Tiếp tục vun đắp hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội

Trong những năm qua, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng – Nhà nước về văn hóa nói chung, công tác gia đình nói riêng, cấp ủy Đảng – chính quyền các cấp Hà Nội luôn quan tâm tới việc xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực Người Hà Nội thanh lịch văn minh thông qua việc ban hành Nghị quyết, xây dựng các mục tiêu, chương trình, kế hoạch mỗi giai đoạn và hằng năm. Đáng chú ý, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hóa vào Chương trình công tác lớn riêng trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, được xác định là khâu đột phá của Chương trình số 06-CTr/TU, nhiệm kỳ Đại hội XVII.

Bền bỉ củng cố và vun đắp

Nhiều năm qua chương trình xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát động đã được triển khai rộng khắp trên các địa bàn của thành phố. Rõ nét nhất là kế hoạch công tác Gia đình, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Xây dựng Gia đình văn hóa, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch văn minh”; ban hành, triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử. Những quy định từ việc cưới, việc tang đến bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng văn hóa công sở… đã góp phần thiết thực vào việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình và xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong điều kiện mới.

doi-ban-nguyen-van-thang.jpg
Đôi bạn – Ảnh: Nguyễn Văn Thắng

Xác định việc xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh phát triển hiện nay, Đảng bộ và Nhân dân các quận huyện trên địa bàn thành phố luôn chú trọng xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người. Lãnh đạo các quận huyện thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, UBND phường, xã thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, Thành phố trong công tác quản lý nhà nước về gia đình, gắn với tổ chức các hoạt động thiết thực, nhân văn, nhân ái tạo được sự gắn kết, đồng thuận lớn từ người dân, hộ gia đình tham gia đồng hành với chính quyền xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết trong những năm qua, công tác xây dựng gia đình văn hóa luôn được quận quan tâm, chú trọng, đảm bảo nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng, tuân thủ chặt chẽ quy trình đăng ký, bình xét và công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa. Tiêu chí bình đẳng giới, gia đình không bạo lực đã được đưa vào để bình xét các danh hiệu văn hóa nhằm đạt mục tiêu gia đình hạnh phúc, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và bền vững. Các nội dung tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới được lồng ghép vào hoạt động định kỳ của câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ văn hóa gia đình, câu lạc bộ gia đình trẻ trên địa bàn 18 phường. Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình trên địa bàn quận đã góp phần vào việc xây dựng, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh hiện đại.

Tại quận Bắc Từ Liêm, công tác triển khai thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Quy ước ở các khu dân cư được triển khai nghiêm túc. Hằng năm, quận thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung đối với Quy ước tổ dân phố có các nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; kịp thời triển khai việc xây dựng Quy ước đối với 18 tổ dân phố mới được thành lập. Các Quy ước tổ dân phố được thực hiện nghiêm túc, có tính tự giác cao, được phổ biến công khai trong các cuộc họp, sinh hoạt tổ dân phố.

Tại huyện Ba Vì, những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở. Nội dung của việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện triển khai thông qua tại Hội nghị đại biểu Nhân dân tại 31 xã, thị trấn. Các chuẩn mực về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được thực hiện trong các cơ quan, đơn vị, trường học từ huyện đến các xã, thị trấn. Các tiêu chí văn hóa thể hiện từ nhận thức, hành vi, ứng xử, phong cách giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng, khi tham gia giao thông, trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, người lao động…

Đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô

Sự phát triển với tốc độ cao của Hà Nội, đặc biệt đô thị hóa đang diễn ra theo chiều hướng “văn hóa khó bắt kịp” đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó vấn đề gia đình và con người Hà Nội đang nổi lên nhiều bất cập với những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều trong lý luận cũng như trong thực tiễn cuộc sống hằng ngày. Nhiều người băn khoăn, thanh lịch liệu có còn phù hợp với lối sống hiện đại ngày nay không? Thậm chí, có người còn bày tỏ sự không đồng tình khi nói “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Cũng bởi thế, vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh càng trở nên cấp thiết hơn.

Theo ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, việc nghiên cứu hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh là yêu cầu hiện thực khách quan có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao. Mặt khác, yêu cầu của thời kỳ phát triển mới của Hà Nội, thành phố sáng tạo cũng đặt ra yêu cầu phát triển con người ở một tầm vóc mới. Bởi thế việc giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô lại càng là yêu cầu có tính cấp thiết hơn. “Vấn đề đặt ra là: những giá trị nào trong hệ gia đình truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội cần gìn giữ và gìn giữ bằng cách nào? Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã đủ để thích ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện đại hay chưa? Có cần xây dựng những phẩm chất nào mới không? Và nếu cần thì đó là phẩm chất gì? Các giải pháp khả thi nào, có hiệu quả cho việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh không?… Hàng loạt vấn đề đặt ra cho văn hóa Hà Nội những nhiệm vụ mới trong điều kiện mới! Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, Hà Nội cần triển khai một kế hoạch có tầm chiến lược, đồng bộ và có tính khả thi”, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội nhấn mạnh.

Tại cuộc tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh: Thực trạng và giải pháp” do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều đại biểu các quận huyện cũng đã đề xuất các giải pháp. Theo đó, phải coi công tác xây dựng, duy trì, phát huy các hệ giá trị tốt đẹp của gia đình và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho Nhân dân, đặc biệt là giới trẻ; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên; coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tiên tiến làm tốt công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn Thành phố…

“Có thể nói việc xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh phát triển hiện nay. Đây chính là hai thành tố cơ bản để xây dựng gia đình hạnh phúc, làm nền tảng vững chắc để xây dựng quốc gia văn minh và thịnh vượng. Hai thành tố này cũng có mối quan hệ tương liên chặt chẽ với nhau bởi sự hình thành, phát triển chuẩn mực con người trước hết phải xuất phát từ môi trường gia đình với một hệ giá trị nhân văn, nhân ái, kế thừa những giá trị truyền thống và tiếp thu các nhân tố hiện đại”, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm nhấn mạnh./.

Khánh Thư

Tiếp tục vun đắp hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội (nguoihanoi.vn)