Chúng tôi dắt díu nhau từ Hà Nội đi về phía Tây Bắc của Thành phố, về vùng đất bán sơn địa Thạch Thất. Trong suốt quãng đường hơn 30km, bạn tôi vẫn còn chưa tin sẽ được tôi đưa đến nơi như thế. |
Chúng tôi đến Thạch Thất khi mặt trời đã lên cao, xiên những tia nắng rực rỡ của mùa hè qua mặt nước lóng lánh của dòng sông Tích. Và bỗng thấy vang lên từ khắp các xóm làng âm thanh trầm hùng của cồng chiêng như tiếng đồng vọng cùng núi đồi và hàng cây vi vút gió. Bạn tôi kinh ngạc thốt lên: “Hà Nội có tiếng cồng chiêng thật!”. Một cảm giác náo nức tràn về trong chúng tôi, bỏ lại sau lưng những ồn ào phố thị. Đắm chìm trong tiếng cồng chiêng khi trầm bổng, sâu lắng, lúc hào hùng, quyến rũ, khi mặn mà, đằm thắm ấy, tôi kể cho bạn nghe về “sự tích” tiếng cồng chiêng ở Hà Nội… Nếu như cồng chiêng Tây Nguyên được coi là đặc trưng văn hóa nghệ thuật chung cho cả vùng Tây Nguyên với hơn mười tộc người, thì cồng chiêng Mường ở Hà Nội chỉ là của một tộc người, nhưng không vì thế mà trở nên đơn điệu, nghèo nàn. Trái lại cồng chiêng Mường vô cùng đa dạng với nhiều kiểu kết hợp sáng tạo. Ðối với người Mường, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong sinh hoạt văn hóa. Tiếng cồng chiêng mang cái hồn linh thiêng của rừng núi, là âm thanh nối kết con người với thế giới siêu nhiên, những thanh âm ấy đã chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, đi sâu vào nhiều mặt cuộc sống và trải suốt cuộc đời mỗi người dân Mường, được truyền thụ qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường nơi đây. |
Cách đây 2 năm, tôi gặp Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân tại một hội nghị khi bà cùng Câu lạc bộ mang tiếng chiêng của mình đến biểu diễn. Bà bùi ngùi chia sẻ, đã có thời kỳ văn hóa cồng chiêng của bản Mường bị mai một, tưởng chừng như sẽ mất đi hoàn toàn. Năm 2008, khi hợp nhất từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về với Hà Nội, nhiều bà con dân tộc Mường ở các xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân dường như đã “quên” mất nét văn hóa đặc sắc này, nhiều người còn không biết đánh cồng chiêng. Giờ đây, khi tôi gọi điện để trò chuyện, thì giọng nói của bà đã vô cùng vui tươi, phấn khởi hơn rất nhiều. |
“Trước đây, trong những năm kháng chiến chống Mỹ có rất nhiều gia đình khó khăn đã bán cồng chiêng của mình để sinh sống. Sau này khi hòa bình lập lại, số cồng chiêng trong bản mường không còn nhiều, trong khi người già biết chơi cồng chiêng thì dần mất đi, thế hệ trẻ kế cận ít người quan tâm nên văn hóa cồng chiêng ở đây dần mai một. Hơn 10 năm trước, khi một số xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) hợp nhất về với thành phố Hà Nội, được sự quan tâm của thành phố, của huyện Thạch Thất, văn hóa cồng chiêng bắt đầu được khôi phục”, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn chia sẻ. Theo nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, cồng chiêng của người Mường Thạch Thất có những nét đặc sắc riêng. Nếu như cồng ở Tây Nguyên người ta treo bộ chiêng trên giá chiêng thì cồng của người Mường Thạch Thất lại có quai xách, khi chơi mỗi người xách một cồng lên để đánh. Cồng chiêng của người Mường Thạch Thất có núm ở giữa, của người Tây Nguyên không có núm. Ngay cả tiếng chiêng của người Mường vùng Thanh Hóa, Nghệ An cũng khác với người Mường ở Thạch Thất. Một bộ cồng chiêng của người Mường ở Thạch Thất có từ 12 đến 17 chiếc, nhưng thường là 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Tiếng cồng chiêng được ngân vang