Thú chơi hoa mang vẻ đẹp “ngũ tuyệt”

Người Hà Nội nổi tiếng cầu kỳ từ lời ăn tiếng nói đến những thú chơi. Thú chơi hoa thủy tiên ngày xuân của người Hà thành là điển hình như vậy. Giữa hàng trăm loại hoa cảnh Tết được trồng, chăm bẵm sẵn chỉ việc đem về nhà ngắm, thì vẫn có những người cố công tìm mua bằng được những củ thủy tiên xù xì, cục mịch mới chỉ nhú một xíu mầm, để về gọt tỉa, tưới bón chờ ngày hoa nở.

Tôi biết đến thú chơi hoa thủy tiên tao nhã của người Hà Nội trong dịp rất tình cờ khi một người bạn đưa đến gặp ông Nguyễn Phú Cường trên con phố nhỏ thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Tại chốn Hà thành phồn hoa, dù không thiếu những bậc kỳ tài nhưng nhắc đến người am hiểu về cách gọt thủy tiên thì ông Cường là một điển hình.
Thú chơi hoa mang vẻ đẹp “ngũ tuyệt
Tạo hình thủy tiên sao cho đẹp và độc đáo tưởng chừng đơn giản nhưng lại không dễ.

Đến gặp ông Cường, dù đã ở tuổi bát tuần, nếm đủ các cung bậc nhân sinh nhưng hễ nhắc đến thủy tiên là ông như được “chạm” đúng niềm ham thích. Với ông Cường, hễ nhắc đến thủy tiên là ông có thể trò chuyện cả tiếng đồng hồ về thú chơi này.

Có tìm hiểu mới biết, thủy tiên là loài hoa đặc biệt. Thủy tiên mỗi năm chỉ cho hoa một lần vào dịp tháng Chạp Âm lịch và kéo dài đến khoảng rằm tháng Giêng. Cánh hoa trắng muốt, nhụy hoa vàng, hương thơm nhè nhẹ. Như sự đại diện cho vẻ đẹp thanh cao, thủy tiên cũng chỉ cần nước sạch để sống.

Có lẽ chính vì những đặc trưng riêng có ấy mà hoa thủy tiên đã được những bậc văn tài của Thăng Long như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… dành những trang viết, những ngôn từ trang trọng, hoa mỹ của mình để lột tả nét đẹp. Chẳng hạn, trong tác phẩm “Ăn Tết thủy tiên”, nhà văn Vũ Bằng đã dựng lên hình ảnh thú chơi hoa thủy tiên như một phần tất yếu của Tết: “Tôi vẫn không thể quên được những ngày gần Tết, hồi tôi còn nhỏ, không năm nào mẹ tôi không mua ở Hàng Buồm về mấy sọt thủy tiên. Thày tôi mê gọt lắm, mất cả ăn cả ngủ vì thủy tiên, sinh ra ốm ra đau vì thủy tiên. Ðã bao nhiêu lần, mẹ tôi dọa sang năm không mua thủy tiên nữa để cho thày tôi mất gọt…”.

Lại nữa, ở trong bút ký “Tờ Hoa”, nhà văn Nguyễn Tuân cũng có đoạn tả về cách người xưa tính thời gian bằng hoa thủy tiên. Đại khái, theo cách lột tả của bậc văn sĩ thì mỗi năm, vào đêm Giao thừa người ta lại tổ chức cuộc thi hoa thủy tiên ở Văn Miếu, giò hoa nào nở đúng giờ, đúng phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ được trao giải. Thế mới biết, chỉ đôi lời phác họa cũng đủ để lớp hậu thế như tôi biết thú chơi hoa thủy tiên của người xưa cầu kỳ và tao nhã đến mực nào.

Để đánh giá một người sành chơi thủy tiên hay chỉ chơi nghiệp dư, người ta vẫn bảo “bí quyết” nằm ở cách gọt và sự phát triển của hoa. Theo cảm quan, một bát thủy tiên đẹp thì rễ phải trắng, dài; Lá có đường cong, nét uốn; Hoa phải giống như “đĩa bạc, chén vàng”. Nghĩa là phần bao bên ngoài bát hoa là 6 cánh hoa, trong là 1 cánh tròn như cái chén, trong cùng mới là nhụy. Thứ nữa, một bát hoa thủy tiên chất lượng thì phải có mùi hương ngan ngát. Hương hoa thì có thể thơm ngọt, thơm dịu tùy loại giống nhưng “chất” của nó phải đượm và vương lâu.

