Thúc đẩy kết nối liên vùng vì tương lai phát triển Thủ đô và đất nước

Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, không chỉ có ý nghĩa với địa phương mà tạo ra kết nối trong cả nước, 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đang quyết tâm, hợp tác và cam kết về tiến độ trong triển khai dự án nhằm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng không gian, thúc đẩy kết nối liên vùng, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước.

Tạo không gian phát triển mới

Tháng 6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước
Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã ký cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho Vành đai 4. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Tại kỳ họp này, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, một trong những “điểm nghẽn” là liên kết vùng, mà các tuyến đường cao tốc, giao thông kết nối là điểm rất quan trọng để tháo gỡ, thúc đẩy liên kết vùng. Vì thế, dự án Vành đai 4 không chỉ có ý nghĩa với địa phương mà tạo ra kết nối trong cả nước. Việc đột phá bằng dự án Vành đai 4 để giải tỏa giao thông trong vùng lõi là vô cùng cần thiết. Vành đai 4 sẽ giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội, phân giải mạnh mẽ áp lực cho Vành đai 3 hiện đang quá tải về mật độ giao thông.

Sau hơn 10 năm ấp ủ, “siêu dự án” Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đã chính thức được 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) triển khai với sự cam kết mạnh mẽ của 3 tỉnh, thành phố về tiến độ dự án. Cụ thể, ngày 30/9, Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã ký cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện thể hiện quyết tâm chính trị, tinh thần chung sức, đồng lòng của 3 địa phương, tất cả vì thành công của dự án, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước.

Tại cuộc họp này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với dự án có khối lượng lớn và có nhiều điểm đặc thù như Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là chìa khóa quyết định sự thành công của dự án. Nhận thức được điều đó, thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch phối hợp của 3 địa phương để triển khai dự án và mỗi tỉnh, thành đều đã ban hành Kế hoạch của địa phương mình để triển khai thực hiện. Ba địa phương đã thống nhất xác định phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công Dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước
Sơ đồ chỉ giới đường đỏ nút giao giữa đường Vành đai 4 với Đại lộ Thăng Long. (Ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội)

Với quy mô và tầm quan trọng của dự án, qua tính toán có thể thấy diện tích đất cần giải phóng mặt bằng là rất lớn. Theo đó, tổng diện tích đất cần thu hồi để triển khai dự án là 1.341 ha, trong đó: Thành phố Hà Nội cần thu hồi khoảng 741ha tại địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín); Tỉnh Bắc Ninh cần thu hồi khoảng 326 ha tại địa bàn của 4 huyện, thành phố (Thuận Thành, Quế Võ, thành phố Bắc Ninh, Gia Bình); Tỉnh Hưng Yên cần thu hồi khoảng 274 ha tại địa bàn của 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu; Yên Mỹ, Văn Lâm).

Để triển khai đúng tiến độ, 3 địa phương đã cùng cam kết: “Đoàn kết, sáng tạo, thống nhất, thi đua đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ thi công của dự án” để thực hiện hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo chung của 3 tỉnh do Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban chỉ đạo.

Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng

Cũng tại hội nghị cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, thông tin về tiến trình triển khai Dự án, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành ủy Hà Nội lần đầu có Chỉ thị riêng của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác giải phóng mặt bằng. Đó là Chỉ thị về công tác giải phóng mặt bằng của dự án Vành đai 4 để gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị của Thành phố và cấp quận, huyện cùng vào cuộc để đạt mục tiêu đặt ra.

Thành ủy cũng chỉ đạo phải thống nhất chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của dự án. Vận động nhân dân thực hiện chủ trương, quyết định thu hồi đất.

Vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước
Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là chìa khóa quyết định sự thành công của dự án Vành đai 4. (Ảnh: Bình Minh)

Công tác tuyên truyền được xác định là trọng tâm trong giải phóng mặt bằng, các quận, huyện, nơi có Dự án đi cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước về cơ chế, chính sách trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhất là quán triệt sâu sắc sự cần thiết, cấp bách của việc sớm giải phóng mặt bằng đầu tư dự án làm cơ sở cho các địa phương công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có đất bị ảnh hưởng biết, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong việc thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở giao ước thi đua, các quận, huyện, xã, phường thuộc Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh sẽ chủ động xây dựng tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị – xã hội của từng địa phương, cá nhân gắn với thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, gắn với công tác xác định nguồn gốc đất, kiểm kê tài sản trên đất, lập phương án, công khai và phê duyệt phương án…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, xác định đây là một dự án trọng điểm quốc gia, nên tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo, do trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Tỉnh ủy Bắc Ninh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận cao đối với dự án, hạn chế thấp nhất đơn thư và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước
Hướng tuyến đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh và Hà Nội

Còn với tỉnh Hưng Yên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định quyết tâm sẽ triển khai công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, để đến ngày 30/6/2023 sẽ bàn giao 70% mặt bằng, hoàn thành toàn bộ trước ngày 31/12/2023 để khởi công dự án vào tháng 6/2024, cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Trong khi đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ được 3/5 đoạn với tổng chiều dài 43,7km (đoạn 1 từ cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến cầu Hồng Hà dài 11km; đoạn 2 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 dài 17,7km; đoạn 3 từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A dài 15km. Với 2 đoạn còn lại dài 14,5km (đoạn từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 dài 9,5km và đoạn từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở dài 5km) sẽ phê duyệt trong tháng 9/2022. Dự kiến, Ban quản lý dự án sẽ cắm xong mốc chỉ giới trong tháng 10/2022.

Hà Nội quyết định ủy quyền, giao cho 7 huyện làm chủ đầu tư liên quan công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân trên địa bàn. Triển khai nhiệm vụ này, Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín đã thành lập Tổ công tác cấp huyện do Bí thư cấp ủy làm tổ trưởng, Chủ tịch UBND quận, huyện làm tổ phó; thành lập bộ phận tiếp công dân chuyên trách phục vụ dự án từ Thành phố đến các xã, phường, thị trấn.

Vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước
Dự án Vành đai 4 không chỉ có ý nghĩa với địa phương mà tạo ra kết nối trong cả nước. (Ảnh: Hữu Duyên)

Tại huyện Thanh Oai, đường Vành đai 4 đi qua với chiều dài đoạn tuyến 7,9km thuộc địa phận 6 xã (gồm: Bích Hòa 2,1km; Cự Khê 2km; Bình Minh 0,28km; Tam Hưng 0,98km; Mỹ Hưng 1,44km, Thanh Thùy 1,1km). Tổng diện tích đất thu hồi là 88,41ha, trong đó đất nông nghiệp 78,13ha và đất phi nông nghiệp 10,27ha (gồm đất ở 1ha; giao thông thủy lợi nội đồng 6,67ha; nghĩa trang – nghĩa địa 2,59ha). Tổng số hộ phải giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là 1.501 hộ, gồm: 1.460 hộ có đất nông nghiệp; 41 hộ có đất ở và vườn (trong số này có 36 hộ có nhu cầu và đủ điều kiện tái định cư). Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, đến nay, huyện đã nhận bàn giao 100% mốc giới trên thực địa. UBND huyện đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Tổ công tác giúp việc để triển khai dự án.

Việc ký cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên cùng tin tưởng, với lộ trình và quyết tâm cao được 3 địa phương cam kết, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch cả 3 địa phương đã cam kết.

Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long) qua địa phận: Thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án có tổng diện tích đất khoảng 1.341ha; Sử dụng hình thức đầu tư hỗn hợp, giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Về tiến độ thực hiện, chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Hoàng Phúc