Nhanh nhạy ứng dụng công nghệ trong đời sống
Thôn Phù Đổng 2 có gần 2.000 dân với khoảng 600 hộ. Thôn có Di tích lịch sử đền Phù Đổng đã được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và Lễ hội Gióng – Đền Phù Đổng được Tổ chức Giáo dục Văn hóa Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Người dân trong thôn chủ yếu làm nghề trồng hoa – cây cảnh, nuôi bò sữa và kinh doanh dịch vụ nên đời sống kinh tế khá hơn so với các xã trong khu vực.
Cũng với lợi thế ven đô và nhu cầu trong đời sống, người dân Phù Đổng rất nhanh nhạy trong tiếp cận các ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông minh. Ông Nguyễn Bá Ngơi, Chủ tịch Hội làng nghề hoa – cây cảnh xã Phù Đổng cho biết, hiện cả xã có khoảng 400 hộ chuyên trồng hoa – cây cảnh, trong đó khoảng 50% số hộ làm hoa giấy. Nghề trồng hoa – cây cảnh đang mang lại cho người dân cuộc sống ngày càng sung túc. Nếu trung bình mỗi nhà có 1-2 sào trồng hoa giấy là có thể thu lợi nhuận từ 100-200 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Để thuận lợi trong giao dịch sản phẩm, rất nhiều hộ dân ở Phù Đổng đã ứng dụng công nghệ thông tin như bán hàng trực tuyến, viết hóa đơn điện tử và giao dịch với khách hàng bằng hình thức chuyển khoản rất thuận lợi.
Ông Đỗ Văn Báu – người dân thôn Phù Đổng 2 cho biết: “Gia đình tôi đang nuôi 7 bò sữa, mỗi ngày vắt được 60kg sữa tươi. Toàn bộ số sữa bán cho Công ty Vinamilk, nhà máy chuyển tiền vào tài khoản cho gia đình tôi nhiều năm nay thay vì nhận tiền mặt nên rất thuận lợi cho gia đình…”.
Không chỉ trong sản xuất, công nghệ số cũng được người dân Phù Đổng ứng dụng vào các hoạt động xã hội. Ông Bùi Đắc Ngôn – Phó Giám đốc Hợp tác xã Du lịch hội Gióng Phù Đổng, cho biết: “Hợp tác xã mới được thành lập đầu năm 2022. Chúng tôi đã tập hợp được 100 xã viên tham gia khôi phục các điệu hát, múa truyền thống trong Lễ hội Phù Đổng. Các tiết mục diễn xướng đặc sắc, độc nhất vô nhị ở Phù Đổng được chúng tôi ghi hình, đưa lên mạng vừa để cho các thế hệ trong làng lưu giữ, học tập vừa để quảng bá cho du khách trên địa bàn Thủ đô, sau đó toàn quốc và toàn thế giới biết đến”.
Theo Trưởng thôn Phù Đổng 2 Trịnh Xuân Luyến, kết quả điều tra, rà soát, thôn có 604 hộ gia đình, trong đó có 1.006 điện thoại thông minh đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Như vậy, ít nhất mỗi gia đình có từ 1-2 điện thoại thông minh trở lên. Toàn thôn cũng đã có 117 hộ lắp đặt camera giám sát; 320 hộ sử dụng ứng dụng điện tử trên điện thoại thông minh, 134 hộ lắp đặt mạng internet tốc độ cao…
Ngoài ra, thôn Phù Đổng 2 còn lắp 20 camera an ninh giám sát tại các vị trí quan trọng từng xóm và các điểm trung tâm trong thôn. Hệ thống này còn liên kết với hệ thống camera giám sát của các hộ dân và camera an ninh của thôn vào trung tâm điều hành đặt tại Nhà văn hóa thôn nên rất thuận tiện trong giám sát an ninh trật tự…
Xây dựng mô hình “thôn thông minh”
Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Tài cho biết, xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với mục tiêu xây dựng xã thành phường và phát triển du lịch Phù Đổng. Việc xây dựng mô hình “thôn thông minh” chính là một trong những tiêu chí để đạt mục tiêu đề ra.