Tạo hình thủy tiên sao cho đẹp và độc đáo tưởng chừng đơn giản nhưng lại không dễ. Anh Kiều Đức Lộc, hơn 40 tuổi, quê ở Sơn Tây cho biết, để hoàn thiện kỹ năng gọt thủy tiên, bản thân anh phải mất tới gần 3 năm tìm tòi, học hỏi mới tìm ra bí quyết.

Anh Lộc quả quyết, gọt thủy tiên đòi hỏi phải có con mắt nghệ thuật. Bởi lẽ, từ một củ hoa trông xù xì như củ hành sẽ phải làm sao khắc họa thành những hình dáng khác nhau theo ý muốn của người chơi. Để gọt được củ thủy tiên thì cần dụng cụ gọt. Đó là một con dao nhỏ, sắc và có hai đầu, một đầu giống dao trổ để “phá củ”, đầu còn lại có hình tựa như chiếc lòng máng để tinh chỉnh, xén lá và cạo cuống nhằm tạo dáng, tạo hình. Ngoài ra, quá trình chăm sóc hoa, anh Kiều Đức Lộc bảo, người ta còn chế ra dụng cụ hình que để cài chỉnh hướng hoa, dáng lá và chải bộ rễ thủy tiên sao cho mượt mà.

Theo bật mí của những người nghiên cứu về thủy tiên như ông Nguyễn Phú Cường hay anh Kiều Đức Lộc, quan niệm xưa, hoa thủy tiên nở đúng giao thừa mang lại may mắn, thịnh vượng cả năm. Do đó, người gọt hoa thủy tiên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Trời nóng ẩm thì nhanh nở hoa, trời lạnh thì chậm nhưng hoa cũng thơm lâu hơn. Thông thường, người chơi bắt đầu gọt tỉa thủy tiên cách quãng hai mươi ngày trước Tết, năm nào ấm thì gọt trước vài ngày, lạnh thì gọt sau mốc ước định năm ngày. Để chắc chắn, nhiều người chơi thủy tiên sẽ tiến hành gọt mỗi ngày một củ, làm như vậy thì thế nào cũng củ nở trúng Giao thừa.

Nói về giống hoa thủy tiên, anh Kiều Đức Lộc chia sẻ, củ hoa thủy tiên bây giờ 100% là nhập khẩu dù nhiều tài liệu cũ ghi lại có nói đến các bậc tiền nhân đã từng “thuần” hoa thủy tiên. Giống hoa này đã từng được trồng ở làng hoa Ngọc Hà, đưa vào Đà Lạt nhưng thành công nhất là đem lên Sapa. Trồng được củ hoa, ra hoa hẳn hoi. Nhưng tiếc là không thể phát triển, củ hoa ngày càng nhỏ đi và dần không tồn tại được.

Dĩ nhiên, để lý giải cho việc thuần dưỡng khó khăn, mọi người đều nhất quán quan điểm là thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam không được như vùng phương Nam của Trung Quốc (vùng Chương Châu – Phúc Kiến). Sapa có khí hậu gần với vùng phía Nam Trung Quốc nên thủy tiên sống được nhưng ở dưới xuôi thì mùa hè nóng quá nên không phù hợp, sẽ ngày càng thoái hóa.

Cầu kỳ, tinh tế, thanh tao, cũng bởi thế nên một bộ thành phẩm hoa thủy tiên nghệ thuật có thể được bán với giá vài triệu đồng. Thế nhưng, những người chơi thủy tiên lại ít khi bán, phần vì không ai làm được nhiều, phần vì nếu hoa vào tay người không biết chăm sẽ rất dễ hỏng, uổng phí công sức bao nhiêu ngày tháng chăm sóc.

Đinh Luyện

Thú chơi hoa mang vẻ đẹp “ngũ tuyệt” (laodongthudo.vn)