trong ngày lễ hội, ngày Tết cổ truyền thay lời chúc cho gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui. Gắn bó với rừng núi, cây trái, ruộng bậc thang và tiếng cồng chiêng từ khi còn nhỏ, nét văn hóa của dân tộc đã ngấm sâu vào con người nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, để từ đó, bà luôn tâm niệm phải giữ gìn và bảo vệ nét văn hóa đặc sắc này. Trong nhiều năm qua, bà đã đảm nhiệm vai trò là người truyền dạy cồng chiêng cho người dân tộc Mường trong huyện và truyền đạt văn hóa cồng chiêng tới nhiều đội văn nghệ dân gian trong thành phố Hà Nội. Nhiều thế hệ học trò, trong đó có cả bác bạn trẻ đã được nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn truyền dạy, biết dùng chiêng, đánh cồng và hiểu về văn hóa truyền thống đặc sắc này. “Cho đến nay tôi đã đi truyền dạy cồng chiêng cho rất nhiều các đội cồng chiêng ở Hà Nội. Tôi rất vui mừng khi hiện nay phong trào giữ gìn văn hóa cồng chiêng ở Thạch Thất được bà con ủng hộ tham gia, chính quyền chú trọng. Các nhà trường cũng đã đưa văn hóa cồng chiêng vào giới thiệu cho học sinh, để các cháu có ý thức bảo vệ, bảo tồn và nối dõi di sản đặc sắc này”, nghệ nhân Bích Thìn tự hào với công việc truyền dạy để bảo tồn giá trị văn hóa mà mình đang ngày đêm tâm huyết. Muốn giữ gìn bản sắc văn hóa, thì mỗi con người đều phải có đam mê với văn hóa đó và cảm nhận nó như một phần của cuộc sống, như máu thịt của mình. Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn từng nói: “Khi tiếng chiêng cất lên, nó như linh hồn của người Mường, sôi động, ấm cúng, chính vì vậy mà bà con dân tộc Mường luôn luôn nhắc nhở nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong thời điểm nào vẫn phải lưu giữ tiếng cồng chiêng của dân tộc mình”. |
Theo nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc Mường, năm 2009, huyện Thạch Thất đã đầu tư cho ba xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung, mỗi xã 2 bộ cồng chiêng để đồng bào sử dụng. Cùng với đó, huyện Thạch Thất đã mời các nghệ nhân đánh cồng chiêng uy tín của tỉnh Hòa Bình mở lớp dạy nghệ thuật cồng chiêng cho đồng bào Mường, thu hút hàng trăm người tham gia. Cho đến nay, tất cả 35 thôn thuộc 3 xã đều đã có cồng chiêng. Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân do nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn chủ nhiệm đã nỗ lực hết mình để lan tỏa “tiếng nói” của cồng chiêng đến với mỗi người dân ở 3 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân và trên khắp Thủ đô. Cứ hai năm, Câu lạc bộ lại tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng một lần để từ đó, tạo cơ hội cho những người dân bản Mường được giao lưu, chiêm ngưỡng, thi tài với diễn tấu Chiêng Mường, để nét văn hóa đặc sắc vốn có được lưu giữ và lan tỏa rộng rãi. Ðã nhiều năm qua, tiếng cồng, tiếng chiêng gắn bó với đời sống đồng bào dân tộc Mường của Thủ đô trong những ngày lễ hội, những dịp Tết đến, xuân về. Với những giá trị nghệ thuật của không gian văn hóa cồng chiêng, Hà Nội đang nỗ lực giữ gìn di sản văn hóa đặc sắc này, để văn hóa núi rừng không bị nhạt nhòa giữa Thủ đô. |
“Cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường, gắn liền với vòng đời của mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Chính vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật của mình và giữ gìn qua các thế hệ. Từ bao đời nay, cồng, chiêng được sử dụng trong tất cả các dịp lễ, tết, trong đám cưới, tang ma… Người Mường dùng cồng chiêng trong nhiều lễ nghi, lễ hội, trong công việc hệ trọng có ảnh hưởng đến sự sinh tồn của gia đình, dòng tộc, xóm mường. Vào đầu năm mới, chiêng được dùng cho việc đi chúc tụng các gia đình vào đầu năm mới, mừng nhà mới, xuống đồng sản xuất, bảo vệ bản mường… Người dân tộc Mường coi tiếng chiêng là ngôn ngữ để giao tiếp với trời, đất, thánh thần, tổ tiên, giữa người với người, cầu mong cho nhân khang, vật thịnh. Vào những ngày lễ hội, tiếng chiêng vang lên trầm bổng cùng những tiếng cười vui rộn rã của mọi người đi trẩy hội. Tiếng cồng, chiêng lễ hội vang lên xua tan hết mệt mỏi, buồn phiền của con người. Với người Mường, tiếng chiêng của lễ hội là tiếng chiêng của may mắn, của những ước nguyện ấm no, hạnh phúc. |
Không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời và được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ. Từ xa xưa, người Mường đã thổi hồn cho cồng chiêng và sáng tác ra những điệu nhạc mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình. Thông thường, một bộ cồng, chiêng đầy đủ thường có 10 đến 12 chiếc, có núm kích cỡ to nhỏ và thanh âm khác nhau. Dụng cụ để đánh cồng chiêng là dùi được làm bằng gỗ cứng, tùy theo từng chiếc chiêng to, nhỏ mà làm dùi dài, ngắn. Chiếc to và dài nhất có thể lên đến 40cm, ngắn nhất khoảng 20cm, đầu quấn vải mềm. Người ta thường treo các dàn cồng, chiêng trong nhà, ngoài sân hoặc ngoài các bãi rộng để đánh, hay xách một cái rồi cùng nhau đánh, tạo nên những thanh âm hùng tráng giữa núi rừng. Người Mường thường sử dụng cả dàn cồng chiêng trong các phường, hội. Còn trong các việc báo tang, báo hỷ, hội họp… Ở Tây Nguyên, đồng bào các dân tộc Ba Na, Ê Ðê, Cơ Tu, Mơ Nông, Gia Rai, Mạ… xem cồng chiêng là báu vật, là tiếng nói, là tâm tư, là tình cảm của mình, và cồng chiêng cũng là vật thiêng giúp con người giao tiếp với thần linh. Ở Đắc Lắc, dân tộc M’nông coi âm thanh của cồng chiêng trong lễ hội sẽ kết nối với các thần linh, có thể gọi thần tốt đến và nhờ sự trợ giúp của họ đuổi các ma xấu. Vì thế, tính tâm linh ở các lễ hội trong đời sống văn hóa tinh thần qua tiếng chiêng luôn được đồng bào gìn giữ và phát huy. Ở phía Bắc, cồng chiêng là “ngôn ngữ giao tiếp đặc sắc” của người Mường, là “tiếng nói” của người dân tộc Mường trong nhiều nghi thức giao tiếp cộng đồng. Đối với người Mường ở Hòa Bình và người Mường ở Thạch Thất (Hà Nội), di sản văn hóa cồng chiêng là một di sản văn hóa rất đặc biệt, vì vậy, việc bảo vệ và phát huy là điều vô cùng ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của bà con dân tộc”. |
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất, văn hóa dân tộc Mường có truyền thống lâu đời, phong phú với những giá trị bản sắc độc đáo về vật thể và phi vật thể, tạo nên sức sống bền bỉ, được lưu truyền, bồi đắp phát triển qua bao đời nay, thấm sâu vào trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Người dân tộc Mường sinh sống định canh định cư tập trung thành từng làng, xóm ở chân núi và sườn các quả đồi, nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn. Người Mường có truyền thống làm ruộng, trong đó trồng lúa nước là cây lương thực chủ yếu và khai thác lâm thổ sản như mật ong, gỗ, tre, nứa, mây, song… Trước đây, nghề thủ công tiêu biểu của người Mường là ươm tơ, dệt vải, đan lát. Các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống rất phong phú, đa dạng và đã có từ lâu đời của dân tộc Mường, luôn gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển. Về văn hóa vật thể như: nhà sàn, trang phục, ẩm thực và các vật dụng trong sản xuất, sinh hoạt; Về văn hóa phi vật thể, như: ngôn ngữ, mo Mường, cồng chiêng và các làn điệu hát, múa, các môn thể thao, trò chơi dân gian dân tộc Mường… |