Theo đó, xã Phù Đổng đã chọn thôn Phù Đổng 2 để phát động xây dựng mô hình “thôn thông minh”. Mục tiêu xã đặt ra là xây dựng thôn Phù Đổng 2 thành nơi tập trung nhiều sáng kiến liên quan đến công nghệ trong nông nghiệp, việc làm, giúp nâng cao năng suất lao động; giúp người dân sử dụng thành thạo các tiến bộ thông minh như thanh toán không dùng tiền mặt, quảng bá, bán sản phẩm trên nền tảng số, giám sát xã hội bằng camera an ninh…
Theo Trưởng thôn Phù Đổng 2 Trịnh Xuân Luyến, thực hiện kế hoạch của xã, thôn đã tổ chức hội nghị quân – dân – chính và khảo sát ý kiến người dân. Kết quả, mô hình nhận được sự đồng thuận rất cao của toàn dân. Để chỉ đạo điều hành công việc, thôn cũng đã thành lập trang, nhóm thông tin của thôn, nhóm thông tin của các tổ liên gia và các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội Zalo. Vì thế, tất cả hộ dân đều được tiếp cận với thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện…
Để giúp công nghệ số đến gần hơn với người dân, thôn Phù Đổng 2 cũng có sáng kiến thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng” với 10 người tham gia (đã được UBND xã Phù Đổng ra quyết định thành lập) do Trưởng thôn làm Tổ trưởng, Bí thư Chi đoàn thanh niên làm Tổ phó, thành viên là các đồng chí trong các ngành, đoàn thể của thôn, trong đó chủ đạo là đoàn viên, thanh niên. Tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số áp dụng vào cuộc sống… Từ đây, người dân được tiếp cận với công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Thời gian tới, thôn Phù Đổng 2 sẽ chủ động rà soát, huy động nguồn vốn xã hội hóa lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí; lắp thêm camera an ninh tại các điểm dân cư tập trung, khu vực công cộng như nhà văn hóa, các tuyến đường trục chính của thôn…
Tại hội nghị phát động xây dựng mô hình “thôn thông minh” và ra mắt Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Phù Đổng 2 diễn ra ngày 31-8, đông đảo nhân dân trong thôn được chính quyền địa phương kết nối để tiếp cận với các nhà cung cấp dịch vụ thông minh.
Chị Bùi Thị Trúc, Phó Trưởng phòng Bán lẻ, Chi nhánh Đông Hà Nội – Ngân hàng Vietinbank cho biết: “Việc thanh toán không dùng tiền mặt với người dân thành phố đã rất quen, nhưng với người dân nông thôn, mật độ “phủ sóng” chưa nhiều. Chính vì vậy, với mô hình xây dựng “thôn thông minh”, đơn vị giúp người dân xã Phù Đổng mở tài khoản ngân hàng. Với những hộ chăn nuôi bò sữa, trồng, bán hoa giấy ra thị trường, chúng tôi tư vấn cho bà con lập mã QR để khi thanh toán chỉ việc quét mã, tránh chuyển nhầm, chuyển sai số tài khoản do chưa thành thạo với công nghệ”.
Còn với anh Đào Văn Khoa, nhân viên kinh doanh của VNPT Hà Nội đã giới thiệu cho người dân các gói internet tốc độ cao, sim thẻ điện thoại…
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, được triển khai từ năm 2009, đến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bước sang giai đoạn 3, tập trung vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Riêng với huyện Gia Lâm, đến nay đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, cấp huyện; địa phương cũng đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, một trong những chỉ tiêu địa phương đó cần đạt được chính là xây dựng được mô hình “thôn thông minh”. Trong đó, Phù Đổng là một trong những xã điển hình của huyện Gia Lâm tập trung làm điểm.
Với đà phát triển như trên, chắc chắn đến cuối năm 2022, Phù Đổng 2 sẽ trở thành “thôn thông minh”, người dân được tiếp cận với công nghệ số và được hưởng lợi ích từ “thôn thông minh” mang lại.
Nguyễn Mai
https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/ngoai-thanh/827380/thon-thong-minh-phu-dong