Hãy cùng theo chân Người Hà Nội tìm về những ngôi làng cổ tại Hà Nội trong bài viết này nhé!
1. Làng cổ Cự Đà – Nét đẹp cổ kính đầy độc đáo của Hà Thành
Cự Đà là một ngôi làng cổ thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội.
Nằm cách thành phố Hà Nội 20km, làng Cự Đà là một làng cổ ở Hà Nội được nhiều người biết đến với lối kiến trúc cổ kính, kết hợp giữa phong cách nhà truyền thống của làng quê Bắc Bộ với kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian cùng biến cố của lịch sử, làng cổ Cự Đà dường như vẫn giữ được nét vẹn nguyên thuở ban đầu.
Làng Cự Đà được quy hoạch theo cấu trúc hình xương cá. Từ đường chính toả ra hàng chục con ngõ nhỏ dẫn vào các xóm. Những ngôi nhà điển hình của kiến trúc làng quê Việt Nam được xây bằng gỗ, ngói mũi hài, cửa, rường, cột có hoa văn chạm khắc tinh xảo.
Không chỉ nổi tiếng với không gian văn hóa độc đáo, làng cổ Cự Đà còn được biết đến bởi nghề truyền thống làm miến và làm tương.
Miến Cự Đà làm bằng bột dong riềng, được tráng thành từng bánh hấp chín rồi đem phơi. Miến Cự Đà có đặc điểm rất dễ nhận là thường có màu vàng óng, đều tăm tắp ngon nức tiếng bởi độ ngon, dai và mùi thơm đặc trưng khó nơi nào có được.
Không chỉ có miến, nghề làm tương gia truyền ở Cự Đà đã có từ bao đời nay, một thứ tương có mùi hương đặc trưng và hấp dẫn. Tương Cự Đà được làm từ bốn nguyên liệu chính là đậu tương, gạo nếp, nước mưa và muối trắng. Có lẽ người dân Thủ đô cũng như cả nước đều biết đến độ nổi tiếng thơm ngon của tương Cự Đà qua câu ca dao “Tương Cự Đà – cà làng Đám”.
Những năm gần đây, làng cổ Cự Đà trở thành điểm đến yêu thích của nhiều khách du lịch Hà Nội muốn khám phá, tìm hiểu về văn hoá, những làng nghề truyền thống của Việt Nam, hay có niềm đam mê với các phong cách kiến trúc Pháp cổ, hoặc đơn giản chỉ muốn tìm đến một chốn bình yên thư thái tâm hồn.
2. Làng Cựu – Ngôi làng 500 tuổi tại Hà Nội
Làng Cựu là một trong những ngôi làng cổ kính nhất Hà Nội với lịch sử hơn 500 tuổi, thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Nằm bên bờ sông Nhuệ yên bình, chứng kiến biết bao đổi thay của thời cuộc nhưng làng Cựu vẫn còn đó những giá trị hoài cổ, trầm mặc của những năm tháng thế kỉ XX.
Làng Cựu nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía Nam, rất thích hợp cho một chuyến du lịch trong ngày. Nơi đây nổi bật với kiến trúc giao thoa Á – Âu với những ngôi nhà được xây dựng theo phong cách châu Âu nhưng vẫn giữ được nét truyền thống kiến trúc Việt Nam. Chính sự pha trộn “nửa Tây nửa Ta” này đã đem đến cho làng Cựu sự độc đáo so với những ngôi làng cổ khác ở Hà Nội.
Nhiều gia đình của làng Cựu nổi tiếng về nghề may và buôn vải. Trong đó, anh em ông Phúc Mỹ, Phúc Hưng là những thợ may kiêm buôn vải nức tiếng giai đoạn 1920-1945.
Ấn tượng nhất là cổng làng Cựu xây kiểu tam quan nhà chùa, vít 2 cửa cạnh tạo một cửa giữa, mái vòm rộng rãi, phía trên là đôi kỳ lân cùng hai con chó giữ cổng, mặt trong cổng có nậm rượu, nụ hoa điểm xuyết hàng chữ Nho mực đen trên nền vàng.
