Tỏa sáng văn hóa Thăng Long – Hà Nội

Thăng Long – Hà Nội, một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi mà đâu cũng khắc ghi những dấu ấn của ngàn năm văn hiến, luôn biết tiếp nhận có chọn lọc tất cả những gì tinh tuý nhất của mọi vùng, miền. Cho đến nay, dù trải qua bao thăng trầm lịch sử, tinh thần tự hào và ý thức bảo vệ các giá trị truyền thống của Hà Nội vẫn là nguồn nhựa sống trong tâm hồn các thế hệ công dân Thủ đô.

Năm 1010, nơi đây được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô và đặt tên là Thăng Long với lòng mong muốn kinh thành ngày càng phồn thịnh như Rồng bay lên. Năm 1831, vua Minh Mạng triều Nguyễn đặt lại tên cho Thăng Long là Hà Nội có nghĩa là: Thành phố nằm trong vòng bao quanh của một con sông giữa đồng bằng Bắc Bộ trù phú. Nơi đây còn ghi biết bao dấu tích văn hiến của mảnh đất từng là kinh đô trong suốt thời kỳ phong kiến và ngày nay là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tỏa sáng văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Tôn vinh tà áo dài truyền thống, đại sứ du lịch của Thủ đô và đất nước.

Hôm nay, Hà Nội – Thành phố “Rồng bay”, “nơi lắng hồn núi sông”, “nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa” những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 các di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản Tư liệu thế giới và 1.350 làng nghề, làng có nghề; có số lượng nghệ nhân được phong tặng nhiều nhất cả nước; đặc biệt, Hà Nội đang là một trong những thành phố có cơ cấu dân số vàng (với 51,7% dân số trẻ),…

Ở đó, có khu phố cổ, nơi lưu giữ dấu ấn của một “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”. Những tên gọi Hàng Ngang, Hàng Đào… không giản đơn chỉ là tên phố mà ẩn sau mỗi tên gọi là một nghề thủ công đặc sắc, một hoài niệm của lịch sử. Không chỉ là một trung tâm kinh tế, khu phố cổ Hà Nội còn là một trung tâm du lịch, văn hoá đa dạng. Hầu như tất cả du khách nước ngoài đến Hà Nội đều thích khám phá phố cổ và thưởng thức ẩm thực truyền thống đặc trưng nơi đây.

Những món ăn đặc sản như phở Hà Nội, nem rán, bún chả, chả cá Lã Vọng, cốm Vòng, bánh cuốn Thanh Trì… tạo nên một phong vị, một thương hiệu riêng của ẩm thực Hà Nội góp phần làm cho Thủ đô là một thành phố ấn tượng khó quên đối với những ai đã từng một lần đặt chân tới nơi đây. Ngoài khu vực phố cổ, du khách có thể đến các điểm xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, các điểm du lịch xung quanh hồ Tây như quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ…

Tinh hoa văn hoá của đất kinh kỳ còn là những di sản văn hoá phi vật thể có trữ lượng khá lớn, phản ánh một cách phong phú, đa dạng và chân thực truyền thống sinh hoạt văn hoá của người Hà Nội. Văn hoá phi vật thể Hà Nội là tổng hoà các yếu tố giao lưu, hội nhập, dung hoà, tiếp biến, cởi mở, linh hoạt, để tạo nên bản sắc Thăng Long – Hà Nội, một vùng đất “hội thuỷ, hội nhân và hội tụ văn hoá vô cùng phong phú và đa dạng”.

Đó là hệ thống các lễ hội dân gian cổ truyền của người Hà Nội. Lễ hội cổ truyền Hà Nội mang đậm màu sắc lịch sử, bởi Hà Nội là trung tâm, là nơi tập trung các nhân vật lịch sử và những sự kiện lịch sử, những dấu ấn lịch sử của môi trường văn hoá đô thành. Thông qua lễ hội và trong lễ hội, mọi hành động đều chứa đựng ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt. Nó là thời điểm gắn bó các thành viên của cộng đồng lại với nhau. Nó là thời điểm mà đời sống văn hoá của mọi người được tổ chức chặt chẽ và có quy mô, do đó được nâng lên một trình độ cao hơn so với những ngày thường, và đó còn là thời điểm hội tụ các khả năng sáng tạo các thể loại văn nghệ, đưa lại niềm phấn khởi hào hứng cho mọi người.

Ví như, đến với Hội Gióng, chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của làng quê đồng bằng Bắc Bộ, được cảm nhận tình người thật nồng ấm và chân thành của bà con nơi đây. Hơn nữa, du khách sẽ được sống lại không khí của một thời cổ tích xa xưa với câu chuyện huyền thoại Thánh Gióng đánh giặc Ân, được đắm mình vào không gian huyền ảo giữa thực tại và hư vô, để cảm nhận được sự quý giá của những nét văn hoá mà cha ông ta để lại, để khi ra về tiếng trống hội vẫn thì thùng trong tâm khảm. Sau Tết Nguyên đán, du khách có thể tham gia tour du lịch văn hoá lễ hội chùa Hương. Hội chùa Hương kéo dài trong hai tháng, đến giữa tháng Ba âm lịch mới chấm dứt. Tour du lịch này luôn là một trong những tour hấp dẫn và thu hút đông đảo lượng du khách.

Đó còn là những tục lệ, hương ước của những làng cổ ở chốn kinh kỳ xưa. Hà Nội tuy là Kinh đô, là đô thị lớn nhất của cả nước nhưng vẫn là “Kẻ Chợ”, ở đó có các thôn làng phố phường đan xen và cùng nhau tồn tại qua thời kỳ lịch sử. Gắn với mỗi làng xã là những tục lệ, hương ước riêng rất tiêu biểu và đặc trưng cho mỗi nơi. Từ đây tinh hoa của dân tộc được kết tinh, hội tụ và lan tỏa trở thành biểu tượng của một nền văn hiến Việt Nam – một bản sắc riêng đầy quyến rũ.

Trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng ta đã xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”. Trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử Thủ đô ngàn năm văn hiến, những nét đẹp trong văn hóa giao tiếp của người Hà Nội xưa vẫn luôn được các thế hệ hôm nay tiếp tục gìn giữ, phát huy.

Trong dòng chảy của thời đại công nghệ và giao thoa văn hóa, để bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống trong giao tiếp ứng xử, người Hà Nội rất cần “gạn đục, khơi trong”, chắt lọc tinh hoa của bốn phương tụ hội để tạo nên nét thanh lịch riêng có của mình, xứng đáng với mảnh đất địa linh, trái tim của cả nước.
Phương Bùi
https://laodongthudo.vn/toa-sang-van-hoa-thang-long-ha-noi-151233.html