Đến Tổ dân phố Ga, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) hỏi gia đình anh Hứa Trụ Bằng và chị Chu Thị Yến, ai nấy đều cảm thông bởi hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
Anh Hứa Trụ Bằng cùng con gái Hứa Minh Thủy trò chuyện cùng cộng tác viên dân số của khu dân cư |
Gia đình anh Bằng, chị Yến thuộc hộ cận nghèo. Chị Yến làm công nhân một công ty may trên địa bàn, thu nhập ít ỏi so với cuộc sống nơi đô thị. Còn anh Bằng – dù ốm đau, bệnh tật phải thuốc thang liên miên nhưng anh vẫn cố chạy xe ôm để kiếm thêm đồng ra đồng vào cùng vợ trang trải cuộc sống trong gia đình.
Dù chỉ sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, chật chội khoảng chừng 20m2 nhưng gia đình anh Bằng, chị Yến luôn cảm thấy hạnh phúc và luôn dành sự quan tâm, yêu thương tốt nhất đến cho các con.
Cuộc sống khó khăn, vất vả là vậy, nhưng đổi lại anh chị có 2 cô con gái Hứa Minh Trang (2002) và Hứa Minh Thủy (2011) đều ngoan ngoãn, học giỏi. Minh Trang giờ là sinh viên năm cuối một trường Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Còn em gái Minh Thủy 5 năm liền là học sinh giỏi toàn diện – hiện đang học lớp 6 tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Điển.
Trái hẳn với quan niệm của nhiều người là “gia đình càng đông càng vui” hay phải “có nếp, có tẻ”, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Nam và chị Đinh Thị Linh ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn cũng có hai con gái nhưng không có ý định sinh thêm con trai. Thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của vợ, anh Nam cho biết bản thân luôn cảm ơn vợ vì đã sinh cho mình hai đứa con ngoan ngoãn, khỏe mạnh.
Anh Nguyễn Hữu Nam và chị Đinh Thị Linh ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn luôn mong muốn nuôi dạy hai con chăm ngoan, học giỏi |
“Mặc dù ở nông thôn, sinh 2 con gái, gia đình kinh tế khó khăn nhưng vợ chồng tôi không chịu sự áp lực về việc phải có con trai. Vợ chồng tôi thường bảo nhau “con nào cũng là con”, chứ giờ cố sinh thêm đứa con trai mà không có điều kiện nuôi con ăn học thì tội lắm. Vì thế, gia đình tôi dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”, anh Nam chia sẻ.
Hoàn cảnh kinh tế gia đình chị Vũ Thị Lan và anh Nguyễn Bá Hưng tại thôn Quế Sơn, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai gặp phải rất nhiều khó khăn. Anh Hưng bị ảnh hưởng chất độc da cam, cuộc sống gặp rất nhiều hạn chế. Chị Lan làm may gia công, kết hợp sản xuất nông nghiệp thu nhập không đáng là bao thế nhưng vượt qua khó khăn, anh chị vẫn luôn dành tình yêu thương, nuôi dạy các con. 2 con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi, con gái cả là Nguyễn Thị Kim Huệ (2008), 8 năm liền luôn đạt thành tích cao trong học tập.
“Em rất yêu gia đình của mình. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng bố mẹ và đạt ước mơ trở thành cô giáo để truyền đạt kiến thức cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Em tự hứa với bản thân, sau này sẽ trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội và cộng đồng”, học sinh Nguyễn Thị Kim Huệ chia sẻ.
Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nhưng vợ chồng chị Vũ Thị Lan, tại thôn Quế Sơn, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai luôn dành tình yêu, chăm sóc, dạy bảo các con |
Đó chỉ là 3 trong số hàng trăm các gia đình tiêu biểu có 2 con một bề là gái thực hiện tốt chính sách dân số, nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi được khen thưởng tại các huyện Thanh Trì, Sóc Sơn, Thanh Oai.
Từ câu chuyện của những gia đình sinh con một bề như anh Bằng, anh Nam, chị Lan, có thể thấy rằng, điều quan trọng không phải là việc sinh con trai hay con gái, mà đơn giản với họ quan trọng nhất là việc giáo dục con cái trở thành người có ích. Hạnh phúc không phải nhà cao cửa rộng, mâm cao cỗ đầy mà chính là niềm vui và tiếng cười của mỗi thành viên trong gia đình.
Nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái
Theo ông Nguyễn Khánh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai, nếu trẻ em gái được quan tâm toàn diện hơn sẽ nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em, tạo nền tảng tốt cho các thế hệ tương lai. Vì vậy, việc đầu tư chăm sóc, giúp đỡ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn là một việc làm nhân văn cho trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng mà lãnh đạo cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện luôn hướng tới.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của huyện 9 tháng năm 2022 tỉ số là 115 trẻ trai/100 trẻ gái. Mặc dù số sinh trên địa bàn huyện giảm sâu nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ sinh một con.
Tương tự, tại huyện Thanh Trì, 9 tháng đầu năm, huyện tổ chức 8 buổi truyền thông tăng cường tuyên truyền vận động về giảm sinh con thứ ba trở lên, 6 buổi truyền thông tăng cường tuyên truyền vận động về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2022 tại 7 xã: Đông Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc, Thanh Liệt, Ngọc Hồi, Liên Ninh, Hữu Hòa với 1.400 lượt người tham dự; tổ chức 6 buổi truyền thông tăng cường tại các xã có tỉ suất sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao so với năm 2021 với 600 lượt người tham dự…
Trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trên địa bàn huyện Thanh Trì nhận quà biểu dương |
“Các kế hoạch, chương trình được xây dựng theo giai đoạn, hàng năm và triển khai toàn diện, đã góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện. Tỉ số giới tính khi sinh của huyện giảm từ 113 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2016 xuống còn 109 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2021”, ông Khuất Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì chia sẻ.
Bàn về vấn đề này, ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình chuyển hướng sang Dân số và phát triển.
Tỉ số giới tính khi sinh của của thành phố Hà Nội giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019. Chỉ tiêu năm 2020 là 113 trẻ trai/100 trẻ gái, theo số liệu 9 tháng năm 2022, tỉ số giới tính khi sinh của Thành phố là 109,6 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái, hoàn thành chỉ tiêu năm.
“Mặc dù tỉ số giới tính khi sinh của toàn Thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của Thành phố; tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số.
Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ, thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai”, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 và Ngày Quốc tế Người cao tuổi Việt Nam năm 2022, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại một số đơn vị Thanh Xuân, Đan Phượng tổ chức hội nghị gặp mặt biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số, Thanh Oai, Sóc Sơn, Long Biên, Thanh Trì tổ chức Hội nghị biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu; Cầu Giấy, Phúc Thọ, Hoài Đức, Hoàn Kiếm tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10… Ngoài ra, các đơn vị tổ chức truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, nhân bản, cấp phát tờ rơi, sách mỏng tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh… |