Dự hội nghị có đại diện một số cơ quan trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; Bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội…
Xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng được trình tại Hội nghị Ban Chấp hành lần này.
Cụ thể, về Quyết định thành lập các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ Thành phố, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu thảo luận cho ý kiến về số lượng các tiểu ban, thành viên các tiểu ban, nhiệm vụ của các tiểu ban cần bổ sung, thay đổi gì hay không?
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. |
Về một số vấn đề về tình hình kinh tế – xã hội, theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, năm 2023, Thành phố đã thực hiện khá toàn diện, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Thành phố đã cố gắng thực hiện nhiều công việc quan trọng mang tính chiến lược, dài hơi để tạo tiền đề cho sự phát triển của Thủ đô giai đoạn tới, như: Sửa đổi Luật Thủ đô (2012); đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực; triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; triển khai quyết liệt các công việc để thực hiện dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm của Thành phố; thực hiện Đề án về phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan, các cấp chính quyền…
Tuy nhiên, Thành phố đang phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và đầu tư công năm 2023 của Thành phố; kết quả thực hiện chủ đề năm 2023 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và sự cần thiết đề xuất tiếp tục thực hiện chủ đề này trong năm 2024.
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình hội nghị. |
Đồng thời, hội nghị đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính và thủ tục hành chính…; chỉ ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là các nguyên nhân chủ quan để đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trước mắt và lâu dài.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị đối với kế hoạch đầu tư công năm 2024, cần được thảo luận kỹ, đưa ra các giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân, bố trí đủ vốn cho các dự án, trong đó cần tập trung một số vấn đề như tính khả thi của nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công năm 2024, nguồn vốn các dự án xây dựng cơ bản…
Bên cạnh đó, các đại biểu cần thảo luận, cho ý kiến về các nội dung Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố trình trong phương án cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025; đồng thời rà soát, đánh giá lại tính khả thi của các dự án trong kế hoạch trung hạn chưa triển khai để đề xuất giải pháp cắt giảm, điều chuyển vốn trung hạn, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm…
Phân tích cụ thể về quan điểm quy hoạch Thủ đô
Về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích đánh giá và tham gia cụ thể về những mục tiêu, quan điểm, định hướng tổng thể và các giải pháp trọng tâm.
Cụ thể về tính chất liên kết vùng, quốc tế của Thủ đô; định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các thành phố phía Bắc, phía Tây; nghiên cứu định hướng các trục không gian của Thành phố, định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4.
Nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. định hướng phát triển khu vực nông thôn kết hợp với việc bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc các vùng văn hóa của Thăng Long – Kinh Bắc – Sơn Nam Thượng – Xứ Đoài, gắn kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn…
Về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2024 của Thành ủy, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến cụ thể về số lượng, nội dung và thời gian tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát năm 2024 của Thành ủy Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị. |
Đối với Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về các nội dung, tiến độ của các công việc trong dự thảo; trong đó tập trung cho ý kiến về một số nội dung bổ sung, điều chỉnh so với chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy đã ban hành theo đề xuất của các cơ quan được giao chủ trì tham mưu. Đồng thời, đại biểu tiếp tục nghiên cứu có cần bổ sung và đưa thêm nội dung vào Chương trình công tác năm 2024 hay điều chỉnh tiến độ của nội dung nào không?
Về Dự thảo chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Bí thư Thành ủy đề nghị đề nghị các đại biểu cho ý kiến về những nhận định, đánh giá vai trò của văn hóa, kết quả, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, công tác tổ chức thực hiện trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
“Những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô năm 2024 và những năm tiếp theo. Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các báo cáo, đồ án, chỉ thị, dự thảo nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.