Đến nay, qua 16 năm phát triển (từ 2008 – 2024), dân số (ước tính đến tháng 6/2023) khoảng gần 9 triệu người, có 30 quận, huyện, thị xã (huyện Từ Liêm tách lập thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm) và 579 xã, phường, thị trấn (tăng 2 phường). Thành phố cũng đang lên kế hoạch sát nhập 70 phường, xã, thị trấn.
16 năm qua, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, sự phối kết hợp với các bộ, ban, ngành… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đã đoàn kết một lòng; không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, điều hành… nên đã thu được những kết quả toàn diện. Điển hình nhất, kinh tế không ngừng tăng trưởng, đời sống nhân dân luôn được cải thiện, thu ngân sách Nhà nước không ngừng tăng, kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư…
Tuy nhiên, để Hà Nội thực sự trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, nhiệm vụ trong tâm thời gian tới của Đảng bộ, chính quyền Thành phố là tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, quy hoạch, chỉnh trang đô thị theo hướng tiến thẳng lên hiện đại.
Đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng
Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố Hà Nội tập trung thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, quán triệt, thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô “Xanh – Văn hiến – Thông minh – Hiện đại”.
Phát huy vị thế là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động, tập trung và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ khu vực kinh tế tư nhân và xã hội cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu, quy hoạch và phát triển đô thị, cải thiện hệ thống văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, khoa học – công nghệ, cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, chỉnh trang đô thị, mở rộng các không gian kinh tế mới.
Sau 16 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đạt nhiều thành tựu nổi bật. |
Đặc biệt, Hà Nội cũng sẽ ưu tiên công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường. Trong đó, triển khai hiệu quả các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống. Hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt.
Quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng ở ngoại thành phục vụ việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành; thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan toả từ trung tâm ra các vùng ngoại vi; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai (đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5) nối Hà Nội với các tỉnh, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng; hiện đại hoá các tuyến đường trục giao thông chính của Thủ đô; phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe. Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.
Thành phố Hà Nội cũng đề xuất xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành các đô thị hiện đại, thông minh mang tính dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị trên địa bàn Thủ đô.
Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Phát huy vị thế là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. |
Mục tiêu đặt ra là hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, ưu tiên đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô: Thành phố, thị xã, quận, huyện, hành lang xanh – nông thôn.
Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô, tạo ra chùm đô thị với các thành phố, thị xã trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, khu vực đô thị hình thành theo các tuyến đường vành đai, tuyến đường kết nối nội vùng, liên vùng, tuyến đường sắt đô thị làm đối trọng và giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh. Phấn đấu đến năm 2025, có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận.
Hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V) và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch…
Cải tạo, chỉnh trang, phục hồi, tái thiết đô thị hiệu quả để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng trong phát triển kinh tế đô thị; gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử, bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan, xanh, sạch, đẹp và khang trang tại khu vực nội đô lịch sử.
Nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, quản lý và xử lý hiệu quả các vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự và an toàn giao thông, xử lý chất thải, nước thải và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị…
Thành phố Hà Nội cũng đề xuất xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh mang tính dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị. |
Bảo đảm phân loại đất đô thị gắn với quy hoạch đô thị và mục đích sử dụng đất: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đô thị phải phù hợp với quy hoạch đô thị được phê duyệt và quy hoạch hạ tầng. Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường trên nền tảng kỹ thuật số hiện đại. Thực hiện hoàn thành và chuẩn hóa hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai và tài nguyên vào năm 2025.
Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai, hầm chui nút giao đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường Vành đai 3…
Tăng cường tổ chức kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 2/3/2022 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội; các dự án phát triển nguồn nước; các dự án xã hội hóa cấp nước sạch khu vực nông thôn; hoàn thành dự án “Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá” và 8 dự án lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải từ nguồn vốn đầu tư công cũng như 3 dự án thoát nước bằng nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó, tập trung nguồn lực, đầu tư các dự án xử lý rác thải ở một số khu xử lý rác thải tập trung của Thành phố… là một trong các ưu tiên hàng đầu.