Đến đây, bạn như được đắm mình trong một không gian yên bình, tĩnh mịch với sân vườn, hàng cau, những bức tường đã bong tróc lộ cả những lớp gạch đỏ lồi lõm. Tất cả như đưa bạn ngược dòng thời gian trở về những năm tháng xa xưa khi nền kinh tế thị trường chưa tác động đến ngôi làng.
3. Làng cổ Yên Trường – Nơi lưu giữ nét văn hoá Bắc Bộ
Làng cổ Yên Trường cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, trực thuộc xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ được khá nhiều các ngôi nhà cổ, bức tường hoặc cổng cổ. Cùng với đó là những hình ảnh quen thuộc đặc trưng, đó là cây đa, bến nước, sân đình…
Đến với làng cổ Yên Trường, bạn sẽ bắt gặp được nhiều bức tường đá ong độc đáo có tuổi đời hàng trăm năm. Tuy nhiên, điểm khác biệt nhất của ngôi làng này so với những ngôi làng cổ khác, đó là nơi đây vẫn còn một số giếng nước cổ xây bằng đá ong, hình thù độc đáo mà không nơi nào có được.
Làng Yên Trường với 9 chiếc giếng cổ độc đáo, không chiếc nào giống chiếc nào. Mỗi chiếc giếng là một câu chuyện đời lẫn chuyện tâm linh. Cho nên, những chiếc giếng ấy không chỉ là di sản, mà là chốn tâm linh với ban thờ kính cẩn dâng hương thần giếng mỗi dịp lấy nước đồ xôi.
Bên cạnh tường đá ong là những cánh cổng cổ kính, thiết kế mái vòm đặc trưng văn hóa Việt. Trên mái vòm thường là biểu tượng bức cuốn thư ghi vài câu chữ Hán Nôm như “Ngũ phúc lâm môn” để mong sự ấm no, hạnh phúc cho gia đình hoặc đơn giản chỉ là hình bông hoa, cây lúa. Tất cả các cánh cổng cổ ở Yên Trường có điểm chung là thấp, phù hợp với chiều cao của người Việt xưa kia. Nhiều cổng có niên đại đến hàng trăm năm.
Đến với Yên Trường, bất kể thời gian nào trong năm thì vẻ đẹp làng cổ vẫn hiển hiện rõ rệt.
4. Làng cổ Đường Lâm – “Cổ trấn yên bình” của Thủ đô
Cách Hà Nội khoảng 50km, làng Cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, Hà Nội là một địa điểm du lịch nổi tiếng với nét văn hóa làng quê hoài niệm và đầy cổ kính. Đây cũng là ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2006.
Tuy thường được gọi là làng cổ nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.
Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”. Ngày nay, làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng của một ngôi làng ở Bắc Bộ với những hình ảnh cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,…
Đường Lâm dành cho những du khách ưa trải nghiệm, muốn hòa mình vào trong một không gian cổ kính đậm nét xưa cũ, để từ đó có thể cảm nhận được văn hóa cha ông theo chiều dài lịch sử. Mỗi ngôi làng, di tích hay đền đài đều mang dấu ấn riêng gắn liền với nhân vật nổi tiếng hoặc những câu chuyện lịch sử đáng ghi nhớ. Phải đến để cảm nhận, nhìn ngắm và nghe những lời kể từ những lão làng hướng dẫn mới có thể trải nghiệm trọn vẹn nơi đây.
Đến Đường Lâm, bạn sẽ được tham quan một số địa điểm như: tham quan các nhà cổ, cổng làng Mông Phụ, đình làng Mông Phụ, giếng cổ Đường Lâm, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, đền thờ Phùng Hưng, đền thờ và lăng Ngô Quyền, chùa Mía,…
Những đặc sản tại đây không phải là những món cao lương mĩ vị, chỉ đơn giản là những món ăn dân quê bình dị, mà khiến cho bất kì du khách nào cũng cảm thấy thân quen. Đó là: gà Mía, tương, bánh tẻ, chè Lam, kẹo dồi, kẹo lạc hay kẹo mè…
5. Làng cổ Đông Ngạc – Ngôi làng cổ tuyệt đẹp trong lòng Hà Nội
Làng Đông Ngạc là ngôi làng cổ nổi tiếng với hơn 400 năm tuổi đời, tọa lạc tại phường Đông Ngạc, quận Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Làng sở hữu nhiều công trình kiến trúc độc đáo, là điểm đến hấp dẫn của du lịch Hà Nội.
