“Tiếp lửa” cho văn hóa truyền thống

Bằng những việc làm thiết thực như thành lập các đội, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, giữ gìn, truyền dạy cho lớp trẻ các làn điệu dân ca, nét văn hóa… thời gian qua, các nghệ nhân trên địa bàn Hà Nội đã góp sức tiếp nối, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống Thủ đô.

Giữ gìn và tiếp nối

Hiện nay, thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) là một trong rất ít địa phương ở Hà Nội còn lưu giữ nghệ thuật dân gian hát trống quân. Theo các bậc cao niên trong làng, hát trống quân ở Khánh Hà có từ thời vua Lê Thái Tổ. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồng Điệp ở thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, chia sẻ, hát trống quân là hình thức hát dân ca đối đáp, giao duyên, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đời sống sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, thường được tổ chức vào dịp lễ, Tết, hội làng. Từ xa xưa, hát trống quân được diễn xướng trong đời sống sinh hoạt, lúc cấy hái, khi nông nhàn với hình thức hát gọi, hát đố, hát họa, hát đối đáp…

“Tiếp lửa” cho văn hóa truyền thống
Thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, là một trong rất ít địa phương ở Hà Nội còn lưu giữ nghệ thuật dân gian hát trống quân. Ảnh: Tô Quý

Từ xưa đến nay, với người dân Khánh Hà, hát trống quân đã trở thành chất keo kết nối tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt, để hát được trống quân, người hát phải có chất giọng tốt, cao, tròn vành, rõ tiếng. Mỗi nhóm tham gia thường có từ 5-7 người. Nam mặc bộ quần áo nâu tươi, đầu quấn khăn lưỡi rìu màu đỏ; nữ mặc váy nâu, áo cánh nâu bên ngoài, đầu quấn khăn nhung đen…

Cũng có thời điểm hát trống quân bị lãng quên. Tiếc nuối, trăn trở, người dân làng Khánh Hà tìm đến các bậc cao niên trong làng, những người có kinh nghiệm, đã từng hát trống quân để ghi lại lời hát, làm tài liệu. Cụ Nguyễn Thị Ny – một trong số ít cây đại thụ của làng lưu giữ những lời hát, cùng người dân yêu hát trống quân đã tổng hợp, sao chép, lưu giữ tại Nhà văn hóa thôn để truyền lại cho thế hệ sau. Đặc biệt, để lưu giữ nét văn hóa đặc sắc này, năm 2007, Câu lạc bộ hát trống quân Khánh Hà được thành lập.

Câu lạc bộ hát trống quân với các thành viên ở độ tuổi khác nhau gồm các bậc cao niên 70, 80 tuổi và các em nhỏ ở độ tuổi 9 -10. Câu lạc bộ duy trì tập luyện, thường xuyên dạy hát cho các em nhỏ tại đình làng. Hễ có lễ hội của thôn, làng hay dịp lễ, Tết, Câu lạc bộ cùng người dân say sưa hát những điệu trống quân sâu lắng. Câu lạc bộ hát trống quân Khánh Hà đã sưu tầm được 200 lời bài hát cổ. Hiện có 45 hội viên hạt nhân gồm các nghệ nhân và những người yêu thích làn điệu trống quân, đến nay câu lạc bộ truyền dạy được 17 lớp với hơn 300 lượt người, đủ lứa tuổi. Năm 2019, xã có 5 cá nhân được Nhà nước truy tặng và phong tặng Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian.

Mới đây, trong tháng 10/2023, Câu lạc bộ hát trống quân Khánh Hà tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023-2028. Đây là niềm vui lớn đối với người dân Khánh Hà. Tại Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023-2028, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Ba được bầu là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát trống quân xã Khánh Hà, huyện Thường Tín. Ông Ba chia sẻ: “Câu lạc bộ hát trống quân xã Khánh Hà chính thức hoạt động là điều kiện thuận lợi để địa phương tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị, truyền lại cho thế hệ sau làn điệu cổ hát trống quân – loại hình nghệ thuật văn hóa phi vật thể độc đáo tại địa phương”.

