Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở: Yếu tố quan trọng tạo mối quan hệ hài hòa

Bám sát sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, các Công đoàn cơ sở đã và đang phối hợp chặt chẽ với chuyên môn, người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc tổ chức Hội nghị người lao động, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Từ đó, góp phần thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Chia sẻ về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc tổ chức Hội nghị người lao động tại doanh nghiệp, ông Phạm Đức Nguyên – Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Joton Hà Nội (thuộc LĐLĐ huyện Thanh Trì) cho biết, Hội nghị người lao động là hoạt động thường niên tại Công ty, được tổ chức vào quý I hàng năm. Ngay khi kết thúc năm kế hoạch, Ban Lãnh đạo và Ban Chấp hành Công đoàn đã cùng bàn bạc về các nội dung để tổ chức Hội nghị người lao động.
Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở: Yếu tố quan trọng tạo mối quan hệ hài hòa
Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền lợi của người lao động được đảm bảo tốt hơn. Ảnh: Mai Quý

Hội nghị người lao động tại Công ty Cổ phần Joton Hà Nội được tổ chức theo 2 cấp: Cấp tổ Công đoàn và cấp cơ sở (toàn Công ty). Tại Hội nghị người lao động cấp tổ sẽ tập trung bàn và thảo luận các công việc của tổ mình và mời phụ trách các tổ liên quan cùng dự. Việc này giúp cho Hội nghị người lao động các tổ tập trung hơn, tránh mất thời gian bàn bạc việc của tổ khác. Tại Hội nghị người lao động toàn Công ty, người lao động sẽ tham gia đóng góp các biện pháp, giải pháp thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp và các nội dung liên đến chế độ chính sách, Thỏa ước lao động tập thể.

Tại Hội nghị người lao động, ngoài các nội dung chính như phân tích kết quả thực hiện nhiệm vụ năm trước, các biện pháp và giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm tiếp theo, bổ sung sửa đổi nội quy, quy chế của Công ty thì tùy vào tình hình hàng năm để tập trung vào các vấn đề mà người lao động quan tâm. Đơn cử như, với đặc thù kinh doanh của Công ty, dịch vụ giao nhận hàng hóa đáp ứng nhu cầu khách hàng đảm bảo tiến độ thi công rất quan trọng. Do rất nhiều lý do về hạ tầng giao thông như tắc đường, do lệnh cấm đường, các quy định thời gian xe ô tô chuyên chở hàng trong phố, nên lái xe và nhân viên bốc xếp hàng của phòng Kế hoạch kho vận luôn phải làm thêm giờ.

Để đảm bảo quyền lợi cũng như tuân thủ Bộ luật Lao động, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty, tổ Công đoàn, phòng Kế hoạch kho vận đã tổ chức họp với người lao động để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động; đồng thời phân tích chế độ chính sách mức lương khi làm ngoài giờ cũng như các quy định của Bộ luật Lao động về vấn đề này… Cách làm này đã giúp cho người lao động hiểu sâu sắc những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp, xác định trách nhiệm của mình đối với doanh nghiệp bằng việc tham gia đóng góp tích cực vào các nội dung hoạt động của tổ Công đoàn cũng như bàn bạc tại Hội nghị người lao động.

“Việc tổ chức tốt Hội nghị người lao động tại Công ty đã khẳng định vị trí, vai trò của Công đoàn cơ sở trong việc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Quyền và trách nhiệm của người lao động được thể hiện rõ nét trong việc tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động của doanh nghiệp, điều đó cũng khẳng định việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở”, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Joton Hà Nội Phạm Đức Nguyên nhấn mạnh.

Tại nhiều doanh nghiệp, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể cũng được Công đoàn cơ sở quan tâm triển khai hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Bích Hòa – Chủ tịch Công đoàn Công ty HHKT Chin lan shing Rubber Hà Tây (thuộc LĐLĐ huyện Đan Phượng) cho biết, thông qua việc thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ tại cơ sở mà cụ thể là thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với chủ sử dụng lao động, quyền lợi của người lao động tại Công ty đã được đảm bảo tốt hơn.

Theo đó, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty HHKT Chin lan shing Rubber Hà Tây đã thương lượng với Ban Lãnh đạo Công ty tăng mức tiền ăn ca cho người lao động từ 15.000 đồng/suất lên 25.000 đồng/suất; hỗ trợ đun nước uống giải khát cho người lao động trong những ngày hè; tăng thêm tiền phụ cấp môi trường trong 3 tháng 5, 6, 7 với số tiền 1.000.000 đồng/người cho người lao động làm việc tại bộ phận Tạo hình do môi trường làm việc tại bộ phận này rất nóng nực. Ngoài ra, hằng năm, Công đoàn đều tổ chức các hoạt động như: Tất niên, ngày hội thể thao, tặng quà Tết…

“Qua kinh nghiệm thực tế tôi nhận thấy rằng, trong quá trình thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, cán bộ Công đoàn không thể cứng nhắc, hoặc dập khuôn, mà phải hết sức linh hoạt, kịp thời nắm bắt những kiến thức luật pháp và các thông tư, nghị định mới liên quan đến người lao động để tư vấn cho Ban Lãnh đạo Công ty; đồng thời, cán bộ Công đoàn cần giúp cho Ban Lãnh đạo Công ty nhận thấy được việc xây dựng Thỏa ước lao động tập thể là tạo thêm những quyền lợi cao hơn luật cho người lao động, Công ty sẽ dễ dàng tạo sức cạnh tranh và thu hút lao động trong khu vực hơn. Từ đó, người lao động càng thêm tin tưởng, gắn bó lâu dài với Công ty và quan hệ lao động tại Công ty sẽ hài hòa, ổn định”, bà Nguyễn Thị Bích Hòa nhấn mạnh.

Phải khẳng định rằng, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc tổ chức Hội nghị người lao động, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể đã và đang góp phần khẳng định vai trò, nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; đồng thời, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Mai Quý
https://laodongthudo.vn/thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so-yeu-to-quan-trong-tao-moi-quan-he-hai-hoa-157813.html