Tiếp nối những mạch nguồn truyền thống

Về với những làng nghề của Hà Nội, trong gió xuân, khí xuân phơi phới, mỗi người lại có những cảm nhận khác nhau. Riêng tôi, làng nghề vẫn tồn tại đan xen trong những xóm làng bình yên, thầm lặng lưu giữ giá trị văn hóa ngàn đời của người Việt…

Không bỏ rơi nghề của cha ông

Trên địa bàn Hà Nội, qua những biến thiên của thời gian, nhiều nghề bị mai một. Chẳng khó để thấy nhiều làng nghề nức tiếng như: Làm giấy dó Bưởi (quận Tây Hồ), tết thao Triều Khúc (huyện Thanh Trì)… dần bị lãng quên. Người làng nghề dần buông bỏ cái nghiệp nuôi sống bao đời.

Tiếp nối những mạch nguồn truyền thống
Làng nghề nhộn nhịp trong những ngày xuân. Ảnh: Giang Nam

Ấy nhưng không phải nói vậy để thấy sự ảm đạm. Tôi nghiệm ra rằng, cứ trân quý ắt nghề chẳng phụ. Bằng chứng là nhiều người đã và đang sống được bằng nghề của quê hương. Tôi đến Chàng Sơn (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) là nơi nổi tiếng với nghề quạt giấy. Có thời gian, người làng Chàng Sơn còn thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất quạt giấy để cung cấp ra thị trường. Thế rồi với sự phát triển của quạt điện, nghề làm quạt giấy bị thu hẹp. Làng chỉ còn ít hộ gia đình giữ nghề, vừa làm quạt dùng trong sinh hoạt, vừa sản xuất quạt biểu diễn nghệ thuật, quạt trang trí. Ở làng Chàng Sơn hiện có một số nghệ nhân tâm huyết, như cụ Bùi Thị Đức, ông Dương Văn Mơ… còn gắn bó nghề. Họ vẫn tin và mong muốn thế hệ con, cháu sẽ không bỏ rơi nghề của cha ông.

Như một sự đền đáp xứng đáng, những nghệ nhân tâm huyết đã làm lan tỏa, để nhiều người khác chung tay khôi phục và phát triển nghề. Nhờ đó việc sản xuất, kinh doanh tại làng được khởi sắc và nhộn nhịp hơn. Những chiếc quạt của Chàng Sơn giờ chẳng bó hẹp ở thị trường trong nước, mà còn được xuất khẩu sang Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tương tự, ở làng nghề điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang, huyện Thường Tín) cũng vậy, bao lớp nghệ nhân tài hoa, đặc biệt thế hệ trẻ nối tiếp vẫn miệt mài giữ mạch nguồn truyền thống của quê hương. Nhân Hiền từ lâu được biết đến là điểm du lịch làng nghề nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Hằng ngày, không khí làm việc, chế tác, giao dịch, tham quan, mua sắm diễn ra sôi nổi. Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ Nhân Hiền cho biết, điêu khắc là nghề “cha truyền, con nối” của làng. Dù nghề có lúc thịnh, lúc suy song cá nhân ông Nguyễn Văn Trúc và người dân trong làng luôn mang trong mình niềm tự hào của nghề điêu khắc.

Không tự hào sao được khi ở khoảng thế kỷ XVIII, XIX tay nghề của những người thợ đã vang xa. Làng có nhiều nghệ nhân giỏi được cử vào kinh thành Huế phục vụ việc xây dựng cung đình, lăng tẩm. Ở làng, có nhiều “bàn tay vàng” nức tiếng như cụ Hoàng Văn Thiều, Trần Văn Bình… thế hệ kế tiếp có Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Minh Phú; lớp người trẻ nối nghề thì có Nghệ nhân Hoàng Văn Kế…

Chuyển mình để thích ứng

Hội nhập, thích ứng với thị trường là hướng đi tất yếu của làng nghề. Theo các nghệ nhân, để làm được điều này đòi hỏi những người nối nghề phải không ngừng sáng tạo để có sản phẩm tốt, có sức lay động, được người tiêu dùng đón nhận, có thể sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài.

Tiếp nối những mạch nguồn truyền thống

Minh chứng dễ thấy, tại Hà Nội có nhiều nghề truyền thống đang được quan tâm gìn giữ, phát huy giá trị trong đương đại như: Nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất)… Sau hằng trăm năm, những sản phẩm của các làng nghề truyền thống kể trên đã vượt ra khỏi khuôn khổ địa phương để đến với khách hàng trên cả nước và ra quốc tế.

Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ Nhân Hiền cho biết, quan điểm kinh doanh của người thợ Nhân Hiền là khi đã nhận đặt hàng của khách sẽ hợp đồng chính xác đúng ngày, đúng giờ giao hàng, không bao giờ để lỡ thời gian. Hàng luôn đảm bảo chất lượng khi xuất xưởng là nguyên tắc đạo đức của những người làng nghề.

Nghệ nhân trẻ Hoàng Văn Kế tại làng nghề Nhân Hiền thì quan niệm rằng, để có thể duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống thì những người thợ phải sống được bằng nghề. Vì thế, phải luôn nỗ lực để mở rộng xưởng sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, trao truyền kỹ thuật điêu khắc cho những người thợ; đưa những sản phẩm điêu khắc Nhân Hiền đến gần với thị hiếu của khách hàng và thị trường, góp phần đưa làng nghề điêu khắc Nhân Hiền hướng đến phát triển bền vững…

Bà Nguyễn Thị Thi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hiền Giang cho biết, để gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống, bên cạnh sự nỗ lực của những người làm nghề, những hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng hết sức quan trọng. Hiện nay, xã đang đề nghị với huyện xây dựng và quy hoạch khu chuyên trưng bày, triển lãm các sản phẩm tinh túy của làng nghề.

Bên cạnh đó, xã Hiền Giang cũng khuyến khích người làm nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Về lâu dài, địa phương cũng xác định việc di dời các hộ làm nghề ra xa khu dân cư là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn, để nghề điêu khắc ở Hiền Giang có điều kiện phát triển hơn nữa.

Tiếp nối những mạch nguồn từ nghề, những nghệ nhân khi nghe tôi hỏi về ước vọng đầu xuân, họ chỉ cười và mong cầu đất nước, làng nghề ngày một phát triển. Đơn giản và rất đỗi mộc mạc… Tôi thì trộm nghĩ, nên chăng việc cần làm hiện tại để tiếp thêm nữa nguồn sinh lực cho làng nghề là tăng cường giữ gìn và phát triển, từ sinh kế của nghệ nhân đến việc giáo dục dạy nghề phổ quát. Nếu các ban, ngành cùng chung tay, cùng nhau giữ mùa xuân này và những mùa xuân sau thì mạch nguồn làng nghề truyền thống sẽ mãi chảy, dồi dào và đầy ý nghĩa.

Đinh Luyện