Mở rộng đối tượng được thu hút
Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo khoa học “Thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” được tổ chức mới đây, TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, thu hút, trọng dụng nhân tài, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao là chính sách rất quan trọng trong 9 nhóm chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo khoản 1 Điều 16 dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, việc thu hút, trọng dụng người có tài năng được thực hiện như sau:
a) Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và được hưởng các chế độ, chính sách do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định.
Ảnh minh họa: Cán bộ Bộ phận một cửa quận Hai Bà Trưng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. |
b) Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm a khoản này được ký hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội.
c) Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô với chế độ đãi ngộ phù hợp do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định.
Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dự thảo Luật quy định: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn; hỗ trợ từ ngân sách của thành phố Hà Nội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thủ đô; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô học tập tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài; hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của thành phố Hà Nội.
TS Đoàn Thị Tố Uyên cho biết, bà đồng tình với nội dung Điều 16 Dự thảo Luật về các đối tượng được đề cập đến. “So với quy định Điều 13 trong Luật Thủ đô năm 2012 thì có mở rộng hơn. Trước đây chúng ta thu hút chủ yếu với công dân Việt Nam là người có tài năng vượt trội, nhưng theo khoản 1 Điều 16 Dự thảo Luật có đề cập đến người nước ngoài có tài năng vượt trội nữa.Tôi đánh giá đây là sự thay đổi rất lớn về nhận thức, liên quan đến đối tượng được thu hút”, bà Uyên nói.
Ngoài ra, trong Điều 16 Dự thảo Luật cũng có đề cập đến chính sách về ưu tiên và làm sao để trọng dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó có điểm rất quan trọng về thể chế là phân quyền cho Hội đồng nhân dân Thành phố quy định chi tiết nội dung Điều 16.
Như vậy, bà Uyên nhìn nhận, chúng ta có chính sách chung của cả nước, nhưng riêng với Thủ đô, với vị thế đặc biệt, trái tim của cả nước, Thủ đô phát triển thì cả nước cũng sẽ đồng hành phát triển. Việc phân quyền cho Hà Nội có những chính sách vượt trội, đặc thù để làm sao thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng trọng dụng được họ, giữ chân được họ lâu dài với sự phát triển của Thủ đô là điểm được bà đánh giá rất cao của nội dung chính sách trong dự thảo Luật lần này.
Sát hạch, đánh giá hiệu quả của nguồn nhân lực
Để các chính sách thật sự hoàn thiện, đầy đủ, và được thực thi hiệu quả, TS Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, đầu tiên phải quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện của nhân lực chất lượng cao là như thế nào, Hà Nội có thể đặt ra tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn so với các tỉnh, thành phố khác là bình thường bởi vị thế của Hà Nội, yêu cầu, nhiệm vụ của sự phát triển của đội ngũ nhân lực của Hà Nội cũng đòi hỏi cao hơn.
TS Đoàn Thị Tố Uyên trao đổi với báo chí về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). |
Nội dung thứ hai cần quy định rõ là vị trí tuyển dụng hay thu hút và làm việc, thậm chí là bổ nhiệm, không chỉ trong khu vực công, mà cả người có tài năng vượt trội của khu vực tư cũng có thể được tuyển dụng, thu hút vào khu vực công. Nhưng cần có vị trí việc làm xác định rõ ràng để không lãng phí nguồn nhân lực, vì nhiều khi có thể một người có tài năng ở lĩnh vực này, nhưng vị trí việc làm không tương xứng thì cũng rất lãng phí.
Nội dung thứ ba cũng cần quy định rõ là thủ tục, trình tự, làm thế nào từ việc thu hút, tuyển dụng tới việc sử dụng, quản lý họ và giữ chân được họ.
Nội dung thứ tư trong chính sách này là đặt ra những quy định về môi trường làm việc phù hợp để họ hát huy được năng lực của mình.
Đồng thời, TS Đoàn Thị Tố Uyên nhìn nhận, Hà Nội thu hút người có tài năng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng không có nghĩa họ vào là luôn luôn ở vị trí đó cả đời, cho rằng mình là người được ưu ái hơn nên có những cống hiến không thể vượt sức. Vì vậy, chính nguồn nhân lực chất lượng cao này cũng phải có quyền, nghĩa vụ đặc biệt là phải phát huy vai trò, trách nhiệm, đạo đức công vụ để làm sao họ tâm huyết với công việc được thu hút.
“Dự thảo Luật Thủ đô mới chỉ dừng lại là sự phân quyền cho Hà Nội, nên Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thời gian tới phải tính tiếp câu chuyện làm thể nào cụ thể hơn nữa để chính sách đó thật sự đi vào cuộc sống.
Khi đã có quy định rồi, triển khai thực hiện cần có giải pháp là các cơ quan sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phải có sát hạch, đánh giá hiệu quả của nguồn nhân lực này sau một thời gian được thu hút. Ví dụ được bổ nhiệm thì sau 1 nhiệm kỳ đã cống hiến được gì, hiệu quả hay không; hay với 1 công chức được thu hút vào làm việc thì sau 3 năm, 5 năm, hoặc hoàn thành một nhiệm vụ được giao cũng cần đánh giá kết quả. Phải như vậy thì chính sách này mới thật sự đi vào hiệu quả”, TS Đoàn Thị Tố Uyên đánh giá.