Thị trường nhạc số Việt Nam: Tiềm năng lớn, cơ hội rộng mởXu hướng của thế giới

Doanh thu từ nhạc số đang chiếm một tỷ trọng ngày càng lớn trong doanh thu chung của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu. Số lượng tài khoản đăng ký trả phí cũng có bước tăng trưởng vượt bậc, cho thấy đây là xu hướng tất yếu của ngành âm nhạc.

nhac-so-3.jpg

Báo cáo âm nhạc toàn cầu năm 2023 của IFPI.

Những con số biết nói

Báo cáo từ các tổ chức liên quan tới bản quyền cho thấy, doanh thu từ âm nhạc trên thế giới tăng mạnh trong năm 2022 và năm 2023.

Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) là tiếng nói của ngành công nghiệp thu âm trên toàn thế giới, đại diện cho hơn 8.000 thành viên là các công ty thu âm trên toàn cầu. Báo cáo âm nhạc toàn cầu thường niên của IFPI là bản đánh giá rõ ràng về thị trường âm nhạc ghi âm toàn cầu – cung cấp dữ liệu chính thức về doanh thu âm nhạc được ghi âm trên toàn thế giới cũng như thông tin chi tiết và phân tích về xu hướng và sự phát triển của ngành. Theo báo cáo đầu năm 2023 của IFPI, doanh thu từ âm nhạc trên toàn cầu đã tăng 9% – lên mức 26,2 tỷ USD trong năm 2022 nhờ sự tăng trưởng của dịch vụ phát trực tuyến đăng ký trả phí. Trong đó, tổng lượng phát trực tuyến (bao gồm cả đăng ký trả phí và hỗ trợ quảng cáo) tăng 11,5%, đạt 17,5 tỷ USD. Số tài khoản đăng ký trả phí đã lên tới con số 589 triệu người dùng vào cuối năm 2022. Doanh thu trong lĩnh vực âm nhạc trên thế giới đã tăng trưởng năm thứ tám liên tiếp, trong đó, phát trực tuyến chiếm 67% tổng doanh thu âm nhạc được ghi âm trên toàn cầu.

Mới đây, Hiệp hội Các nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế (CISAC) cũng đưa ra báo cáo cho biết, dịch vụ phát nhạc trực tuyến là công cụ kiếm tiền hàng đầu của các ca sĩ, nhạc sĩ trong năm ngoái. Năm 2022, số tiền bản quyền nhạc kỹ thuật số đã tăng gần 34%, lên mức 4,2 tỷ euro. Trong khi đó, tiền bản quyền từ biểu diễn trực tiếp và công cộng, bao gồm các buổi hòa nhạc, triển lãm và ở nhà hát chỉ đạt 2,68 tỷ euro trong cùng năm.

CISAC cũng dự báo các sự kiện giải trí trực tiếp đang phục hồi trong năm 2023 do nhu cầu bị dồn nén từ đại dịch và có thể phát triển vượt mức trước dịch. Tuy nhiên, triển vọng sau năm 2023 cũng không quá sáng sủa do người dùng thắt chặt chi tiêu và các nghệ sĩ cũng phải siết ngân sách biểu diễn. Đây lại là cơ hội cho dịch vụ phát nhạc trực tuyến. “Gã khổng lồ” phát nhạc trực tuyến Spotify vừa cho biết, số người dùng hằng tháng tăng 26%, lên 574 triệu người trong quý 3 năm nay. Con số này vượt mức dự báo 565 triệu của các nhà phân tích trước đó.

Ông Gadi Oron, Tổng Giám đốc CISAC đánh giá: “Đây là sự tăng trưởng trở lại đáng chú ý khi toàn bộ khu vực đã phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Sự phục hồi chủ yếu được thúc đẩy bởi kỹ thuật số, hiện đã trở thành nguồn thu nhập lớn nhất của người sáng tạo. Truyền phát trực tuyến và đăng ký không chỉ khôi phục lại hiện trạng, mà còn thay đổi thị trường, thay đổi trò chơi dành cho người sáng tạo và mở đường cho sự phát triển trong tương lai”.

Cơ hội ngày càng rộng mở

Điều đặc biệt của thị trường nhạc số là tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người. Theo IFPI, doanh thu âm nhạc ghi âm tăng trưởng ở mọi khu vực trên thế giới vào năm 2022. Trong đó, bên cạnh những khu vực có truyền thống với doanh thu âm nhạc lớn bậc nhất thế giới như Hoa Kỳ hay châu Âu thì các khu vực khác cũng có mức tăng trưởng nhanh đáng ngạc nhiên. Châu Phi cận Sahara trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2022 với mức tăng trưởng 34,7%. Châu Á có mức tăng trưởng nhanh 15,4% với thị trường lớn nhất là Nhật Bản – đạt mức tăng trưởng 5,4%, trong khi thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc tăng hơn 20% (28,4%), lần đầu tiên vào top 5 thị trường toàn cầu.

Bình luận về báo cáo nói trên, Giám đốc điều hành IFPI Frances Moore cho biết: “Sự đầu tư và đổi mới của các công ty thu âm đã giúp âm nhạc được kết nối toàn cầu nhanh chóng hơn bao giờ hết, xây dựng các nhóm địa phương trên khắp thế giới và làm việc với các nghệ sĩ từ nhiều nền âm nhạc. Điều này thúc đẩy sự phát triển âm nhạc, đồng thời cho phép người hâm mộ nắm bắt các cơ hội ngày càng mở rộng để đón nhận và tôn vinh các nghệ sĩ cũng như văn hóa địa phương”.

Tuy nhiên, ông Bjorn Ulvaeus, Chủ tịch CISAC cũng cảnh báo: Bên cạnh mức tăng trưởng tích cực, nhạc số đang phải đối mặt với một thách thức rất nghiêm trọng khác, đó là Trí tuệ nhân tạo.

“AI sẽ thay đổi hoàn toàn thế giới của những người sáng tạo và ngành công nghiệp sáng tạo. Điều này đòi hỏi sự lãnh đạo quốc tế và một mặt trận thống nhất mạnh mẽ từ tất cả các bộ phận của ngành sáng tạo” – ông Bjorn Ulvaeus nhấn mạnh.

 

Nhật Quang

Thị trường nhạc số Việt Nam: Tiềm năng lớn, cơ hội rộng mở Xu hướng của thế giới (hanoimoi.vn)