Tinh hoa làng nghề điêu khắc gỗ

Nhắc đến các sản phẩm điêu khắc gỗ truyền thống, hẳn không ít người sẽ nhớ ngay đến làng nghề điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội). Nơi đây là một trong những làng chuyên chế tác tượng và đồ thờ nổi tiếng, tên tuổi sánh ngang với Sơn Đồng của huyện Hoài Đức. Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân của làng nghề điêu khắc Nhân Hiền đã tạo nên nhiều sản phẩm, vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghề thủ công tinh xảo

Đến Nhân Hiền, ngay từ đầu làng đã có thể nghe thấy những tiếng lách cách của người thợ mộc đang gõ đục trên những thớ gỗ. Với sức sáng tạo và đôi tay khéo léo, người dân làng nghề đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm điêu khắc gỗ đặc sắc, giàu tính truyền thống. Tài hoa, cần cù, ham học hỏi là nét đặc trưng riêng có của những người thợ điêu khắc Nhân Hiền. Chia sẻ về nghề, ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ thôn Nhân Hiền cho biết, điêu khắc là nghề “cha truyền, con nối” của làng. Công việc của người thợ điêu khắc gỗ không hề dễ dàng.

Tinh hoa làng nghề điêu khắc gỗ
Những sản phẩm làng nghề được chế tác tinh xảo. Ảnh: Giang Nam

Chẳng hạn, ở cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Văn Trúc, để có được một sản phẩm điêu khắc hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua các công đoạn từ khâu chọn nguyên, vật liệu cho đến phác thảo bản vẽ pho tượng rồi mới bắt tay vào chế tác. Quá trình sản xuất đòi hỏi người thợ phải tập trung tối đa, từng động tác thật tỉ mỉ, bảo đảm đạt được sự chuẩn mực trong từng chi tiết của sản phẩm. Mỗi sản phẩm như vậy, người thợ tùy theo cấu trúc của bức tượng sẽ sử dụng đôi bàn tay khéo léo của mình điều chỉnh từng đường cưa, nhát đục, nhát đẽo theo từng góc độ sản phẩm yêu cầu. Độ đậm nhạt trên bức tượng cũng được thể hiện qua đôi tay đưa lên đặt xuống chính xác của người thợ.

Nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, với nhiều sản phẩm có giá trị mỹ thuật cao, người dân trong làng luôn mang trong mình niềm tự hào của nghề điêu khắc. Ở khoảng thế kỷ XVIII, XIX tay nghề của những người thợ đã vang xa, làng có nhiều nghệ nhân giỏi được cử vào kinh thành Huế phục vụ việc xây dựng cung đình, lăng tẩm… Một số nghệ nhân được triều đình Huế tấn phong chức “Cửu phẩm”. Ở làng, có nhiều “bàn tay vàng” nức tiếng như cụ Hoàng Văn Thiều, Trần Văn Bình… thế hệ kế tiếp có Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Phú, riêng lớp người trẻ nối nghề thì có anh Hoàng Văn Kế… Chính bởi đặc thù nghề điêu khắc theo trường phái cung đình nên người thợ ở Nhân Hiền chú trọng tới các chi tiết tinh xảo, hướng vào thần thái chứ không chỉ tạc tượng đơn thuần như các làng nghề khác. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu phát triển, người thợ Nhân Hiền còn linh hoạt chuyển từ điêu khắc mộc truyền thống sang đá và các chất liệu khác.

