Tình người trong chống dịch

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh, việc mua khẩu trang của người dân gặp nhiều khó khăn, không ít trường hợp phải mua khẩu trang với giá cao gấp nhiều lần. Trước tình hình đó, gần một tháng trở lại đây, gia đình chị Lê Thị Thắm (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã quyết định bỏ ra một số tiền khá lớn để may khẩu trang cấp phát miễn phí cho người dân.

Bỏ tiền túi sản xuất khẩu trang phát miễn phí

Sáng 8/3, tại khu vực chợ thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, người dân vô cùng vui mừng khi được nhận những chiếc khẩu trang miễn phí để phòng chống dịch Covid-19. Trên tay cầm một gói khẩu trang được đóng gói cẩn thận, bà Nguyễn Thị Thắng, xã Hải Bối tỏ ra vô cùng vui mừng, phấn khởi: “Từ khi có dịch cho đến nay, gia đình tôi gặp khó khăn trong việc mua khẩu trang để sử dụng. Khi nhận được những chiếc khẩu trang, tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Giá trị từ chiếc khẩu trang tuy không lớn nhưng với việc làm này lại rất có ý nghĩa. Người dân chúng tôi đã bớt lo lắng đi tìm mua khẩu trang giá đắt nữa, có thể yên tâm sử dụng, đảm bảo sức khỏe cho bản thân”.

Chị Thắm thường xuyên tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho người dân quanh vùng (Ảnh: K.T)

Được biết, đây chỉ là một trong rất nhiều buổi phát khẩu trang miễn phí của gia đình chị Lê Thị Thắm, sinh năm 1985 (xã Hải Bối). Chị Thắm vốn là chủ một xưởng chuyên sản xuất áo mưa trên địa bàn, trong những năm qua, người phụ nữ ấy đã xây dựng cho mình một sự nghiệp kinh doanh vững chắc, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục con người. Khoảng 1 tháng trở lại đây, trước tình hình bệnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, bản thân chị cùng nhiều người dân địa phương tìm mua khẩu trang để phòng chống dịch bệnh vô cùng khó khăn. Từ đó, chị trăn trở rồi đã đưa ra một quyết định “bất ngờ” tạm dừng toàn bộ công việc sản xuất áo mưa chuyển toàn bộ nhân lực sang làm khẩu trang phát miễn phí.

Hiện nay, trước cửa xưởng của chị Thắm luôn đặt một thùng đựng khẩu trang người dân bất kể ai đi qua đều có thể lấy một vài chiếc để sử dụng. Đến nay, gia đình chị đã làm tổng cộng hơn 40.000 chiếc khẩu trang để cấp phát cho người dân. Chị Thắm cho biết, tổng số tiền mà gia đình đã bỏ ra để đầu tư cho việc may khẩu trang cấp phát miễn phí vào khoảng 200 triệu đồng, bao gồm cả chi phí nguyên vật liệu, nhân công…

Đầu tiên, để bắt tay vào việc, chị Thắm đã tìm cách liên hệ đơn vị cung ứng để mua loại vải chuyên sử dụng để sản xuất khẩu trang y tế, nhưng là loại dày hơn. Cùng với đó, hàng chục công nhân từ xưởng sản xuất áo mưa đã được gia đình chị điều động sang may khẩu trang. Những tưởng chiếc khẩu trang nhỏ bé hình dáng đơn giản sẽ được làm ra một cách nhanh chóng. Nhưng khi bắt tay vào sản xuất, chị đã gặp thất bại ngay từ khi xuất xưởng lô khẩu trang đầu tiên với hình ảnh không bắt mắt, xô lệch, rúm ró nên đã phải bỏ đi khá nhiều, vì vốn dĩ công nhân của xưởng chỉ chuyên may đồ đi mưa thời trang, chưa quen với những đường may gấp ly nhỏ của chiếc khẩu trang.

