Thúc đẩy thiết kế sáng tạo từ tài nguyên di sản

Với thế mạnh về di sản, gồm 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề, Hà Nội coi di sản là nguồn tài nguyên cho các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế khai thác. Những tác phẩm, sản phẩm mới từ tài nguyên di sản lại khẳng định bản sắc văn hóa Hà Nội. Do đó, thành phố đang thúc đẩy các giải pháp để phát triển thiết kế sáng tạo.

Trải nghiệm sắp đặt đèn lồng thiết kế sáng tạo từ tranh dân gian.
Trải nghiệm sắp đặt đèn lồng thiết kế sáng tạo từ tranh dân gian.

50 sự kiện văn hóa trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 tổ chức tại nhiều không gian trên địa bàn thành phố là sự khẳng định thương hiệu Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. Dù là tác phẩm của nghệ sĩ hay sản phẩm của nghệ nhân, “chất” truyền thống luôn được thể hiện xuyên suốt.

Tài nguyên vô tận cho thiết kế sáng tạo

Không gian Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (số 22 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) rực rỡ sắc mầu trong những ngày diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2022. 36 chiếc đèn lồng được sắp đặt với bố cục cao thấp khác nhau làm nền cho sân khấu chính, cũng chính là không gian nghệ thuật “Cuộc gặp gỡ xưa và nay” của hoạ sĩ trẻ Xuân Lam. Mới nhìn qua, những chiếc đèn lồng có vẻ “lộn xộn”. Nhưng nhìn kỹ, chúng được trang trí từ năm mầu, tượng trưng cho ngũ hành.

Điều đặc biệt hơn, trang trí cho 36 chiếc đèn lồng là 36 bức tranh dân gian in trên vải, chủ yếu lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống và một số bức tranh Đông Hồ. Ở “tầng trên”, là thế giới của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu, là Ngũ Hổ với năm “ông hổ” tượng trưng cho vũ trụ. “Tầng dưới” là các bức tranh về cuộc sống sinh hoạt, về ước vọng của con người gửi gắm qua tranh như: Thầy đồ cóc, Cá chép trông trăng, Gà đàn, Chú bé chăn trâu… Khi bóng tối buông xuống, đèn điện được bật lên, những bức họa tạo nên một khung cảnh rực rỡ.

Nghệ sĩ Xuân Lam sinh năm 1993, tại Hà Nội. Trong một lần đi thăm Bảo tàng Mỹ thuật khi làm đồ án tốt nghiệp, anh đã choáng ngợp trước vẻ đẹp tranh dân gian và chọn đó là khuynh hướng sáng tác của mình. Thay vì học cách làm tranh truyền thống, anh vẽ lại tranh dân gian bằng chì, phối màu bằng máy tính, tạo ra nhiều sắc độ khác nhau.

Thúc đẩy thiết kế sáng tạo từ tài nguyên di sản ảnh 1
Khách tham quan trải nghiệm những thiết kế sáng tạo làm từ mây tre đan của các làng nghề trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022.

Xuân Lam cho biết: “Tôi muốn tranh dân gian không chỉ là văn hóa, không chỉ trong giới hạn cần được bảo tồn mà cần đem tranh hòa nhập vào đời sống sinh hoạt, trên đồ dùng mà ai cũng có thể sử dụng”. Với suy nghĩ đó, Xuân Lam đưa tranh dân gian lên đèn lồng. Toàn bộ không gian sắp đặt là một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng khi “bóc tách” ra, từng chiếc đèn lồng in tranh đều có tính ứng dụng cao, có thể làm đèn trang trí trong gia đình, trong không gian của các khách sạn, resort, quán cà-phê, các lễ hội văn hóa…

Cũng tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm, ngay lối ra vào là hình ảnh đôi rồng thời Lý uốn lượn trên bức rèm lụa. Điều độc đáo là tấm rèm lụa này có sự kết hợp Đông-Tây. Nhiếp ảnh gia Tuấn Ngọc đã áp dụng kỹ thuật cyanotype-kỹ thuật in ảnh đơn sắc xanh từ thế kỷ 19-để in các hình ảnh, hoa văn truyền thống trên chất liệu lụa.

Hai con rồng được in hai bức âm bản-dương bản đối lập nhau, vừa tạo ra hiệu ứng thị giác, vừa “kể chuyện” âm dương ngũ hành. Trong các tấm rèm khác được trưng bày, hình ảnh chú tễu, cô tiên, con nghê… hiện lên vừa cao quý vừa bình dân, gắn với những câu chuyện vui vẻ, hồn nhiên, mộc mạc giản dị. Ngoài ra, còn rất nhiều tác phẩm nghệ thuật lấy chất liệu, cảm hứng từ di sản văn hóa.

Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019 ở lĩnh vực thiết kế. Mục tiêu khi gia nhập Mạng lưới là Hà Nội muốn khai thác nguồn lực văn hóa để xây dựng, phát triển một đô thị bền vững. Từ ngày 11/11 đến cuối tháng 11/2022, thành phố tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo nhằm hiện thực hóa các cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo với UNESCO.

