Thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại trong công tác quy hoạch

Nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch trên địa bàn, thành phố Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, kiến trúc đảm bảo tính minh bạch, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng quy hoạch, kiến trúc đáp ứng yêu cầu quản lý, xây dựng và phát triển Thủ đô…

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau hội nghị kiểm điểm năm 2021 thuộc lĩnh vực quy hoạch kiến trúc.

Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 còn nhiều vướng mắc

Triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thời gian qua, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn Thành phố.

Đến nay, đã hoàn thành một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch các cấp độ, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc với tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng – đô thị, quy hoạch phân khu đô thị (cấp độ 1) cơ bản đầy đủ, làm cơ sở triển khai quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng. Góp phần triển khai công tác quản lý đô thị, đất đai, đầu tư, xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Việc tổ chức lập thẩm định và phê duyệt các quy hoạch đã được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn; chất lượng đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, kiến trúc công trình được nâng cao; chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, môi trường, cảnh quan góp phần tạo lập Thủ đô văn minh, hiện đại.

Thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại trong công tác quy hoạch
Thành phố Hà Nội sẽ khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch trên địa bàn. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, tiến độ triển khai lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô còn chậm; công tác điều chỉnh quy hoạch, công tác lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 còn nhiều vướng mắc do bất cập về pháp luật. Tiến độ thực hiện một số đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị riêng nằm trong kế hoạch còn chậm, chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án tuyến đường, chưa đảm bảo tính khả thi.

Công tác lập quy hoạch xây dựng vùng huyện được Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện, song quá trình triển khai còn hạn chế và vướng mắc; một số đồ án quy hoạch được UBND Thành phố có chủ trương mời tư vấn nước ngoài thực hiện còn gặp vướng mắc, chậm triển khai.

Đến nay, nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch có liên quan, có sự điều chỉnh định hướng theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2045.

Những hạn chế, tồn tại nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chủ yếu, đó là: Hệ thống văn bản pháp luật về quy hoạch còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tư vấn lập quy hoạch còn ít và năng lực còn hạn chế, trong khi việc thuê tư vấn nước ngoài còn khó khăn trong lựa chọn tư vấn, định mức chi phí tư vấn thiết kế…

Công tác dự báo, định hướng phát triển đô thị còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, tính khả thi chưa cao; việc xây dựng kế hoạch lập quy hoạch còn chưa sát với thực tiễn, chưa dự báo được sự phức tạp trong quá trình thực hiện; chưa có sự đồng bộ kết nối liên thông giữa các ngành, lĩnh vực.

Sự phối hợp giữa ngành, các cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện còn thiếu chặt chẽ, đặc biệt trong công tác tham mưu bố trí, phân bổ vốn cho công tác lập quy hoạch; công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, ngành, chính quyền địa phương chưa thực sự sâu sát, quyết liệt…

Xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch – kiến trúc – xây dựng – phát triển đô thị

Nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới. Trong đó, Thành phố tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, kiến trúc đảm bảo tính minh bạch, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng quy hoạch, kiến trúc đáp ứng yêu cầu quản lý, xây dựng và phát triển Thủ đô.

Đổi mới có chọn lọc phương pháp nghiên cứu lập quy hoạch, kiến trúc; Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kiến trúc. Nghiên cứu xây dựng, ban hành “Quy chế quản lý, tiếp nhận và sử dụng các nguồn tài trợ để thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn Thành phố do các tổ chức, cá nhân tài trợ không hoàn lại”, nhằm hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch, kiến trúc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch, kiến trúc đặc biệt đối với các đồ án, công trình có tính chất đặc thù, quy mô lớn, các khu vực có ý nghĩa quan trọng…

Kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch, kiến trúc. Tăng cường rà soát, kiện toàn năng lực đội ngũ cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ làm công tác quy hoạch, kiến trúc.

Thành phố sẽ thực hiện đồng bộ hóa quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch mạng lưới, ngành lĩnh vực… đảm bảo công tác quy hoạch đi trước một bước để kiểm soát phát triển đô thị.

Thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch – kiến trúc – xây dựng – phát triển đô thị trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong công tác quy hoạch. Xây dựng cổng thông tin quy hoạch Thành phố để thực hiện việc tra cứu thông tin quy hoạch miễn phí cho người dân; đồng thời phục vụ công tác quản lý đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế trong triển khai công tác quy hoạch kiến trúc trên địa bàn được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2021 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII).

Ngân Phương