Tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm lo

Việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động là nhiệm vụ quan trọng quyết định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn. Xác định rõ điều này, các cấp Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã luôn nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho người người lao động, đặc biệt trong thời điểm năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.

Đẩy mạnh từ cơ sở

Một trong những điểm nhấn của hoạt động chăm lo công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ngành Xây dựng Hà Nội, đó là đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các Công đoàn cơ sở (CĐCS) tổ chức nhiều hoạt động cho cán bộ, đoàn viên và CNVCLĐ tham gia ý kiến với chất lượng cao vào các dự án luật, các văn bản pháp quy của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, các chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động. Nhờ bám sát các tinh thần chỉ đạo này mà cả Công đoàn ngành và các CĐCS trong ngành đã làm tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ, tạo cho nhiều người lao động được làm việc trong môi trường tốt; giúp họ thực sự yên tâm lao động, gắn bó bền vững với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm lo
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội luôn xác định công tác chăm lo đoàn viên, người lao động là hoạt động cốt lõi của tổ chức Công đoàn.

Cụ thể, với Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể”, toàn ngành có 97,7% doanh nghiệp trực thuộc ký Thỏa ước lao động tập thể, trong đó có 69 bản Thỏa ước lao động tập thể đạt loại B trở lên, đạt tỉ lệ 82,1%. Đa phần các nội dung thoả ước đã tập trung hơn vào các vấn đề cụ thể, trực tiếp như: Tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng tay nghề, văn hóa ứng xử; thực hiện chính sách bình đẳng giới, chất lượng bữa ăn ca của người lao động.

Trong năm 2023, đã có 85 CĐCS khối doanh nghiệp tổ chức đối thoại với công nhân lao động, 46 doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động, 7 đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định 145/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ. Nhìn chung Hội nghị được triển khai theo đúng quy định, có nội dung thiết thực, thể hiện được trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị và tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Bám sát tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội triển khai hoạt động chăm lo nghỉ dưỡng sức cho đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, suy giảm khả năng lao động. Công đoàn ngành đã lựa chọn 38 đoàn viên, người lao động tại 3 đơn có đủ điều kiện để tham gia kỳ nghỉ dưỡng sức với tổng kinh phí: 94.620.000 đồng. Ngành cũng trao trợ cấp đột xuất cho 2 CNLĐ thuộc Tổ lò đốt chất thải sinh hoạt thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội bị tai nạn lao động và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bổ sung 2 nhà Mái ấm Công đoàn cho công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và đoàn viên thuộc Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Thanh Oai.

Cũng trong năm 2023, Công đoàn ngành đã bổ sung 2 chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó với chương trình phúc lợi đoàn viên với Công ty Bảo hiểm PVI Chi nhánh Đông Đô, các đoàn viên, người lao động trong ngành khi đi mua sắm các sản phẩm của công ty sẽ được giảm giá ưu đãi 10 – 15%. Ngoài ra, thỏa thuận hợp tác giữa Công đoàn ngành và Công ty TNHH Nhà nước MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội vừa giúp đoàn viên trong ngành giảm giá 30% khi sử dụng dịch vụ phòng nghỉ, phòng họp tại Khách sạn Công đoàn Quảng Bá vừa có cơ hội tham gia tour du lịch trong và ngoài nước, đảm bảo chất lượng dịch vụ cao với giá phù hợp.

“Tết sum vầy, xuân chia sẻ”

Chăm lo cho đoàn viên và người lao động dịp Tết đã trở thành hoạt động mang bản sắc của Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội. Phải làm thế nào vừa hoàn thành các nhiệm vụ được giao, vừa nâng cao hoạt động chăm lo chính là yêu cầu được đồng chí Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh trong các buổi giao ban cuối năm.

Bám sát Kế hoạch số 05/KH-LĐLĐ của LĐLĐ thành phố Hà Nội về việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, với chủ đề “Tết sum vầy, xuân chia sẻ”, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã lập Kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động và triển khai xuống 100% CĐCS với nhiều hình thức, phương thức chăm lo ở đơn vị mình.

Nguồn lực để chăm lo Tết tại các cấp Công đoàn được trích từ kinh phí dự phòng và Quỹ hoạt động thường xuyên ở các cấp Công đoàn, đối với những đơn vị không đủ kinh phí tổ chức các hoạt động chăm lo thì được bảo đảm nguồn kinh phí từ Công đoàn cấp trên. Đây là món quà chúc Tết hết sức ý nghĩa được tổ chức Công đoàn dành tặng cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Dự kiến, bên cạnh hoạt động chăm lo truyền thống như thăm hỏi, tặng quà, gặp gỡ và trao quà, các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, bốc thăm trúng thưởng; tổ chức những chương trình Tết sum vầy, thăm tặng quà người lao động tham gia trực tết… sẽ được các cấp Công đoàn ngành triển khai và tổ chức thực hiện.

“Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội luôn xác định rõ công tác chăm lo là hoạt động cốt lõi của tổ chức Công đoàn, thời gian tới nhằm tăng cường hơn nữa các hoạt động chăm lo, ngành sẽ nỗ lực tăng cường xã hội hóa nguồn lực. Những nỗ lực vận động các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ nguồn lực để tổ chức Công đoàn thực hiện các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động sẽ góp phần giúp người lao động thêm đoàn kết; củng cố niềm tin, gắn bó của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn; thu hút người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam”, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Tuấn Dũng