Làng Đông Ngạc là ngôi làng được biết đến với cái tên làng khoa bảng (làng tiến sĩ). Xuyên suốt chiều dài lịch sử, làng Đông Ngạc có rất nhiều những người trí thức học rộng tài cao, trong đó có tổng cộng 22 vị tiến sĩ.
Người dân làng Đông Ngạc còn được biết đến bởi tinh thần yêu nước đáng quý trong những tháng năm kháng chiến. Dành thời gian để khám phá quanh làng, ta sẽ bắt gặp một “địa chỉ đỏ” nằm ẩn mình trong một con ngõ nhỏ. Nơi đây chính là cơ sở Cách Mạng của xứ uỷ Bắc Kỳ trong thời kỳ 1939 – 1945 với mục đích cất giấu tài liệu, hội họp, liên lạc của các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lê Quang Đạo,…
Nơi đây còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo, có tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Những công trình phủ đầy rêu phong, mang nét đặc trưng của trường phái kiến trúc Á – Âu khiến không gian nơi làng cổ thơ mộng như lắng đọng, chậm lại trước sự chảy trôi của thời gian.
Ngoài kiến trúc cổ kính, làng cổ truyền Đông Ngạc còn nối tiếng với nghề truyền thống: giò Chèm, nem Vẽ, làm quang gánh và nặn nồi đất. Dạo quanh ngôi làng cổ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những nét kiến trúc cổ kính, suy tư về những câu chuyện lịch sử, biết ơn và tự hào về những con người trong quá khứ.
6. Làng cổ Ước Lễ
Làng Ước Lễ không chỉ là cái nôi của nghề làm giò chả truyền thống nổi tiếng Hà thành mà còn ẩn chứa nhiều công trình kiến trúc cổ kính, rêu phong, đậm chất hồn quê Việt Nam. Dù đã nhuốm màu thời gian nhưng nơi đây lại khiến nhiều du khách phải trầm trồ, xuýt xoa trước những dấu ấn lịch sử đặc biệt.
Ước Lễ, tên nôm là làng Chảy (thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai), nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 30km về phía Tây Nam.
Ngôi làng cổ này gây ấn tượng đặc biệt ngay từ cổng làng – một công trình kiến trúc bề thế, có hình dáng như cổng thành với những nét đặc trưng mang phong cách nghệ thuật thời Mạc (thế kỷ XVI). Cổng làng nằm sau cây cầu uốn cong bắc qua một con hào nhỏ.
Trải qua nhiều thế kỷ, Ước Lễ vẫn bảo tồn nguyên vẹn hệ thống di tích với mật độ dày đặc, gồm 6 đình, chùa, nhà thờ, 6 giếng cổ cùng chợ làng, cây đa cổ thụ và những nếp nhà cổ mang nét đặc trưng của xứ Đoài.
Gắn với các di tích là những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Đó là tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng – Tể tướng Lữ Gia, vị anh hùng trong cuộc chiến tranh chống quân Nam Hán xâm lược.
Ngày nay, dân làng thường tổ chức Lễ hội đình Ước Lễ để tưởng nhớ ngài vào ngày 12 tháng Tám (âm lịch) hằng năm. Ngoài ra, ở Ước Lễ còn có một phong tục khác vô cùng độc đáo, đó là tục ăn “Tết bù” vào ngày rằm tháng Giêng.
Vẻ đẹp cổ kính, yên bình của làng quê Việt Nam luôn là một phần ký ức đẹp, không thể thiếu của mỗi người con Việt. Nếu bạn không có nhiều thời gian, ngại đi xa nhưng vẫn muốn tìm một địa điểm tham quan thú vị thì hãy lên kế hoạch cho những trải nghiệm lý thú tại các ngôi làng cổ của Hà Nội, để cùng tìm về, khám phá cũng như gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống./.
Kim Ngân (T/h)
Trải nghiệm du lịch tại 6 ngôi làng cổ của Hà Nội (nguoihanoi.com.vn)