Thị trường lao động dần ổn định

Thông thường, sau Tết Nguyên đán hàng năm, tình hình lao động nhảy việc, nghỉ việc luôn là vấn đề thách thức của các doanh nghiệp. Thế nhưng, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, theo ghi nhận, tình hình lao động khá ổn định, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp quan tâm, giữ chân người lao động (NLĐ)…

NLĐ muốn ổn định việc làm

Dù khá bịn rịn sau những ngày nghỉ tết sum vầy cùng gia đình, nhưng chị Nguyễn Thị Lan (quê Hải Dương) – công nhân một doanh nghiệp dệt may đặt tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vẫn thu xếp trở lại Hà Nội từ chiều mùng 5 Tết, để mùng 6 Tết bắt tay vào làm việc luôn. “Tôi được biết, năm qua, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may rất khó khăn, ở nhiều nơi công nhân phải nghỉ việc, giãn việc, thu nhập giảm sút.

Tuy vậy, Công ty tôi vẫn cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho NLĐ. Dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi được thưởng tháng lương thứ 13, được nhận quà Tết, được hỗ trợ tàu xe về quê đón Tết…Những điều này khiến chúng tôi an tâm và tự nhủ phải cố gắng làm việc tốt để giữ được công việc hiện nay ”- chị Lan tâm sự.

Thị trường lao động dần ổn định
Người lao động Công ty Tân Phát (địa bàn huyện Thanh Trì) hăng say làm việc ngay trong những ngày đầu năm mới.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hải, quê Nam Định, nhân viên một công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng đặt tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng cho biết, chị đã đi làm trở lại từ mùng 6 Tết, dù ở quê vẫn còn nhiều việc “níu chân” như đám cưới, lễ hội đầu năm. “Năm qua, Công ty ít việc, thu nhập của tôi không cao, thưởng Tết cũng không nhiều, nhưng nhìn quanh thấy nhiều bạn bè còn vất vả hơn vì không tìm được việc, không có thu nhập nên tôi cũng cố gắng làm việc chăm chỉ, trách nhiệm để giữ được công việc và thu nhập ổn định hiện nay”- chị Hải nói.

Không riêng chị Lan, chị Hải năm nay, ở thời điểm này, mặc dù vẫn đang trong “tháng ăn chơi” nhưng hầu hết NLĐ đều có tâm lý cố gắng giữ việc hoặc sốt sắng tìm việc làm ngay bởi ai cũng biết, trong điều kiện kinh tế khó khăn, có việc làm, thu nhập ổn định là điều không dễ dàng.

Giữ chân NLĐ bằng đãi ngộ

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Thăng Long TALIMEX cho biết, tình hình lao động tại Công ty sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn ổn định. Theo ông Trần Việt Dũng, năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song Công ty vẫn nỗ lực thực hiện các giải pháp vượt khó, đảm bảo đủ việc làm, thu nhập cho NLĐ với bình quân 8,8 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ chính sách đối với NLĐ được thực hiện đầy đủ. Ban lãnh đạo Công ty phối hợp chặt chẽ quan tâm đời sống, thực hiện tốt chế độ đãi ngộ, chăm lo chu đáo Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho mọi NLĐ…

“Được chăm lo chu đáo, đầy đủ, NLĐ trong Công ty rất an tâm, phấn khởi. Sau kỳ nghỉ Tết 100% công nhân đã trở lại làm việc, không có tình trạng biến động lao động tại doanh nghiệp”, ông Trần Việt Dũng phấn khởi cho biết.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Halas Việt Nam, theo lãnh đạo Công ty, năm 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song lãnh đạo doanh nghiệp và Công đoàn cũng luôn phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp đảm bảo việc làm, ổn định thu nhập cho NLĐ; đồng thời quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn…Với đặc thù của ngành dịch vụ chuyên về giặt là, NLĐ trong Công ty phải làm việc xuyên Tết, Ban lãnh đạo và Ban Chấp hành Công đoàn cũng đã phối hợp lập kế hoạch, chia ca kíp, chăm lo, động viên, chi lương, thưởng, bồi dưỡng kịp thời. Sau Tết, trên 90% NLĐ đã có mặt tại vị trí sản xuất đúng ngày, giờ quy định.

Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, năm vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp đã trải qua giai đoạn kinh doanh khó khăn, đơn hàng ít và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, song nhiều doanh nghiệp vẫn cố gồng gánh, đảm bảo thu nhập, việc làm cho NLĐ. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có chính sách khuyến khích người làm việc lâu năm nên công nhân yên tâm gắn bó.

Từ góc độ đơn vị kết nối tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhìn nhận, trước đây, mỗi sau Tết là khoảng thời gian khó khăn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp vì thiếu lao động. Nhiều NLĐ sau khi về quê nghỉ Tết thì ở lại địa phương để tìm kiếm công việc mới, hoặc chuyển sang đơn vị khác. Nhưng năm nay, qua quan sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thì số này đã giảm. Nhìn chung, tâm lý của NLĐ khi đến tham gia các phiên giao dịch việc làm đầu năm là đều rất mong muốn sớm tìm cho mình được những vị trí việc làm phù hợp. Cùng đó, ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp cũng gia tăng tuyển dụng lao động đã cho thấy thị trường lao động có sự khởi sắc.

Còn theo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết Giáp Thìn của các doanh nghiệp cao hơn nhiều so với các năm trước; tình trạng công nhân nhảy việc giảm đáng kể. Đây là tín hiệu tốt, phản ánh chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp đã khuyến khích NLĐ gắn bó lâu dài.

Tú Anh

Thị trường lao động dần ổn định (laodongthudo.vn)