Thời của tiêu dùng trực tuyến

Thói quen mua hàng trực tuyến cũng như giá trị đơn hàng online của người Việt ngày càng tăng mạnh. Người tiêu dùng ngày càng thành thạo công nghệ và sử dụng dịch vụ số rất thường xuyên cho nhu cầu hàng ngày.

Tiết kiệm thời gian

Hàng ngày, tại sảnh các tòa chung cư hay những tòa nhà văn phòng, dễ dàng gặp cảnh giao nhận hàng online tấp nập, nhất là mỗi dịp khuyến mãi. Hàng trăm gói hàng lớn, nhỏ được shipper (người giao hàng) của các hãng giao vận phân phát cho người mua đã đặt trước. Sau tác động của dịch Covid-19, cú hích mua sắm online càng trở nên bùng nổ.

Với thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, chị Mai Lan, nhân viên một công ty truyền thông cho biết, mỗi tháng chị dành khoảng 2-3 triệu đồng cho việc mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử từ vật dụng cá nhân đến đồ ăn, thức uống hàng ngày.

Theo chị Lan, thói quen này đã duy trì khoảng bốn năm, giúp tiết kiệm thời gian di chuyển và tiền bạc nhờ các mã khuyến mãi săn được. “Với các ứng dụng mua sắm hiện nay, chỉ cần ngồi ở văn phòng hay ở nhà là lựa chọn được sản phẩm mình muốn, sẽ có người giao hàng đến tận cửa nhà. Rất tiện lợi!”, chị Lan chia sẻ.

Thời của tiêu dùng trực tuyến
Mua sắm online ngày càng được nhiều người lựa chọn. (Ảnh: PV)

Ứng dụng mua sắm hiện nay thì nhiều vô kể. Lazada là một ứng dụng mua sắm trực tuyến trên thiết bị di động gia nhập vào thị trường Việt Nam đầu năm 2012, đã trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng. Shopee là ứng dụng thu hút lượng người dùng lớn nhất trên thị trường hiện nay. Người dùng Việt Nam cũng không xa lạ gì với ứng dụng Amazon, AliExpress để mua sắm các sản phẩm quốc tế. Với Tiki, một ứng dụng Việt Nam có sự khác biệt rõ nhất.

Từ một trang web bán sách đơn thuần, Tiki đang trở thành đối thủ lớn của nhiều ứng dụng mua bán. Còn với Sendo, một ứng dụng cũng của Việt Nam, người tiêu dùng có thể mua được nhiều mặt hàng từ công nghệ, thời trang, mỹ phẩm, đồng thời sàn này còn bán rất nhiều hàng nông sản.

Nổi lên gần đây là Chợ Tốt – một ứng dụng kết nối giữa người bán và người mua khá hiệu quả. “Ở Chợ Tốt, tôi có có thể mua xe, đồ điện tử… thậm chí tìm mua nhà cũng có, thông tin không kém sàn giao dịch địa ốc là mấy”, anh Ngọc Huy, nhân viên một công ty kinh doanh máy tính cho hay.

Theo dữ liệu nghiên cứu mới đây của Metric.vn, Shopee, Lazada, Tiki và Sendo là những sàn thương mại điện tử nổi bật nhất tại Việt Nam và thống kê từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022, Shopee chiếm thị phần lớn nhất thị trường Việt Nam với doanh số lên tới 43.118 tỷ đồng (72% thị phần). Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á với dân số trẻ và lượng người dùng internet đông đảo.

Theo ước tính, lượng người dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên chạm mốc 60 triệu người, chiếm tới gần 74,8% số người sử dụng internet. Cuối năm 2021, Việt Nam có 91,3 triệu thuê bao smartphone nhưng đến tháng 3/2022, đã có thêm hơn 2 triệu thuê bao sử dụng smartphone, nâng tổng số lên 93,5 triệu thuê bao và ước tính tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone đạt khoảng 73,5%… Những con số này đã góp phần tạo nên lực lượng tiêu dùng số không hề nhỏ.

Thúc đẩy nhiều ngành nghề phát triển

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là thị trường có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ hai trong khu vực. Dự báo, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ cán mốc 39 tỷ USD trong 3 năm tới với mức tăng trưởng 2 con số. Như vậy, Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia và là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ… nên tiêu dùng số là xu hướng và là “mảnh đất” đầy hứa hẹn, thúc đẩy nhiều ngành nghề khác phát triển.

Thời của tiêu dùng trực tuyến
Thị trường đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của các siêu ứng dụng, trong đó nổi bật nhất là các ứng dụng thương mại điện tử. (Ảnh: VT)

Ngày 14/2 vừa qua, nền tảng thương mại điện tử Shopee công bố báo cáo dự đoán nền kinh tế số Việt Nam năm 2023 với 3 xu hướng tiêu dùng chính của người dùng Việt. Theo đó, người dùng số tiếp tục tăng và ngày càng thành thạo các dịch vụ số; người ở các vùng nông thôn và ngoại thành Việt Nam chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến ngày một tăng; người dùng trẻ tuổi (từ 18 đến 34 tuổi) trở thành nhóm người dùng số chủ lực của tiêu dùng số.

Tiêu dùng số được khẳng định vì theo báo cáo xu hướng số của người dùng trên không gian mạng của công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc, mua sắm trực tuyến, thanh toán không tiền mặt là xu hướng nổi bật nhất. Thị trường đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của các siêu ứng dụng, trong đó nổi bật nhất là các ứng dụng thương mại điện tử.

Thống kê cho thấy, có đến 55% người dùng trả lời họ đang mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử phổ biến, số còn lại cho biết họ mua sắm trực tuyến thông qua mạng xã hội (24%) hoặc cả hai (21%). Còn về thanh toán, có tới 47% người dùng Cốc Cốc chọn sử dụng phương thức thanh toán hiện đại, như chuyển khoản, ví điện tử, thẻ ngân hàng nội địa, thẻ tín dụng.

Thị trường tiêu dùng Việt Nam đang trải qua bước chuyển dịch quan trọng do sự bứt phá của công nghệ, góp phần thúc đẩy tiêu dùng số lớn mạnh theo. Nhiều chuyên gia khẳng định Việt Nam còn nhiều cơ hội đem lợi ích từ thương mại điện tử đến với nhiều người hơn. Điều này cũng đòi hỏi sự thích ứng kịp thời và là cơ hội để các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường.

Hà Phong
https://laodongthudo.vn/thoi-cua-tieu-dung-truc-tuyen-152750.html