Cũng tại Đại hội lần thứ nhất, Câu lạc bộ hát Trống quân xã Khánh Hà đã kết nạp thêm thành viên, nâng tổng số lên 60 hội viên. Đến nay, Câu lạc bộ đã truyền dạy hát cho 200 người, phấn đấu 100% số thôn có tổ, nhóm hát trống quân, tiếp tục sưu tầm, biên soạn tài liệu lịch sử, bài hát trống quân cổ. Đặc biệt, Câu lạc bộ còn tích cực tham gia hội thi, hội diễn trên địa bàn huyện Thường Tín và thành phố Hà Nội để nghệ thuật hát trống quân mãi ngân xa…

Tạo sức sống cho di sản văn hóa phi vật thể

Có thể nói, nghệ nhân chính là những người đang nắm giữ hồn cốt của di sản, và đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau. Điển hình như nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, năm nay đã ngoài 70, cả cuộc đời bà gắn bó với đất Đồng Dâu, với tiếng chiêng của bản làng mình. Trước tình trạng nhiều người đã bán cồng chiêng, lo lắng nguy cơ mai một, bà tìm gặp những người cao tuổi nắm giữ nhiều kiến thức về văn hóa cồng chiêng hỏi han, xin truyền dạy.

Tích lũy được kiến thức phong phú, bà đã khôi phục thành công nhiều bản cồng chiêng. Khi đội văn nghệ của xã đi thi ở các địa phương, nghệ nhân Bích Thìn khéo léo lồng các tiết mục cồng chiêng vào các vở diễn. Ðiều đó giúp nhiều người hiểu về giá trị cồng chiêng, nghệ thuật cồng chiêng của người Mường được nhiều người biết đến. Là người có năng khiếu nghệ thuật, lại được đào tạo bài bản, bà Thìn đã dàn dựng cho xã nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tham dự hội diễn của huyện, tỉnh và đoạt giải cao. Điều đáng quý là trong những tiết mục mà bà vừa làm biên kịch, vừa làm đạo diễn kiêm diễn viên ấy, có nhiều tiết mục khơi gợi lại hình ảnh cồng chiêng của dân tộc Mường.

“Tiếp lửa” cho văn hóa truyền thống
Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn góp phần gìn giữ, quảng bá nghệ thuật cồng chiêng người Mường.

Đặc biệt, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường, bà Thìn đã vận động thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng, phối hợp cùng chính quyền địa phương gìn giữ, quảng bá loại hình nghệ thuật này. Năm 2015, ngay khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, với phần thưởng 10 triệu là đồng, bà Thìn đã bỏ thêm tiền để mua 1 bộ chiêng về phục vụ cho việc truyền dạy cho người dân. Đến nay, bà Thìn luôn đau đáu làm sao có thể dốc hết vốn liếng cồng chiêng để truyền lại cho các thế hệ sau, để khỏi tiếc xót khi vốn văn hoá dân gian ngày càng rơi rụng. “Tôi mong rằng Nhà nước cũng như Thành phố có thêm chính sách khuyến khích lớp trẻ giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Hỗ trợ việc dạy và thực hành di sản để có thể tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về di sản cồng chiêng của người Mường nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô Hà Nội nói chung”, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn bày tỏ.

Được biết, để dành sự quan tâm đặc biệt đến việc phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các nghệ nhân. Theo đó, tại kỳ họp thứ X, khóa XVI vào tháng 12/2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội. Ngày 28/4/2023, Sở Văn hóa và Thể thao ban hành văn bản số 1535/SVHTT-QLDSVH hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết tới UBND các quận, huyện thị xã trong với việc hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Ngày 16/6/2023, Sở Văn hóa và Thể thao ban hành quyết định số 488/QĐ-SVHTT về việc chi đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Kinh phí đãi ngộ được chi trả vào tài khoản cá nhân các nghệ nhân do UBND các quận, huyện, thị xã tổng hợp. Hy vọng, tới đây một khi hoàn thiện về chính sách, văn hóa truyền thống sẽ tiếp tục phát triển.

Kim Tiến

“Tiếp lửa” cho văn hóa truyền thống (laodongthudo.vn)