Không nản lòng, ngay những ngày tiếp theo, người phụ nữ ấy đã tiếp tục động viên và trực tiếp làm việc với công nhân, cùng mày mò nghiên cứu để tìm ra phương cách sản xuất khẩu trang nhanh và bắt mắt hơn. Khi mới bắt tay vào sản xuất, từ chỗ 20 công nhân chỉ làm được 1.500 cái/ngày, sau đó quen dần, sản lượng khẩu trang làm ra đã lên gấp đôi. “Ban đầu mục tiêu của hai vợ chồng chỉ là may 10.000 chiếc khẩu trang để cấp phát miễn phí cho trẻ em trên địa bàn xã Hải Bối, trong đó có Trường tiểu học xã Hải Bối – nơi con tôi đang theo học. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân cao, sẵn có máy may, hai vợ chồng chị đã quyết định sản xuất thêm khẩu trang để cấp phát cho đông đảo người dân có nhu cầu”, chị Thắm chia sẻ.

Lan tỏa tấm lòng vì cộng đồng

Do tự may trên cơ sở máy móc, trang thiết bị sẵn có nên những chiếc khẩu trang không được bắt mắt như khẩu trang y tế bán ngoài thị trường. Tuy nhiên, khẩu trang được may đủ 4 lớp và khử trùng bằng dung dịch sát khuẩn nano bạc, hoàn toàn có thể bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Vợ chồng chị Thắm mong muốn có thể giúp được nhiều người trong thời gian dịch Covid-19 kéo dài

Để tạo thêm niềm tin và yên tâm cho người dân sử dụng khẩu trang được cơ sở làm ra, vợ chồng chị Thắm đã mang sản phẩm của mình đến Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 1 thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng để kiểm nghiệm. Phiếu kết quả thử nghiệm số 20/247/TN8/02 phát hành ngày 20/2 cho thấy, tất các mẫu xét nghiệm đều trong ngưỡng an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng.
Trong quá trình thực hiện những điều tử tế, vợ chồng chị Thắm đã gặp không ít điều phiền lòng, nhiều người cho rằng làm khẩu trang phát miễn phí như vậy là để đánh bóng tên tuổi, có người lại hoài nghi khẩu trang miễn phí sẽ không đạt chất lượng, tiêu chuẩn. Thế nhưng, vượt qua tất cả, vợ chồng chị Thắm tin rằng chỉ cần mình thật sự mong muốn đóng góp với xã hội trong lúc dịch bệnh thì khó khăn, thử thách cũng không là gì.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh cho biết: Nhận thấy việc làm của chị Thắm có ý nghĩa thiết thực vì cộng đồng, không chỉ có chị em công nhân trong xưởng của chị đều vui vẻ, tình nguyện tăng ca sản xuất thêm khẩu trang, mà chị em cán bộ hội viên phụ nữ thôn, xã Hải Bối còn tích cực chung tay giúp xưởng của chị hoàn thiện công đoạn đóng gói để kịp tiến độ phát khẩu trang miễn phí cho mọi người dân. Trước đó, xưởng sản xuất của chị còn may áo bảo hộ lao động phát miễn phí cho các chị em phụ nữ khi tham gia tổng vệ sinh môi trường, phun dung dịch khử khuẩn để phòng dịch bệnh trên địa bàn.

Không chỉ gia đình chị Thắm, trên địa bàn Hà Nội, thời gian vừa qua, sự tử tế còn lan tỏa trong những hoạt động thường ngày. Có thể thấy, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân Thủ đô đã và đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh và có những hình ảnh đẹp đẽ, giàu tính nhân văn. Nhiều trường đại học, trung học chuyên nghiệp đã tập trung nghiên cứu pha chế dung dịch rửa tay diệt khuẩn để cung cấp đầy đủ nhất đến người dân. Nhiều doanh nghiệp may mặc đã tạm gác kế hoạch sản xuất, chuyển sang may khẩu trang, bán giá rẻ hoặc phát miễn phí cho người dân.

Tất cả nói lên sự liên đới đầy trách nhiệm mà từng cá nhân cần phải có để góp phần mình cho sự sống còn của cộng đồng. Tin rằng, họ không hành động để được tuyên dương, họ làm việc tử tế không phải do phân công, chỉ đạo mà theo tiếng gọi của đạo đức, lương tâm và trên hết là ý thức công dân, ý thức cộng đồng, ý thức mình vì mọi người. Những con người tử tế, bằng các việc làm của mình, họ đã nêu tấm gương cứu người, giúp đời không hề vụ lợi, đáng để suy ngẫm và học theo.

Kim Tiến/LĐTĐ