Ngày ấy làm gì đã có điện thoại thông minh. Thảng cái thôi, chỉ trong vòng chục năm vỏn vẹn, chẳng ai nhớ được lợi ích của loa phường là gì nữa. Tới khi dịch Covid -19 oanh tạc, loa phường đã mất dấu tích lâu rồi, đột nhiên cựa mình sống động.
Ngày chưa có điện thoại thông minh, chưa có tin nhắn, chưa có mạng không dây, mạng xã hội. Chuyện làng chuyện xã, cái gì cũng thông báo trên loa hết. Lịch tiêm phòng cho trẻ, lịch cắt điện, cắt nước, các sự kiện họp dân, hỗ trợ cựu chiến binh, lịch phát lương hưu, các dịp tổ chức trung thu, phát quà cho thiếu nhi, tìm đồ, tìm người, tìm cả trâu cày, nhà nào mất trộm mất cắp, loa cảnh báo… Gọi loa công khai, mọi người nghe rồi bảo nhau tự biết. Còn bây giờ, tin nhắn nhắc về tiêm chủng cũng được gửi riêng. Nó giống như biến việc chung thành việc riêng, việc ai tự mình biết. Chủ trương của Nhà nước chính phủ và xã hội là tiến gần hơn đến số hóa. Âu cũng là bắt kịp xu hướng tương lai. Nhưng sao vẫn tiếc cho một cái gì đấy đã cũ, cái nét của một thời đại đã qua.
Hồi mà tivi, máy tính chưa phổ biến, các sinh hoạt giải trí khác hẳn so với lớp thời hiện đại. Loa phường ngoài các thông báo chính thống thì cũng như radio, cập nhập tin tức, dự báo thời tiết, có bản tin buổi sáng, đêm khuya nghe kể chuyện. Nghe các cụ kể rằng, hồi trước nữa, loa báo động cả máy bay, báo động địch. Trẻ như tôi thì không có cơ hội kiểm chứng. Nhưng tuổi thơ của tôi vẫn có loa phường.
Người mình khôi phục đầy thứ, tại sao lại bỏ qua loa phường? Các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, các lễ hội khắp nơi được khôi phục như là nét đẹp văn hóa du lịch. Trang phục truyền thống trở lại trên người thế hệ trẻ, trong các cuộc diễu hành nơi phố cổ. Đầy thứ duy mĩ. Thế nhưng có những trải nghiệm dung dị tại sao lại lãng quên? Người ta cho đầy thứ vào bảo tàng, vinh danh đủ thứ, thế sao mình chẳng có cái bảo tàng nào về loa phường?
Rằm tháng tám phát nhạc trung thu. Trẻ con tụ tập rước đèn, vừa có không khí lại vừa vui. Nhẩm nghĩ người lớn được nghe lại chính mình ngày cũ, chắc chắn cũng vui. Dịp tết thiếu nhi thì phát các bài vè. Trẻ con thời nay chắc gì đã biết hát vè. Những cái mặc định của trẻ con ấy, là của trẻ con nhiều năm về trước mất rồi. Vè chỉ ở trong ký ức người lớn. Rồi giáp Tết phát nhạc xuân. Người ta họp chợ trong các khúc xuân ca rộn ràng.
Có lẽ trong trung tâm của sự phát triển, loa phường đã không còn phù hợp với các thành thị lớn. Nhưng loa phường vẫn là cái nền của sinh hoạt. Cần được giữ gìn, tìm cách thích nghi và tiếp tục phát huy giá trị của mình. Loa phường là phương tiện nên được vinh danh trong bảo tàng, có thiếu đâu những câu chuyện để kể về loa phường, trong quá khứ và cả ở tương lai. Chỉ thiếu người kể ra mà thôi.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết “Hà Nội và tôi” của tác giả Capi. |
Capi
https://nguoihanoi.com.vn/thanh-am-ha-noi-67555.html