Thiết kế sáng tạo để thổi “hồn” văn hóa

Cuộc thi Designed by Vietnam 2021 trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và một số đơn vị tổ chức đã cho thấy tín hiệu đáng mừng về một thế hệ trẻ giàu nội lực. Họ là những nhà thiết kế mang một luồng tư tưởng mới, sáng tạo dựa trên những nét văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Thiết kế sáng tạo để thổi “hồn” văn hóa
Thiết kế của nhóm tác giả trẻ Đỗ Hoàng Long ứng dụng tranh sơn mài trong bộ môn trượt ván.

Điển hình là thiết kế “Bánh trà Khuê Văn Các”, tác giả Phạm Vũ Khánh lựa chọn hình tượng Khuê Văn Các và sử dụng nguyên liệu trà Shan tuyết cổ thụ để sản xuất ra phẩm trà lên men. Trong văn hóa Việt, trà là thức uống từ ngàn đời, tác giả lựa chọn hình tượng Khuê Văn Các mang biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, đề cao học vấn, biểu trưng cho văn hóa – giáo dục Việt Nam.

Tác giả Phạm Vũ Khánh chia sẻ: “Tôi là kỹ sư cơ khí, nghề sản xuất chè là của gia đình với hơn 20 năm kinh nghiệm. Tiếp xúc chè Shan, gắn bó với bà con dân bản giúp tôi học được từ họ nhiều điều về thiên nhiên, văn hóa, đặc biệt là cây chè. Tôi áp dụng mô hình nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ với thiết bị máy móc, khuôn mẫu 100% Việt Nam, do chính tôi sản xuất để tạo nên sản phẩm trà thuần Việt, từ khẩu vị, hương thơm, kỹ thuật hình dáng, xuất xứ…

Mô hình phát triển này đã mang lại những giá trị nhất định cho trà Shan tuyết cổ thụ Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống bà con dân bản. Việc tham gia dự thi thiết kế mẫu sản phẩm Bánh trà Khuê Văn Các là cách tôi cùng những người H’mông bản địa kể về vùng trà Shan cổ thụ bằng hình ảnh, nét văn hóa bản địa, giới thiệu phong vị trà Shan ngày càng lan tỏa hơn với cả Việt Nam và thế giới”.

Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đánh giá, những thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu – Quốc Tử Giám này mang đặc trưng của di tích, có tính thẩm mỹ, sáng tạo, được chế tác bởi những vật liệu thân thiện với môi trường và có tính ứng dụng cao. Kết quả của Cuộc thi sẽ được Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Ban Tổ chức Tuần lễ Thiết kế Việt Nam phối hợp cùng tác giả triển khai sản phẩm để sử dụng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Cuộc thi Designed by Vietnam ở 5 lĩnh vực: Thiết kế truyền thông, Thiết kế đồ nội thất, Thiết kế vật dụng trang trí, Thiết kế trang phục, Thiết kế công cộng. Hiện cuộc thi đã tìm ra TOP25+5 gồm 25 thiết kế ở 5 lĩnh vực chính và 5 thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Các thiết kế này đã trải qua giai đoạn hoàn thiện, bắt đầu bình chọn online để tìm ra giải Nhất của cuộc thi sẽ được trao tại Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 diễn ra từ 27/11 đến 3/12.

Bên cạnh đề bài riêng “Thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu – Quốc Tử Giám”, 25 tác phẩm còn lại cũng được những nhà thiết kế trẻ kể câu chuyện của mình theo những cách khác nhau.

Tại Cuộc thi, vấn đề giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống giữa xã hội hiện đại vừa là niềm trăn trở vừa là sứ mệnh sáng tạo của các nhà thiết kế Việt Nam. Cùng với đó, tinh thần sống xanh cũng được quan tâm hàng đầu để đối phó cũng như giảm thiểu những vấn đề mà con người đã gây ra cho môi trường tự nhiên.

Với niềm trăn trở đó, tác giả trẻ Huỳnh Nam đã phát triển ý tưởng và cho ra đời một chiếc quạt điện hoàn toàn được làm bằng tre. Thiết kế học hỏi những kỹ thuật gia công xử lý của các làng nghề mây tre đan truyền thống tại Việt Nam. Trải qua các bước luộc tre, xử lý mối mọt, hong khô và sấy,… ứng dụng những kỹ thuật tạo hình như cắt khoét, uốn, ghép nối, đan tre, xử lí bề mặt, khắc nhiệt (công nghệ laser) để hoàn thiện sản phẩm.

Hay nhóm của tác giả trẻ Đỗ Hoàng Long đã quảng bá tranh sơn mài thông qua trượt ván, bộ môn thể thao được rất nhiều bạn trẻ trên thế giới, trong đó có Việt Nam yêu thích. Bên cạnh việc mong muốn sử dụng chất liệu hội họa sơn mài truyền thống vào với nghệ thuật văn hóa đường phố của giới trẻ thì thiết kế này còn đánh mạnh vào tính ứng dụng. Khi trượt ván việc va chạm, trầy xước vô tình khiến cho lớp sơn bóc ra nên việc kết hợp tranh sơn mài với trượt ván cũng giống như việc mài tranh. Càng chơi, càng mòn thì lớp sơn được mài ra càng đẹp. Đây là cũng là lí do khiến nhóm của Đỗ Hoàng Long kết hợp hai nghệ thuật này lại với nhau. Từ đó truyền tải thông điệp đến giới trẻ nói riêng và mọi người nói chung, rằng nghệ thuật tranh sơn mài không chỉ giành riêng cho giới thượng lưu, những người lớn tuổi mà giành cho tất cả mọi người có chung niềm đam mê nghệ thuật và yêu cái đẹp./.

Phương Bùi / laodongthudo.vn