Những bài thơ thiền thời Lý – Trần vốn không xa lạ với người yêu văn hóa, cổ học. Nhưng với triển lãm “Việt Thiền thi – Ngàn năm văn vật”, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ), khách tham quan sẽ có được những trải nghiệm khác lạ, những chiêm nghiệm mới về di sản của ông cha. Những bài thơ thiền được in trên giấy dó, kèm những bức ảnh minh họa. Ban Quản lý phố cổ đã phối hợp nhà thơ Nguyễn Duy để thực hiện triển lãm này. Giấy dó vốn là một loại chất liệu độc đáo của cha ông ta. Sử dụng chất liệu giấy dó để giới thiệu thơ thiền, nhà thơ Nguyễn Duy mong muốn lưu giữ, giới thiệu những tác phẩm thơ vô giá của tiền nhân trên chất liệu truyền thống. Những tác phẩm nổi tiếng như: “Quốc tộ” (tức Vận nước) của Thiền sư Pháp Thuận, “Hưu hướng Như Lai” (tức Đừng theo bước Như Lai) của Thiền sư Quảng Nghiêm, Cư trần lạc đạo (tức Sống đời, vui đạo) của Phật hoàng Trần Nhân Tông… được in kèm những bức ảnh phong cảnh, cỏ cây trên giấy dó tạo nên hiệu ứng đặc biệt, gợi vẻ cổ kính, tĩnh lặng và chất thiền. Những bài thơ thiền vốn thường được sáng tác theo thể thất ngôn, nay được nhà thơ Nguyễn Duy chuyển thành thơ lục bát, tạo nên sự gần gũi hơn với mọi người. Ngoài triển lãm “Việt Thiền thi – Ngàn năm văn vật”, cũng tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, Ban Tổ chức còn trưng bày nhiều hiện vật, tiêu bản cổ vật của các nghề truyền thống như: Sơn, thếp, giấy, mây tre đan, nặn tượng dân gian…
Với chủ đề “Ký ức Thăng Long”, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã giúp công chúng trải nghiệm những di sản văn hóa bằng nhiều giác quan khác nhau. Trong đó, không thể không kể đến chương trình “Việt Thiền âm”. Đây là một chương trình âm nhạc “xưa nay hiếm”, khi nhóm Đông Kinh cổ nhạc đem đến cho khán giả những tiết mục đặc biệt: Bằng giai điệu của tuồng, chèo, xẩm, các nghệ sĩ nổi tiếng của dòng âm nhạc dân tộc như NSND Thanh Hoài, NSND Xuân Hoạch, NSND Mẫn Thu, NSND Minh Gái… đã truyền tải những tác phẩm dựa trên lời thơ thiền của Việt Nam. Thăng Long – Hà Nội vốn xưa là trung tâm Phật giáo, là nơi có nhiều làng nghề truyền thống. Những bài thơ, những trưng bày phần nào chuyển tải được những nét văn hóa Thăng Long – Hà Nội thuở xưa. Phó Trưởng Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết: “Thông qua chuỗi hoạt động này, chúng tôi mong muốn thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của Việt Nam, làm cho các hoạt động và hình ảnh của khu phố cổ có giá trị và sức sống hơn. Đồng thời các chương trình này góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân Thủ đô, du khách trong nước và nước ngoài đến với khu vực phố cổ Hà Nội”.
Cũng trong dịp này, vào tối 22-11, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã làm sống lại hình ảnh trang phục của người Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, thời điểm trước khi nghệ sĩ Cát Tường đưa ra những cải tiến để tạo ra mẫu áo dài hiện đại bằng chương trình thời trang mang tên “Chuyện phố”. Đúng như tên gọi, không gian phố Đào Duy Từ được biến thành sàn diễn thời trang. Những khung thêu được cách điệu thành vật phẩm trang trí khiến không gian trở nên hoài cổ mà vẫn mang nét hiện đại. Trong khung cảnh đó, những nam thanh, nữ tú trong bộ áo dài cổ điển khiến người ta nhớ lại Hà Nội một thời xa xưa, khi chiếc áo dài không chỉ là lễ phục, mà xuất hiện phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Điều khác biệt là những người mẫu xuất hiện trên sàn diễn không phải những người mẫu chuyên nghiệp, mà là những bạn trẻ yêu mến trang phục áo dài truyền thống. Trong buổi trình diễn, hình ảnh áo dài nam cũng được nhấn mạnh hơn. Đây cũng là chủ ý của Ban Tổ chức, nhằm tìm lại vị thế của chiếc áo dài, nhất là áo dài nam trong đời sống. Nhà nghiên cứu Trần Đoàn Lâm cho biết: “Trước khi bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phong trào Tây học, áo dài được dành cho cả nam lẫn nữ. Trong đó, chiếc áo dài nam truyền thống có một số đặc điểm nổi bật để phân biệt với áo dài các nước khác, gồm: Năm thân, tay chẽn, cài khuy, cổ đứng. Sau này, nam giới ít mặc áo dài dẫn đến quan niệm xã hội áo dài chỉ có nữ giới mặc. Chiếc áo dài nam bây giờ nhiều người mặc cũng không giống áo dài thời xưa”. Trong buổi trình diễn này, một số mẫu áo dài sử dụng họa tiết vẽ trên vải của họa sĩ Trần Thu. Đây là những cải tiến để áo dài nam có thể phù hợp với cuộc sống đương đại. Trước khi chính thức ra mắt công chúng, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân và nhà thiết kế đã tham gia hội thảo có chủ đề: Trang phục áo dài truyền thống: “Vấn đề bảo tồn và phát triển trong xã hội hiện nay”. Trong đó, nhấn mạnh những hiểu lầm của xã hội về áo dài, việc cách tân áo dài để vẫn giữ được truyền thống, đồng thời, tiện lợi cho cuộc sống hôm nay.
Hiếm khi nào, phố cổ lại đậm đặc những hình ảnh, âm thanh của quá khứ đến thế. Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã nỗ lực gợi lại những “Ký ức Thăng Long”, để từ đó, mỗi người thêm ý thức vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Giang Nam/ND