Tìm giải pháp giải tỏa “cơn khát” không gian xanh đô thị

Chiều 26/7, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Bảo vệ không gian xanh đô thị”. Tọa đàm nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng thiếu không gian xanh trong các khu đô thị và những hệ lụy do thiếu không gian xanh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị và môi trường.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chia sẻ, quá trình đô thị hóa mang lại cho các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh một bộ mặt mới khang trang hiện đại hơn, nhưng đi liền với đó là phần không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp.

Việc tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch cũng khiến không gian xanh bị giảm đi đáng kể, nhiều diện tích được quy hoạch làm khu cây xanh nhưng cũng được điều chỉnh công năng sang nhà chung cư thương mại, dịch vụ, văn phòng… Ngoài việc diện tích cây xanh đang bị thu hẹp thì các ao, hồ cũng bị giảm đi rất nhiều do phát triển đô thị.

Tìm giải pháp giải tỏa “cơn khát” không gian xanh đô thị
Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phát biểu tại Tọa đàm.

Chia sẻ bức tranh tổng thể về thực trạng không gian xanh trong đô thị hiện nay, Thạc sĩ Trần Thị Thanh Ý – Phó viện Trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và phát triển đô thị cho biết: Trong các văn bản chính sách của chúng ta thì vấn đề cây xanh đô thị được đề cập rất nhiều và đầy đủ theo từng tầng bậc. Có thể thấy vấn đề cây xanh đô thị đã được đề cập rất nhiều.

Về cụ thể, cây xanh đô thị hiện nay là lá phổi của toàn đô thị. Có những con số để so sánh rằng nếu diện tích không gian xanh của đô thị từ độ khoảng 20-50% thì sẽ giảm được nhiệt độ của đô thị từ 3-7 độ. Đây là một con số rất đáng kể.

“Trong đô thị hiện nay, sự quan tâm về cây xanh đô thị đã được đề cập trong các văn bản pháp lý. Trong các lĩnh vực quy hoạch, chúng tôi bao giờ cũng coi đây là việc bắt buộc”, Thạc sĩ Trần Thị Thanh Ý cho biết.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm, Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải – Chuyên gia cao cấp Chương trình Thành phố Sống tốt cho biết: Nói đến quy hoạch không gian xanh có nhiều vấn đề thời gian được truyền thông đề cập đến vai trò của không gian xanh, không gian công cộng.

Không gian xanh đều có trong các quy chuẩn. Quy chuẩn phát triển không gian xanh đô thị như diện tích bình quân, theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng, loại cao nhất là đô thị đặc biệt với 7m2/người. Có thể hiểu loại đô thị đặc biệt như Hà Nội là 9m2/người mà WHO đã đề xuất và Việt Nam đang hướng đến. Cái khó khi quy hoạch không gian sống xanh tại các đô thị như trường hợp của Hà Nội là đô thị lịch sử có từ hàng nghìn năm, quỹ đất không còn để phát triển cây xanh.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Hiện nay thực tế đáng buồn tại tất cả đô thị đang rất thiếu không gian xanh, chưa đảm bảo được không gian xanh. Tại quy chuẩn 01/2021 của Bộ Xây dựng đạt tiêu chuẩn về không gian xanh 7m2/đầu người, nhưng tại Hà Nội hiện nay chỉ đạt khoảng 2m2/đầu người, có thể thấy sự thiếu hụt trầm trọng về không gian xanh.

Nguyên nhân có thể nói đến giai đoạn vừa qua có nhiều tranh luận về đảm bảo không gian sống, không gian xanh. Theo luận giải cơ quan quản lý trực tiếp tại địa phương, quỹ đất eo hẹp, nhu cầu lớn, vấn đề điều chỉnh quy hoạch.

Tìm giải pháp giải tỏa “cơn khát” không gian xanh đô thị
Toàn cảnh buổi Tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ không gian xanh đô thị”.

Một nguyên nhân nữa của việc thiếu mảng xanh đô thị có thể nói đến về con người quản lý đô thị, chính sách đô thị. Cơ quan quản lý cần có trách nhiệm chung thực hiện theo Luật hay tại những quy chuẩn đã có, để có tầm nhìn dài hạn về vấn đề không gian xanh.

Nói về giải pháp thúc đẩy phát triển không gian xanh trong đô thị, định hướng cho các đô thị của Việt Nam có hướng đi bền vững, đúng đắn đáp ứng đồng thời mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải cho biết: Cây xanh chiếm phần lớn trong công viên nên việc quy hoạch cây xanh tại các công viên, không gian công cộng thì số lượng và diện tích không gian xanh sẽ tăng. Sân của các tòa nhà sẽ tăng dù không nhiều nên khi có quy hoạch thì việc phát triển hệ thống cây xanh tăng lên giúp phần không gian xanh cũng tăng lên.

Để phát triển mảng không gian xanh ở Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm quốc tế là chúng ta cần có ưu tiên từ cấp quốc gia đến địa phương, như Canada, Singapore, Thái Lan… có nhiều thành phố. Họ có các tổ chức hội đồng phát triển cây xanh đô thị, là các đơn vị đại diện thực hiện thiết kế, đầu tư thực hiện phát triển không gian công cộng.

Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ các nhóm, tổ chức, thành phần kinh tế, khu vực ngoài nhà nước tham gia phát triển không gian công cộng vì thực tế có các doanh nghiệp đã đầu tư trồng cây xanh, tạo không gian xanh rất hiệu quả. Và chúng ta cần có thông điệp truyền thông đúng mục tiêu trong công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền đúng nhận thức thay đổi hành vi bảo vệ môi trường của từng người. Từ đó công tác phát triển không gian xanh trong đô thị có hiệu quả hơn.

Đặc biệt, một giải pháp kiến tạo không gian xanh trong đô thị hiệu quả thời gian tới được các khách mời nhấn mạnh chính là phát huy vai trò của cộng đồng, người dân. Để làm tốt điều này thì công tác truyền thông đúng trọng tâm, mục tiêu và đúng đối tượng là điều vô cùng cần thiết.

K.Tiến