Tiếp lửa niềm tin cho người khiếm thính

Gần đây, giữa lòng Hà Nội xuất hiện một tiệm giặt là đặc biệt có tên “Tiệm giặt là người điếc”. Đây là nơi những người khiếm thính được là chính mình, cùng làm việc, cống hiến sức lao động để giúp ích cho gia đình và xã hội.

Tiệm giặt là đặc biệt

Nằm trên đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), “Tiệm giặt người điếc” có quy mô khá khiêm tốn, chỉ vẻn vẹn khoảng 10m2. Tiệm hoạt động 24/7 với 1 quản lý, 2 nhân viên – tất cả đều là người điếc, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau và với khách hàng. Nơi đây không chỉ là cơ sở kinh doanh mà còn là địa chỉ tạo công ăn việc làm cho người khiếm thính, nơi họ được học tập, rèn luyện giúp tự tin hơn.

Chị Lương Thị Kiều Thúy (sinh năm 1991) quản lý tiệm giặt đặc biệt này là một người khiếm thính (bị mất thính lực 15 năm trước). Kiều Thúy may mắn khi có thể hiểu được phần nào giọng nói của người khác thông qua máy trợ thính. Trong khi đó, Phạm Thị Thúy và Lê Thu Ngân đều là người điếc, không thể nghe và nói.

Được biết, “Em út” Thu Ngân từ bé đến lớn chỉ ở nhà phụ việc gia đình, trở thành nhân viên tiệm giặt là lần đầu cô gái trẻ này rời khỏi vòng tay bố mẹ để bắt đầu hành trình mới của riêng mình.

Còn “Chị cả” Phạm Thị Thúy trước đây là một nhân viên văn phòng với mức lương khoảng 4-7 triệu đồng/tháng nhưng đã quyết định bỏ dở để bắt đầu theo đuổi công việc giặt là vất vả nhưng do chính những người điếc/khiếm thính tự làm chủ.

Tiếp lửa niềm tin cho người khiếm thính
Mặc dù là người khiếm thính nhưng các nhân viên tại “Tiệm giặt là người điếc” đều làm việc rất nghiêm túc, chuyên nghiệp.

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp, chị Lương Thị Kiều Thúy vui vẻ: “Ý tưởng khởi nghiệp giặt là được nhen nhóm vào năm 2019 khi tôi đang làm dự án Nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc tại Hà Nội. Lúc này, tôi có gặp gỡ chị Phạm Thị Thúy, khi đó là nhân vật phỏng vấn trong nghiên cứu của tôi và chia sẻ với chị ấy về ý tưởng này. Kết thúc nghiên cứu, tôi cùng chị thảo luận với nhau và lên ý tưởng về tiệm giặt là của người điếc”.

Sau hơn một năm chuẩn bị kỹ lưỡng về mạng lưới, kiến thức, Lương Thị Kiều Thúy quyết định cùng Phạm Thị Thúy tìm nhà đầu tư và tuyển thêm người điếc làm cùng là Thu Ngân. Việc chọn địa điểm, các vấn đề liên quan người điếc như tuyển chọn, phỏng vấn do Phạm Thúy đảm nhận; Lương Thúy quản lý, đào tạo, hướng dẫn, thậm chí… còn là người đi chuyển hàng.

Chị Thúy cũng cho biết, mở tiệm giặt là với người khiếm thính là điều không dễ dàng. Những ngày đầu chị đã rất vất vả khi kêu gọi vốn đầu tư bởi bản thân giao tiếp còn khó khăn, tai nghe bập bõm nên để nhận được sự tin tưởng của nhà đầu tư là rất khó.

Nhưng rồi cơ duyên đến khi năm 2020, chị tham gia chương trình Youth co:lab do UNDP tổ chức. Với ý tưởng kinh doanh “Giặt là Sáng”, chị đã đạt giải Best Performance. Thông qua một giám khảo của cuộc thi, chị Thúy quen anh Bùi Thế Phúc (sinh năm 1981, quê quán Hà Nội), là chủ thương hiệu nhượng quyền “Giặt ký”.

