Sở Du lịch Hà Nội thông tin, trong tháng 8, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 382.900 lượt khách, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 8,7% so với tháng 7; khách du lịch nội địa ước đạt 1,8 triệu lượt khách, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 10% so với tháng 7. Cũng theo Sở Du lịch Hà Nội, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng hơn 8.070 tỷ đồng, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 3,8% so với tháng 7.
Festival Thu Hà Nội với chủ đề “Thu Hà Nội – Đến để yêu” diễn ra từ ngày 29/9 đến 1/10 tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: H.Phong) |
Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 16,9 triệu lượt khách, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 61.600 tỷ đồng, tăng 63,1% với cùng kỳ năm trước. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 61,4%, tăng 28,5% so với cùng kỳ.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, Sở và các đơn vị liên quan hiện đang xúc tiến chuẩn bị Festival Thu Hà Nội với chủ đề “Thu Hà Nội – Đến để yêu” diễn ra từ ngày 29/9 đến 1/10 tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận cùng một số quận, huyện trên địa bàn Thủ đô nhằm quảng bá vẻ đẹp văn hóa, du lịch đến với du khách. Sự kiện này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần tạo thêm thương hiệu cho du lịch Hà Nội vào mùa cao điểm đón khách quốc tế.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội – đơn vị được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao chủ trì thực hiện lễ hội cho biết, Festival Thu Hà Nội sẽ giới thiệu 150 gian hàng, chia thành các khu vực bố trí dọc phố Đinh Tiên Hoàng, phố Lê Thạch và khu vực nhà Bát Giác. Trong đó, sẽ có khu vực giới thiệu các sản phẩm du lịch, điểm đến; không gian “Sắc hoa mùa thu”, “Vườn ánh sáng” bằng sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, “Quà tặng mùa thu”,… Điểm nhấn của lễ hội lần này là các sản phẩm làng nghề truyền thống, trong đó, các sản phẩm làng nghề của Hà Nội sẽ được nhận diện thương hiệu rõ hơn để du khách làm quà tặng.
Bên cạnh các gian hàng, Festival Thu Hà Nội còn có chuỗi hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch hấp dẫn như: Tổ chức đám cưới xưa và nay tại sân khấu và phố Đinh Tiên Hoàng; hoạt động dân vũ, khiêu vũ thể thao; trình diễn thời trang áo dài; hoạt động diễu hành của thiếu nhi, triển lãm tranh thiếu nhi; diễu hành xích lô du lịch, xe đạp, xe buýt 2 tầng trên các con phố Hà Nội. Ngoài ra, tại Festival còn có triển lãm ảnh “Sắc thu Hà Nội”,…
Xây dựng các loại hình du lịch độc đáo để hút khách
Từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch Hà Nội chỉ đạo và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến, các cơ sở dịch vụ du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo tập trung vào thế mạnh của Thành phố như: Du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch nông nghiệp, nông thôn,…
Những xe hoa xuống phố càng làm cho Thu Hà Nội trở nên quyến rũ hơn (Ảnh: H.Đạt/Laodong) |
Tổ chức các chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội và các địa phương như các tỉnh Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng…; tổ chức Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023 (tháng 9/2023), Festival Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 (tháng 10/2023) và chuỗi các hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch thế thao, vui chơi giải trí Hà Nội và du lịch sinh thái Hà Nội.
Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ phối hợp Cục Du lịch quốc gia, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quảng bá sản phẩm du lịch Hà Nội tại Hội chợ du lịch TOPRESA tại Paris, Pháp; Hội chợ du lịch Thế giới (WTM) tại London, Anh,…
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 6 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính đến tháng 6/2023, Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án cơ sở lưu trú, khách sạn cao cấp (từ 3-5 sao) với 15.510 phòng.
Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành đưa vào hoạt động 15 khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp với 3.737 phòng; đẩy nhanh tiến độ một số dự án đầu tư xây dựng khu công viên, vui chơi giải trí quy mô lớn, hiện đại như: Đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch Khu công viên thể thao giải trí thuộc dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu – Hà Nội; đôn đốc tiến độ dự án Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy; trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia; tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa; các dự án quy hoạch, đầu tư bảo tồn, tôn tạo công trình di tích lịch sử, văn hóa gắn với khai thác phát triển du lịch (khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ ở Đường Lâm…).
Việc triển khai các tuyến giao thông kết nối từ trung tâm thành phố đến các khu du lịch trọng điểm được quan tâm phát triển. Đến nay trên địa bàn thành phố có 13 tuyến xe buýt tiếp cận với các khu, điểm du lịch trọng điểm và 2 tuyến xe buýt du lịch 2 tầng phục vụ khách du lịch đến Hà Nội tham quan, trải nghiệm.
Đáng chú ý, ngành Du lịch Thủ đô đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Phát triển các điểm đến; xây dựng các tour, nhóm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn; tổ chức đa dạng các hoạt động du lịch sôi nổi, hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Một góc hồ Gươm đêm mùa Thu (Ảnh: H.Phong) |
Các hoạt động tuyên truyền quảng bá đã giới thiệu được nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách. Năm 2022, Hà Nội nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022” vào tháng 9/2022 và giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022” vào tháng 11/2022 do tổ chức Du lịch thế giới World Travel Awards 2022 đề cử và bình chọn.
Năm 2023, Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch như: Giải thưởng Travel + Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023, hạng mục “Thành phố” đã vinh danh thành phố Hà Nội thuộc top 10 thành phố hàng đầu châu Á. Đồng thời, Hà Nội có 48/103 nhà hàng đạt chuẩn Michelin Guide, trong đó có 3 nhà hàng được gắn 1 sao Michelin – giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 8, Thủ đô Hà Nội đón khoảng 2,18 triệu lượt khách, tăng 23,1% so với cùng kỳ 2022. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt du khách (trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế); tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng; đưa Du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố. |
H.Phong
https://laodongthudo.vn/thu-ha-noi-den-de-yeu-159789.html