Lễ hội trải rộng trên nhiều không gian, với 50 sự kiện, hoạt động. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết: “Với thế mạnh về di sản, bên cạnh tiếp cận những lĩnh vực mới, các hoạt động thiết kế sáng tạo của Hà Nội tập trung vào khai thác những giá trị di sản. Đây là nguồn tài nguyên vô tận cho các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế khai thác để tạo ra tác phẩm, sản phẩm mới. Đồng thời, việc khai thác, tạo ra những tác phẩm, sản phẩm mới lại khẳng định bản sắc văn hóa Hà Nội”. Ở không gian hồ Hoàn Kiếm, công chúng đặc biệt ấn tượng với những sắp đặt, tiểu cảnh “cũ mà mới”. Các không gian trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ mây tre mang hình ảnh bông hoa lúa, chiếc lá chuối, cánh diều… tạo nên hiệu ứng lạ mắt, thu hút công chúng.

Tác phẩm “Cổng sáng tạo” tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục-tác phẩm có tính biểu trưng của lễ hội có dáng vẻ đương đại với các kết cấu tạo thành một khối lập phương khổng lồ. Nhưng khi giải mã, ta được biết chân đế công trình có hình dáng của một ngọn núi hình vuông biểu thị cho “đất”. Các dải lụa, sợi dây thừng đan vào nhau tạo thành hình chóp ngược, với phần chóp tròn, tượng trương cho “trời”, theo quan niệm của người Việt “trời tròn, đất vuông”. Khoảng không gian giao thoa giữa vuông-tròn ấy là không gian của con người. Tác phẩm sử dụng chất liệu lụa tơ tằm, dây thừng bằng gai dầu-hoàn toàn là những chất liệu Việt.

“Tiếp sức” cho thiết kế sáng tạo

Sau khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, tháng 2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”. Hoạt động thiết kế sáng tạo liên quan hầu hết các lĩnh vực khác nhau của công nghiệp văn hóa. Do đó, việc xây dựng Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế có tác dụng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Với sự tham gia của 300 nghệ sĩ, nhà thiết kế, nghệ nhân, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ…,

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 vừa khẳng định thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội, vừa góp phần khắc phục một số điểm yếu của hoạt động thiết kế sáng tạo lâu nay. Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh chia sẻ: “Vai trò của cơ quan quản lý chính là tạo môi trường, tạo điều kiện cho các bên tham gia vào hoạt động thiết kế sáng tạo.

Lễ hội đã tạo ra một môi trường cho các bên tương tác với nhau, không chỉ qua trưng bày, giới thiệu mà hàng loạt cuộc tọa đàm, trao đổi ý kiến. Sự tương tác này giúp cơ quan quản lý nắm vững những khúc mắc của giới thiết kế sáng tạo, giúp các bên chia sẻ hiểu biết lẫn nhau, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Chẳng hạn như phía làng nghề thường yếu về khâu thiết kế đương đại, họ có thể tham khảo, hợp tác với những nghệ sĩ, nhà thiết kế chuyên nghiệp”.

Mặc dù vậy, vẫn còn một chặng đường dài để các hoạt động thiết kế sáng tạo, công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê (Trường đại học Việt-Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Trong nhiều lĩnh vực của di sản, Hà Nội nên tập trung khai thác giá trị di sản vào các ngành thiết kế sáng tạo, công nghiệp văn hóa, tập trung vào các lĩnh vực: Thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, kiến trúc…

Tuy nhiên, một trong những lĩnh vực quan trọng là khối làng nghề hiện nay còn nhiều khó khăn. Nghề truyền thống xưa tồn tại trong môi trường làng xã, còn hiện nay là kinh tế thị trường. Làng nghề còn yếu ở nhiều mặt, từ thương hiệu, bản quyền và nhất là thiết kế sản phẩm, bao bì để thích ứng. Do đó, rất cần thiết phải có sự hỗ trợ”. Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho rằng, thành phố cần cụ thể hóa việc hỗ trợ khối làng nghề bằng việc đưa vào giáo trình tại các trường nghề trên địa bàn các nghề truyền thống.

Trong đó, có giảng dạy việc áp dụng những công nghệ mới trong hoạt động làng nghề, có chính sách khuyến khích cho con em làng nghề gắn bó với nghề truyền thống. Đối với nhóm nghệ sĩ, nhà thiết kế, điều cần nhất với họ là “không gian” để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo. Theo cam kết với UNESCO, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng những Trung tâm Thiết kế sáng tạo.

Tuy Trung tâm Thiết kế sáng tạo vẫn đang còn là ý tưởng, nhiều chuyên gia đề xuất Hà Nội tạo điều kiện để các không gian sáng tạo-nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật như âm nhạc, thời trang, thiết kế, mỹ thuật… kết hợp với các hoạt động kinh doanh văn hóa của tư nhân phát triển. Điển hình như các không gian sáng tạo Complex01 (phố Tây Sơn, quận Đống Đa), 282 Design (phố Phú Viên, quận Long Biên)… Đây chính là nơi ươm mầm thiết kế sáng tạo của nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế.

Theo Giang Nam/nhandan.vn

Thúc đẩy thiết kế sáng tạo từ tài nguyên di sản (laodongthudo.vn)