Màn trống khai hội hào hùng |
Ông Nguyễn Duy Trí, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Bình Minh bày tỏ: “Vinh dự cho quê hương Bình Minh nói riêng và cả nước nói chung, hàng nghìn năm nay vẫn bảo tồn được di tích lịch sử “Quốc Tổ Lạc Long Quân”. Năm 1985, đền Nội tiếp tục được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2014, lễ hội Bình Đà được công nhận là lễ hội phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2015, Bức giá tượng Lạc Long Quân được công nhận là Bảo vật quốc gia”.
Theo ông Nguyễn Duy Trí, đền Nội Bình Đà là một trong những ngôi đền cổ nhất Việt Nam. Ngôi đền đầu tiên tại Việt Nam thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân hiện còn lưu giữ rất nhiều cổ vật quý.
Các đại biểu tham dự buổi lễ |
Đặc biệt là bảo vật quốc gia bức phù điêu trên 1.000 năm tuổi độc nhất vô nhị tạc hình Quốc Tổ Lạc Long Quân và 2 bức phù điêu bán quy sơn, bán quy hải mô phỏng truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân sinh ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển.
Sử sách cũng ghi rõ, suốt sáu thế kỷ, 16 vị vua của các triều đại đích thân về Bình Đà dâng lễ Quốc Tổ và đã có 16 Hiến sắc, suy tôn Lạc Long Quân là “Khai Quốc Thần”. Các Hiến sắc này đều được lưu giữ tại đình Nội – Bình Đà và Viện Bảo tàng lịch sử quốc gia.
Màn tái diễn về truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân đặc sắc. |
Từ xưa đến nay, vào dịp lễ hội đều có đoàn Thủ từ của đền Hùng – Phú Thọ về dâng hương Quốc Tổ và xin rước chân nhang ở hương án Đệ Nhất của đền Nội về thờ, với ý nghĩa cung kính đón Quốc tổ về dự hội đền Hùng vào ngày 10/3 âm lịch.
Lễ hội Bình Đà là lễ hội cổ truyền từ xa xưa. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt Nam nhằm ôn lại ký ức của buổi đầu khai sơn, lập địa giữa Lạc Long Quân cùng với Âu Cơ nên duyên chồng vợ.
Rước lễ trang trọng |
“Do vậy, hàng năm cứ từ ngày mồng 1 đến ngày 6/3 (âm lịch) Nhân dân địa phương lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công lao của Quốc Tổ Lạc Long Quân đã khởi dựng cơ đồ và đặt móng cho dân tộc Việt Nam. Ngày hội là dịp để mọi người dân trong cả nước tưởng nhớ đến Quốc Tổ Lạc Long Quân”, ông Nguyễn Duy Trí chia sẻ.
Khẳng định lễ hội Bình Đà là một trong những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu nhằm tưởng nhớ bậc tiền nhân đã có công lao với đất nước, ông Bùi Văn Sáng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, lễ hội Bình Đà năm nay được tổ chức bài bản, trang trọng, an toàn và tiết kiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Liên hoan múa Rồng huyện Thanh Oai lần thứ nhất năm 2023 quy mô hoành tráng |
Phần lễ trang trọng theo đúng nghi thức truyền thống, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Đặc biệt là màn trống khai hội hào hùng, màn tái diễn về truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân đặc sắc. “Lễ hội Bình Đà là dịp để Thanh Oai quảng bá hình ảnh đến bạn bè trong và ngoài nước; tạo động lực phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện”, ông Bùi Văn Sáng chia sẻ.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cũng cho biết, phần hội cũng được tổ chức bài bản, sắp xếp hợp lý, thu hút sự tham gia đông đảo nhân dân trên địa bàn, du khách thập phương. Đặc biệt, phần hội năm nay bao gồm: Liên hoan múa Rồng huyện Thanh Oai lần thứ nhất, bắn pháo hoa, hát quan họ thủy đình, liên hoan văn nghệ, các giải bóng đá bóng chuyền hơi, hội thi làm bánh trôi, bánh chay; trưng bày sinh vật cảnh…