Trong quá trình vận động và phát triển, văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn đã được giao thoa, có sự tiếp thu tinh hoa văn hóa rất phong phú, đa dạng của các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhất là văn hóa dân tộc Kinh. Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, với mục tiêu trong quá trình tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa các dân tộc khác, cần bảo tồn và phát huy được các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mường. Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất đã xây dựng và thực hiện Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thất, giai đoạn 2016- 2020” góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển toàn diện và bền vững kinh tế xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Sau 5 năm hoàn thành đề án, 100% các thôn tại 3 xã có Đội Chiêng Mường và được bồi dưỡng, tập huấn hàng năm, sử dụng thành thạo Chiêng vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng, tất cả các thôn của 3 xã có bộ Chiêng Mường đạt yêu cầu để phục vụ việc tập luyện, tham gia các chương trình giao lưu, hội thi và các sinh hoạt cộng đồng của thôn – đạt 100% so với mục tiêu”. “Tôi tin rằng, sau thành quả của Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thất giai đoạn 2016- 2020”, đồng bào dân tộc Mường huyện Thạch Thất – Hà Nội sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mình, để tiếng chiêng Mường mãi mãi vang xa giữa Thủ đô”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định. |
Trong 5 năm hoàn thành Đề án, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất đã chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân 3 xã và 3 Trường Trung học cơ sở của 3 xã tổ chức 10 lớp tập huấn Chiêng Mường, có 500 lượt người tham gia gồm các tầng lớp nhân dân và các em học sinh là những người có năng khiếu, có khả năng tham gia biểu diễn Chiêng Mường. Học viên được truyền dạy về Chiêng Mường, từ những hiểu biết chung đến cách bảo quản, sử dụng Chiêng Mường và đặc biệt thực hành các bài Chiêng. Các khối nhà trường Trung học cơ sở tổ chức các chương trình ngoại khóa và các hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường; nhân dân ở thôn xóm tích cực học tập, giao lưu Chiêng Mường vào buổi tối tại nhà văn hóa thôn. Trong năm 2016-2017, Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ, đầu tư cho các thôn và Ủy ban nhân dân các xã miền núi 30 bộ Chiêng Mường. Năm 2019 tiếp tục hỗ trợ cho 3 trường Trung học cơ sở của 3 xã, mỗi trường 1 bộ Chiêng Mường. Ngoài sự hỗ trợ của huyện, nhân dân các thôn vận động xã hội hóa, đã tự mua sắm các bộ Chiêng Mường. Đến nay trên địa bàn 3 xã có trên 50 bộ Chiêng Mường (trước khi thực hiện Đề án trên địa bàn 3 xã chỉ có 10 bộ Chiêng). Hiện nay 35 thôn của 3 xã đang duy trì trên 35 đội Chiêng Mường, có thôn 2 đội Chiêng Mường (trước khi có Đề án chỉ có 17 đội Chiêng). Diễn tấu Chiêng Mường, trang phục dân tộc đã được đồng bào thường xuyên sử dụng, trình diễn trong các ngày lễ, các cuộc giao lưu, liên hoan, tết cổ truyền dân tộc, các sự kiện lớn của huyện, của xã, người dân đã có chuyển biến trong nhận thức về giá trị văn hóa dân tộc, tích cực vận động con cháu trong gia đình phải biết quý trọng, bảo tồn, lưu giữ bảo quản Chiêng Mường. |
Nội dung: Bảo Thoa Thiết kế: Đức Hà /laodongthudo.vn |