Theo tìm hiểu, hiện nay ở Nhân Hiền số lao động làm nghề vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 80% số hộ dân của làng. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là chạm khắc các bức tượng dân gian, tượng phật… với nguồn nguyên liệu chính là gỗ mít. Ngoài ra, những người thợ ở đây cũng sản xuất những mặt hàng phổ thông khác như bức phù điêu loại nhỏ, tượng các loại. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Trúc, về cơ bản nghề điêu khắc ở làng đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động mỗi năm. Chia sẻ thêm về thị trường sản phẩm tượng gỗ của Nhân Hiền, ông Nguyễn Văn Trúc cho biết, các sản phẩm của làng nghề do có thương hiệu từ lâu nên thị trường tiêu thụ cũng rộng khắp. Ngoài thị trường trong nước, các sản phẩm còn được đón nhận ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Anh…

Gìn giữ để phát triển

Mặc dù có nền tảng làng nghề độc đáo nhưng để giữ nghề là việc không hề dễ. Anh Hoàng Văn Kế (sinh năm 1980) – một trong những người trẻ, lập nghiệp từ nghề truyền thống cho biết, làng nghề bên cạnh đối mặt với những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp thì vấn đề nan giải là thu hút những người trẻ nối nghề.

Hiện cơ sở sản xuất của anh Hoàng Văn Kế thường trực có khoảng 10 lao động. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, việc thu hút những người trẻ tìm đến học nghề tương đối khó khăn. Theo anh Kế, dù là truyền nghề miễn phí song với mức thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, rất khó “níu chân” những người trẻ, đặc biệt là những người sinh năm 1990 trở về sau.

Tinh hoa làng nghề điêu khắc gỗ
Làng nghề điêu khắc Nhân Hiền nức tiếng bởi những tác phẩm độc đáo được tạo nên từ đôi tay tài hoa. Ảnh: Giang Nam

Ngoài ra, nhu cầu của thị trường cao, yêu cầu sản phẩm tinh xảo thì giá thành cũng phải rẻ. Bởi vậy, hiện các sản phẩm sản xuất bằng máy xuất hiện ngày càng nhiều nhưng lại được khách hàng ưa chuộng do giá thành thấp. Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, các sản phẩm ra đời phải nhanh và số lượng lớn, do đó, máy móc sẽ được áp dụng vào thay thế con người ở một số công đoạn nhằm đẩy nhanh tiến độ. Vì vậy, những sản phẩm tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao được chế tác thủ công bởi các nghệ nhân không tránh khỏi bị cạnh tranh.

Chia sẻ về những định hướng phát triển làng nghề, bà Nguyễn Thị Thi – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hiền Giang cho biết, làng nghề Nhân Hiền có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế địa phương. Để gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống, xã hiện đang đề nghị với huyện xây dựng và quy hoạch 1 khu chuyên trưng bày, triển lãm các sản phẩm tinh túy của làng nghề. Bên cạnh đó, xã Hiền Giang cũng khuyến khích người làm nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để các hộ làm nghề tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho người dân làng nghề; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống cháy nổ… Về lâu dài, địa phương cũng xác định việc di dời các hộ làm nghề ra xa khu dân cư là rất cần thiết. Bởi vậy, chính quyền xã, người làng nghề cũng mong muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn để nghề điêu khắc ở Hiền Giang có điều kiện phát triển hơn nữa.

Trở lại với những nét tinh hoa của làng nghề điêu khắc gỗ Nhân Hiền, một điểm đáng quý của những người thợ Nhân Hiền đến nay vẫn giữ được gìn giữ đó là chữ “Tín” trong nghề. Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ thôn Nhân Hiền cho biết, quan điểm kinh doanh của người thợ Nhân Hiền là khi đã nhận đặt hàng của khách sẽ hợp đồng chính xác đúng ngày, đúng giờ giao hàng, không bao giờ để lỡ thời gian hợp đồng giao hàng với khách. Hàng luôn đảm bảo chất lượng khi xuất xưởng là quy định bất thành văn của những người làm nghề. “Ở đây người những người thợ làm nghề đều đặt chữ tín lên hàng đầu và truyền thống này từ lâu đã ngấm vào tính cách chung của cả làng nghề như một nét văn hóa đặc trưng” – ông Nguyễn Văn Trúc chia sẻ./.

Đinh Luyện