Ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng nhóm 2 phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: B.D. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết: Luật TĐKT năm 2003 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và 2013, là văn bản pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác TĐKT. Luật đã được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội.
Các phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến được quan tâm và có chuyển biến rõ nét; công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên tích cực, cổ vũ các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua; công tác phát hiện và đề nghị khen thưởng thành tích đột xuất, khen thưởng cho người lao động, các tập thể ở vùng sâu, vùng xa được quan tâm. Tuy nhiên, sau 20 năm thực hiện Luật TĐKT năm 2003 đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành.
Do vậy, Luật TĐKT năm 2022 được Quốc hội khóa 15 thông qua ngày 16/5/2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Luật TĐKT 2022 đã có nhiều thay đổi, bổ sung mới có tính căn bản, quan trọng, đã kế thừa được những ưu điểm của Luật TĐKT năm 2003; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản; bao quát các lĩnh vực, nhiều nội dung có tính mới, đột phá, thể chế hóa đúng chỉ đạo của Đảng về đổi mới công tác TĐKT, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thích ứng với sự phát triển trong thời đại công nghệ số.
Theo ông Trần Thanh Hải, Luật lần này giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc về thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục khen thưởng, tăng cường phân cấp cho các Bộ, ngành, tỉnh để quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, có nhiều thay đổi về điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, bổ sung tiêu chuẩn, hình thức khen thưởng đảm bảo chính xác, không trùng lặp…
Để Luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân cùng thi đua xây dựng đất nước hùng cường thì có nhiều nội dung trong Luật cần được cụ thể hóa để triển khai có hiệu quả, khả thi và thuận lợi trong thực tiễn.
Căn cứ nội dung phân công tại Quyết định số 1244/QĐ-BNV ngày 26/12/2022 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Kế hoạch xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT, Tổ biên tập (nhóm 2) đã nghiên cứu, xây dựng nội dung về: Đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng và dự thảo chi tiết quy định hướng dẫn các khoản, điều sau của Luật: Khoản 7 Điều 34; Khoản 6 Điều 35; Khoản 5 Điều 36; Khoản 5 Điều 37; Khoản 5 Điều 38; Khoản 7 Điều 42; Khoản 7 Điều 43; Khoản 7 Điều 44; Khoản 2 Điều 51; Khoản 2 Điều 53.
Nội dung chính của các điều trên liên quan đến việc cụ thể hóa đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng đối với cá nhân: Có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ông Lê Đình Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội góp ý vào Dự thảo. Ảnh: B.D. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến góp ý vào các điều: 6, 7, 8, 9, 10, 14, 15, 16, 20, 21 trong Dự thảo Nghị định.
Góp ý tại Hội thảo, ông Lê Đình Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đề nghị: Thủ tục, hồ sơ của công tác TĐKT cần gọn nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tập thể, cá nhân được khen thưởng, đảm bảo đánh giá đúng, rõ nét các thành tích đạt được. Nên thiết kế hồ sơ thi đua theo mẫu chung để tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân trong quá trình báo cáo thành tích, nhất là đối với công nhân lao động trực tiếp, khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước, những đơn vị không có cá nhân chuyên trách về công tác TĐKT.
“Chúng ta nên xây dựng bộ hồ sơ TĐKT theo mẫu chung, tạo thuận lợi nhất cho các tập thể, cá nhân được vinh danh, bởi nếu không có mẫu chung, mỗi bộ, ngành hướng dẫn, quy định khác nhau, sẽ khó cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện, có thể dẫn đến việc ngại làm hồ sơ, bỏ sót, lọt tập thể, cá nhân được khen thưởng”, ông Lê Đình Hùng kiến nghị.
Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: B.D. |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương Phan Văn Hùng ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp vào từng điều khoản cụ thể của Luật TĐKT; đồng thời nhấn mạnh: Trên cơ sở nắm chắc, bám sát quan điểm của Đảng chỉ đạo về công tác TĐKT, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh sửa, đồng thời xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền về những nội dung cụ thể.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT năm 2022 cần đảm bảo hướng tới ghi nhận, khích lệ tất cả các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế; tạo sự đồng bộ trong chỉ đạo của Đảng, đáp ứng được thực tiễn của các cấp, các ngành.
“Chúng ta đang có khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, mà ở đó, tất cả các thành phần kinh tế, các tập thể, cá nhân sẽ có cơ hội được ghi nhận các danh hiệu thi đua phù hợp, từ đó để mỗi người có ý thức gìn giữ cho bản thân, cho tập thể ngày một tốt hơn, để đạt được kết quả cao hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Việc xây dựng, hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT năm 2022 cần đáp ứng được khát vọng đó”, ông Trần Thanh Hải bày tỏ mong muốn.
Được biết, dự kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT năm 2022 sẽ trình Chính phủ trong tháng 7/2023, và dự kiến sẽ đi vào thực hiện từ 1/1/2024.