“Thắp lửa” cảm hứng đọc sách

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc là hoạt động tích cực khuyến khích, truyền cảm hứng đọc sách cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ.

Đã qua 4 mùa tổ chức trên phạm vi toàn quốc, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc có những thành quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm để “thắp lửa” phong trào đọc sách, trân trọng sách hay và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc trong cộng đồng hơn nữa.

doc-sach.jpg
Học sinh đọc sách tại thư viện Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ). Ảnh: Việt Nga

Phát triển văn hóa đọc

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc nằm trong chuỗi các hoạt động của đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017. Cuộc thi quy mô toàn quốc được phát động hằng năm bắt đầu từ năm 2019, là sự tiếp nối cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô, Đại sứ văn hóa đọc Đà Nẵng đã diễn ra thành công trước đó. Đến năm 2022, qua 4 lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút hơn 3,5 triệu lượt thí sinh tham dự ở vòng sơ khảo. Với sự mở rộng quy mô tổ chức, từ đối tượng học sinh phổ thông đến sinh viên rồi lực lượng vũ trang, người khiếm thị, số lượng thí sinh tham dự tăng mạnh theo mỗi lần tổ chức đã phần nào khẳng định sức lan tỏa của cuộc thi.

Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) – cơ quan thường trực cuộc thi nhận định, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đã trở thành diễn đàn để sinh viên, học sinh chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách hiệu quả. Cuộc thi đã khơi dậy niềm đam mê đọc sách, mỗi thí sinh đã thật sự trở thành một “đốm lửa” truyền cảm hứng đọc đến cộng đồng.

Là thí sinh đoạt giải Nhất cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2022, Bùi Tuấn Huy – học sinh Trường Trung học phổ thông Tây Hồ chia sẻ: “Đại sứ văn hóa đọc không đơn thuần là một cuộc thi mà là một trải nghiệm ý nghĩa. Việc dự thi kích thích chúng em đọc sách, phát huy niềm đam mê đọc sách, chia sẻ những cuốn sách hay, những phương pháp đọc sách hiệu quả, lan tỏa tình yêu sách đến mọi người và hình thành một thế hệ biết trân trọng và yêu quý sách”.

Còn Nguyễn Thiên Phước, học sinh Trường Trung học cơ sở Huỳnh Tấn Phát (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, em thích đọc sách và khi đọc cuốn nào đó, em thường tra cứu thêm tài liệu để bổ sung kiến thức. Em còn tổ chức trò chơi đoán chữ thưởng quà cho các bạn ở trường, mà để giải được ô chữ các bạn phải đọc sách… Hay như Nguyễn Sơn Long, Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Bắc Giang năm 2020, giải Nhất khối Tiểu học cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021 đã có nhiều kế hoạch, hoạt động thiết thực như quyên góp, ủng hộ sách; thành lập nhóm Đọc sách nuôi dưỡng hạnh phúc và trí tuệ trên Facebook thu hút gần 1.000 thành viên…

Đổi mới, khơi dậy đúng cách

Bên cạnh những hiệu quả trong việc kích thích phong trào đọc sách trong cộng đồng, việc tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tại các địa phương vẫn có những hạn chế, bất cập.

Giám đốc Thư viện tỉnh Kiên Giang Lê Thị Thanh Thủy cho hay, cuộc thi đã tạo nên “luồng gió mới” đa dạng hóa hình thức đọc sách
và chuyển tải đến mọi người, đồng thời tìm ra nhiều học sinh xuất sắc có năng khiếu sáng tác thơ, văn, hội họa, từ đó các thầy cô và phụ huynh có thể bồi dưỡng để các em phát huy tài năng. Tuy nhiên, trong cuộc thi vẫn có nhiều bài dự thi chất lượng không cao, thiếu đầu tư, làm bài sơ sài. Thậm chí, có bài dự thi chỉ “đánh trống, ghi tên”, sao chép của nhau, chép trên mạng internet… Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An Nguyễn Vinh Quang bày tỏ: “Trao giải xong, các em lại trở về địa phương và những thành quả của cuộc thi chưa được phát huy hết khả năng, rất lãng phí”…

Tuy năm 2023 Đại sứ văn hóa đọc không phát động với quy mô toàn quốc, nhưng nhiều tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Nghệ An, Kiên Giang, Phú Thọ, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Sơn La… vẫn tổ chức cuộc thi để tiếp tục kích thích việc đọc sách trong các bạn trẻ. Các địa phương đều có sự đổi mới tổ chức, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể để cuộc thi ngày càng có chiều sâu hơn, hiệu quả và lan tỏa rộng hơn.

Tại Hà Nội, theo Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh, cuộc thi được thực hiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn Hà Nội, thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành, sự chung tay của toàn thành phố, lan tỏa đến từng trường học, chi đoàn… Bên cạnh đó, để bài dự thi đạt kết quả tốt, ông Trần Tuấn Anh gợi ý các trường học, thầy cô, phụ huynh nên định hướng cho học sinh, sinh viên trong việc lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi để các em thích đọc và có cảm hứng làm bài thi, chia sẻ cuốn sách hay đến mọi người.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga cũng cho rằng, cần tiếp tục tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc với sự mới mẻ và đột phá hơn. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần nâng cao hình ảnh, trách nhiệm của các Đại sứ văn hóa đọc, tạo điều kiện để các đại sứ có cơ hội thể hiện sáng kiến phát triển văn hóa đọc, “thắp lửa” cảm hứng đọc sách trong cộng đồng.

An Nhi

“Thắp lửa” cảm hứng đọc sách (hanoimoi.vn)