Thực hiện việc di dời các cơ quan khỏi nội đô Hà Nội: Bổ sung cơ chế để đẩy nhanh tiến độ

Tổng kết thi hành Luật Thủ đô cho thấy, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm, lây nhiễm cao, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không đúng lộ trình đề ra và còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bố trí quỹ đất phục vụ di dời cho 9 cơ quan bộ, ngành trung ương

Mới đây, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Thủ đô. Một trong những hạn chế trong quá trình thi hành Luật được chỉ ra là việc di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội theo quy định của Luật Thủ đô và Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ chưa hiệu quả.

Thực hiện việc di dời các cơ quan khỏi nội đô Hà Nội: Bổ sung cơ chế để đẩy nhanh tiến độ
Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo thuộc nhóm phải di dời khỏi nội đô Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Công.

Theo Luật Thủ đô và Quyết định số 130/QĐ-TTg, các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm, lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội với lộ trình và biện pháp di dời cụ thể.

Tham luận tại Hội nghị tổng kết, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) Vũ Anh Tú cho biết, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã tổ chức lập đồ án quy hoạch Hệ thống trụ sở làm việc các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tổ chức Cuộc thi tuyển Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các bộ ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây. Trên cơ sở kết quả thi tuyển, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

Đối với công tác di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời; đã tổ chức việc quan trắc, phân tích đánh giá ô nhiễm môi trường tại các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn 12 quận nội thành. Đồng thời, rà soát, đối chiếu, xác định các cơ sở không phù hợp quy hoạch và dự kiến quy hoạch sử dụng đất sau khi di dời. Đã tổ chức phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời và hiện Thành phố đang xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành. Đối với các cơ sở y tế và giáo dục đào tạo, thực hiện quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, các bộ, ngành đang triển khai lập quy hoạch theo nhiệm vụ đã được phê duyệt.

Theo nhu cầu thực tiễn của các bộ, ngành, thành phố Hà Nội cũng đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng các cơ sở bệnh viện, cơ sở giáo dục, các cơ quan để phục vụ di dời. Đến nay, các bệnh viện đã và đang thực hiện di dời là 8 cơ sở, trong đó 2 cơ sở đã di dời (Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết Trung ương). Thành phố cũng đã bố trí quỹ đất khu các trường đại học tập trung tại Hòa Lạc (quy mô 279,5ha); bố trí quỹ đất phục vụ di dời cho 9 cơ quan bộ, ngành Trung ương…

Hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng khu nội đô

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú. Song song với đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm. Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử.

Vấn đề di dời và giao lại quỹ đất sau khi di dời cho thành phố Hà Nội để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng cũng là nội dung được các đại biểu Quốc hội chọn chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, giải pháp trong thời gian tới là các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, xác định các danh mục cơ sở cần di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ di dời…

Tuy nhiên, trong thời gian qua, ở những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng; tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội. Thống kê sơ bộ tại một số quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng cho thấy nhiều dự án nhà cao tầng đã và đang được triển khai xây dựng.

Đáng nói, theo Bộ Tư pháp, công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ di dời thực hiện rất chậm. Quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho Thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định của Luật Thủ đô.

Các khu đất sau di dời, các cơ quan vẫn tiếp tục sử dụng, bàn giao cho cơ quan Trung ương quản lý hoặc được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất (đầu tư xây dựng dự án nhà ở, văn phòng, thương mại cao tầng). Thực tế đã có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời. Ví dụ như trên đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp như Cao su sao vàng, Xà phòng, Thuốc lá Thăng Long, Dệt Mùa đông, Xe đạp Thống Nhất, Xe buýt Hà Nội…, nay là những dự án Tổ hợp nhà liền kề, Trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn.

Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch ngành

“Thành phố Hà Nội cũng đã xem xét, giới thiệu địa điểm, quỹ đất để đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến Trung ương, cơ sở giáo dục, trụ sở làm việc của 9 bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất thực hiện di dời, song khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng Tổ hợp dự án nhà cao tầng.

Đối với bệnh viện tuyến Trung ương, thì hiện chỉ có Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết đã xây dựng cơ sở mới và đưa vào sử dụng, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành. Trong số 9 bộ, ngành thì hiện có 7 cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở làm việc cũ, 2 cơ quan còn lại được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng”, Báo cáo nêu.

Ông Vũ Anh Tú cũng cho rằng, công tác di dời các cơ sở công nghiệp, y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan ra ngoài khu vực đô thị trung tâm: công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời của một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện đầy đủ, hoàn thành theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Tiến độ di dời thực hiện còn chậm do đó quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho Thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô.

Từ thực tế này, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và thành phố Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan cần đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình và biện pháp thực hiện, đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ cần thiết…/.

Phương Thảo
https://laodongthudo.vn/thuc-hien-viec-di-doi-cac-co-quan-khoi-noi-do-ha-noi-bo-sung-co-che-de-day-nhanh-tien-do-149625.html