Nhờ mối lương duyên này, chị Thúy đã quyết định kết hợp liên danh với anh Phúc dưới sự chứng thực của Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn và đào tạo về phát triển địa phương để ra đời “Tiệm giặt là người điếc”.

“Do cửa hàng mở vào dịp cận Tết, lượng khách khá đông, nên chúng tôi gặp chút khó khăn trong xử lý công việc. Sau đó, làm dần rồi cũng quen. Thêm vào đó, vì các bạn ở đây đều là người khuyết tật nên muốn công việc đạt hiệu quả tôi thường phải giải thích cặn kẽ, ghi chú ra giấy hoặc vẽ sơ đồ để họ làm theo”, chị Lương Thị Kiều Thúy chia sẻ.

Cùng nhau khẳng định bản thân

Hiện nay, sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, “Tiệm giặt là người điếc” đã có một lượng khách ổn định. Doanh thu hằng ngày của cơ sở khoảng 1 triệu đồng, có ngày đông khách thì doanh thu có thể lên tới hơn 2 triệu đồng. Đó là thu nhập mơ ước của nhiều cửa hàng kinh doanh giặt là trong thời điểm hiện nay. Điều đặc biệt là ngoài việc trả lương cho nhân viên, lợi nhuận của quán được sử dụng hoàn toàn cho lớp dạy kỹ năng sống dành cho người khiếm thính, hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng.

Tiếp lửa niềm tin cho người khiếm thính
Tiệm giặt là đặc biệt cũng là nơi giúp đỡ, hỗ trợ người khiếm thính hòa nhập cộng đồng.

Trong tiệm giặt là còn có một góc rất dễ thương với dòng chữ “Viết những tình cảm của bạn ở đây nhé”. Tại góc nhỏ này, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng đọc được những dòng chia sẻ hết sức cảm động của khách hàng như: “Một nơi tuyệt vời để bạn có thể trải nghiệm một ngôn ngữ mới, có thể là cả một cách sống mới” của một bạn tên Thìn. Hay lời nhắn của một vị khách vô danh: “Một nơi mà bạn cảm thấy mọi người tâm huyết với từng sản phẩm. Mình sẽ quay lại thêm thật nhiều lần nữa”. Những dòng chia sẻ này cũng đã trở thành lời động viên, khích lệ tinh thần cho các nhân viên trong tiệm giặt là đặc biệt.

Chị Lê Thu Ngân, nhân viên của tiệm giặt là chia sẻ: “Trước đây, tôi chưa từng nghĩ nghĩ mình có thể làm việc như một người bình thường. Với chúng tôi, làm việc ở đây không những để học việc cho mình mà còn để đào tạo những người khiếm thính khác có công việc mưu sinh và hòa nhập cộng đồng”.

Đánh giá về hoạt động của “Tiệm giặt là người điếc”, chị Đinh Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Năm 2020, khi Thúy tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ khởi nghiệp” thì “Giặt là người điếc” mới chỉ dừng ở ý tưởng, nhưng chúng tôi đánh giá đó là ý tưởng sáng tạo có khả năng hiện thực hóa. Sau đó, với sự kết nối của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thúy đã được chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh – người sáng lập Công ty tư vấn, huấn luyện và cố vấn đổi mới sáng tạo KisStartup hỗ trợ khởi nghiệp và cho đến nay đã đi vào hoạt động.

Đây là một ý tưởng nhân văn mang ý nghĩa xã hội rất lớn, chính vì thế “Tiệm giặt là người điếc” cần nâng cao hơn kỹ năng quản trị, vận hành trơn tru để có thể nhân rộng mô hình trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như ở các địa phương khác”.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Lương Thị Kiều Thúy cho biết, chị mong muốn đào tạo nghề cho nhiều người khiếm thính khác, giúp họ xây dựng cửa hàng giặt là cho riêng mình. Chị tin rằng, có nghề trong tay thì người khiếm thính sẽ được tôn trọng hơn, bình đẳng và tự làm chủ cuộc sống.

Lê Thắm – Đăng Khoa/laodongthudo.vn