Hoàn mãn. Lễ Phật đản là dịp không chỉ để tôn vinh Đức Phật mà còn là dịp để ôn lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên phương diện một con người lịch sử cùng những lời dạy của Ngài.
Tái hiện cuộc sống hàng ngày tăng cường các hoạt động giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, các hoạt động trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của các nhóm đoàn, phục vụ du khách tham quan tuyến điểm; Giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc; Thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc; Phục vụ du khách tham quan tuyến điểm; Trò chơi dân gian: Nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, bập bênh…
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm… nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.
Kim Thoa
Tháng 5 “Theo dấu chân Người” ở Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (nguoihanoi.vn)