Thị xã Sơn Tây địa điểm diễn ra “Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo Thành phố quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024” sáng ngày 3/4/2024. Hội nghị do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp Thị ủy Sơn Tây tổ chức. Tại Hội nghị này, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn đã chia sẻ về công tác tuyên giáo địa phương, cùng đó giới thiệu tiềm năng, hướng phát triển du lịch của “xứ Đoài vùng đất đá ong”.
Theo đồng chí Trần Anh Tuấn, trong công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Thị ủy thời gian qua đã thực hiện tốt các nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng như Đảng bộ Thị xã Sơn Tây. Ngành tuyên giáo Thị ủy cũng đặc biệt quan tâm công tác bồi dưỡng, đào tạo, giáo dục chính trị. Năm vừa qua, Ban Tuyên giáo Thị ủy và cá nhân đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy đã được Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy khen thưởng. Ngoài ra, các đồng chí làm việc tại Ban Tuyên giáo Thị ủy luôn được cấp trên đánh giá xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh những thành tựu kể trên của ngành tuyên giáo, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn chia sẻ, Sơn Tây là vùng đất hai vua gồm vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền. Sơn Tây còn được biết đến là “dân kẻ mía” vì gắn liền với truyền thuyết bà chúa Mía. Vì thế, vùng đất xứ Đoài xưa có Chùa Mía, Chợ Mía, gà Mía… Ngoài ra, thị xã Sơn Tây có 244 di tích lịch sử, trong đó có 80 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia và thành phố. Những di tích nổi bật của vùng đất này có thể nhắc đến Đền Và, lăng vua Ngô Quyền – Phùng Hưng, Thành cổ Sơn Tây, chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn…
“Trong đó, Thành cổ Sơn Tây đã, đang được bảo tồn nguyên vẹn và chúng tôi đang trong giai đoạn tu bổ, tôn tạo thành cổ để đưa nơi này thành điểm đến du lịch hấp dẫn của Thủ đô”, đồng chí Trần Anh Tuấn, cho biết.
Đặc biệt, tại vùng đất xứ Đoài xưa có một di tích nổi tiếng nhưng ít người nhắc đến, đó là Văn Miếu Sơn Tây được xây dựng từ thế kỷ XV, nơi đây đang còn lưu giữ 288 văn bia Tiến sĩ và khoa bảng của cả xứ Đoài và các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang. Theo đồng chí Trần Anh Tuấn, Văn Miếu Sơn Tây cũng là một di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc của địa phương nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Bên cạnh đó, Sơn Tây có cảnh quan, sinh thái rất đa dạng, nằm dưới chân núi Ba Vì, hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, sông Hồng, sông Tích, sông Hang…
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, Thị xã sẽ đẩy mạnh trọng tâm phát triển du lịch dịch vụ sinh thái, nghỉ dưỡng theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Chính vì thế, thị xã Sơn Tây đã tập trung cao độ trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa để phát triển du lịch.
Trong hai năm vừa qua, du lịch Sơn Tây đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023 là năm đầu tiên Thị xã đón trên 1 triệu lượt khách du lịch, nhiều nhất từ trước đến nay. Tiếp đến, Diễn đàn Du lịch ASEAN 2024 vừa qua đã trao giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững ASEAN năm 2024 cho ẩm thực truyền thống làng cổ Đường Lâm.
Năm 2024, Sơn Tây tiếp tục trọng tâm khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn hóa lại các lễ hội để gắn với phát triển du lịch. Dẫn một hoạt động để minh chứng cho điều này, đồng chí Trần Anh Tuấn, cho biết từ năm 2022, Thị xã Sơn Tây đã tổ chức Giải vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng. Tháng 4/2024 này, thị xã tiếp tục tổ chức Giải vật dân tộc lần thứ 3 với sự tham gia của các đô vật từ 20 tỉnh, thành trên cả nước.
“Chúng tôi tổ chức Giải vật dân tộc vì sinh thời lúc trai trẻ, Phùng Hưng là một đô vật nổi tiếng của vùng xứ Đoài. Sự tích Phùng Hưng tay không giết hổ cho thấy sức mạnh, trí tuệ của ngài. Khi tuyển quân để khởi nghĩa, Phùng Hưng đi đến các sới vật để tuyển nghĩa sĩ. Vì vậy, Giải vật dân tộc tranh cup Phùng Hưng của Thị xã Sơn Tây nhằm tôn vinh sự nghiệp của vua Phùng Hưng – Bố Cái đại vương, cũng như tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam. Giải vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng qua các năm tổ chức đã nhận được sự quan tâm của người dân, giới chuyên môn đánh giá cao”, đồng chí Trần Anh Tuấn, chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thị xã Sơn Tây khôi phục lễ hội “Trung thu Thành cổ – Sơn Tây xứ Đoài” với nhiều hoạt động đặc sắc như Liên hoan múa lân – rồng, hội thi và diễu hành mô hình đèn Trung thu đẹp; hội thi trang trí, trưng bày mâm cỗ Tết Trung thu truyền thống… Lễ hội đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và khôi phục lại những nét đẹp của Tết Trung thu Hà Nội xưa, tạo không gian văn hóa, điểm đến du lịch cho nhân dân. Lễ hội đã trở thành “thương hiệu” của Sơn Tây, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến với xứ Đoài miền đất đá ong khi Lễ hội được tổ chức./.
2024 là năm đặc biệt đối với Thị xã Sơn Tây với Lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Sơn Tây, 100 năm thành lập Thị xã Sơn Tây và 555 năm danh xưng Sơn Tây. Chúng tôi dự kiến tổ chức 3 Lễ kỷ niệm này vào ngày 3/8/2024.
Thị xã Sơn Tây đang xây dựng đề án, chương trình cho các sự này để trình Thành phố. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị xã rất mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban tuyên giáo quận, huyện của Thủ đô và các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa lịch sử Sơn Tây.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn.
Quỳnh Phạm