Tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức năm 2024 đảm bảo dân chủ, thiết thực

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ sở tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC), người lao động của cơ quan, đơn vị, đảm bảo dân chủ, thiết thực, đúng trình tự, nội dung, hình thức, thành phần quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.

Trên đây là nội dung được nêu tại Hướng dẫn liên tịch số 01/HD-UBND- LĐLĐ giữa Ủy ban nhân dân (UBND) và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, ban hành ngày 3/11/2023, hướng dẫn việc tổ chức Hội nghị CB,CC,VC và Hội nghị người lao động (NLĐ) năm 2023.

Theo đó, đối với việc tổ chức Hội nghị CB,CC,VC; UBND Thành phố và LĐLĐ thành phố Hà Nội nêu rõ, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan xã, phường, thị trấn, cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức đoàn thể và tổ chức chính trị – xã hội (gọi chung là cơ quan, đơn vị) chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ sở tổ chức Hội nghị CB,CC,VC,NLĐ của cơ quan, đơn vị. Việc tổ chức Hội nghị phải đảm bảo dân chủ, thiết thực, đúng trình tự, nội dung, hình thức, thành phần quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.

Thời gian tổ chức phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/01/2024; riêng các đơn vị sự nghiệp là cơ sở giáo dục đào tạo thì tổ chức hội nghị khi kết thúc năm học 2023-2024, hoàn thành trước ngày 15/10/2024.

Về hình thức tổ chức, UBND và LĐLĐ Thành phố hướng dẫn, Hội nghị được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần sau khi kết thúc năm công tác. Căn cứ tình hình thực tế, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thống nhất với Ban Chấp hành công đoàn về thành phần dự Hội nghị bao gồm toàn thể hoặc đại biểu theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức năm 2024 đảm bảo dân chủ, thiết thực
Ảnh minh họa

Nội dung Hội nghị được thực hiện theo khoản 3 Điều 51 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm: Kiểm điểm việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Hội nghị năm trước và những quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở; đánh giá, tổng kết và kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch công tác năm; tổng kết công tác thi đua và khen thưởng, bàn thống nhất nội dung thi đua, giao ước thi đua năm tiếp theo; Thảo luận và quyết định các nội dung theo Điều 49 Luật Thực hiện dân chủ cơ sở; thực hiện nội dung công khai và lấy ý kiến của CBCC,VC,NLĐ theo quy định; thực hiện nội dung khác theo quyết định của Hội nghị.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, cần bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị gắn với việc thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ “Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”; Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT về việc Ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục Quốc dân. Chương trình Hội nghị thực hiện theo quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 51 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ngoài hướng dẫn tổ chức Hội nghị, LĐLĐ Thành phố cũng yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần phối hợp Công đoàn cơ sở phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết; định kỳ 6 tháng một lần, tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị và thông báo kết quả kiểm tra, đánh giá đến toàn thể CB,CC,VC, NLĐ.

Phạm Diệp