Trang sức của người Hà Nội hơn 100 năm trước

Tới Việt Nam năm 1884, bác sĩ Hocquard ghi chép và chụp hình cách ăn mặc lối sống người Hà Nội. Ông miêu tả từ quần áo, hoa tai, nón, quốc… của thị dân thời bấy giờ.

Kia là hai thị dân, một nam, một nữ, y phục gần như nhau. Lúc mới tới, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là khó phân biệt đàn ông với đàn bà. Nón đội như nhau, quần áo cũng gần như thế.

Đàn bà cũng đội khăn như đàn ông, áo dài, quần rộng lùng thùng, thắt lưng tươi màu, hai đầu buông tới gối. Khuôn mặt họ cũng giống nhau vì đàn ông không có râu và cũng búi tóc như đàn bà. Tuy nhiên cũng có vài khác biệt.

Phái yếu đeo hoa tai và nhẫn. Hoa tai của phụ nữ thường dân giống cúc áo sơ mi hai mặt bằng thủy tinh màu. Chỉ vợ và con gái các quan mới được đeo trang sức bằng kim loại quý.

Phụ nữ Bắc Kỳ trong trang phục tỉnh thành. Ảnh: Charles Hocquard.

Nhẫn được làm bằng vàng kéo thành chỉ, quấn xoáy ốc, đeo chặt vào ngón tay và thật cao mới đúng mốt. Một số phụ nữ thượng lưu đeo những vòng vàng hoặc bạc gồm những viên nhỏ và kết với nhau nhiều hàng.

Nón phụ nữ Bắc Kỳ thật đồ sộ, giống một nắp hộp tròn to, đường kính 60 hoặc 70 cm. Mỗi bên có sáu chiếc nhôi to bằng ống lông ngỗng, nhôi ở giữa võng xuống trước ngực. Cũng ở chỗ buộc nhôi còn đính hai quả tua lụa đen hoặc thao buông xuống như hai tai to.

Có những nón làm rất nghệ thuật bằng lá gồi (nón không làm bằng lá cây gồi (palmier) mà bằng đọt của cây cọ (latanier) khi mới nhú cao và chưa xòe ra – dịch giả) được lựa chọn kĩ lưỡng, mặt trong lót một lớp cói dệt mịn, giá rất đắt, nhất là nếu có thêm hai móc lớn bằng bạc chạm để treo quả tua.

Nhiều người còn đính một chiếc gương tròn nhỏ ở đỉnh trong của nón để soi khi ra tỉnh hoặc để kiểm tra khăn đội. Tóm lại nón là thứ được giới thượng lưu quan tâm nhất. Nhiều chiếc giá không dưới mười đến mười lăm đồng bạc (từ 45 đến 50 franc).

Khi không đi chân trần, người thường dân dùng một loại dép đế da có hai quai da thường bọc vải để bám vào cổ chân, vẽ ra hình chữ V ngược trên mu bàn chân. Đỉnh chữ V lách qua kẽ giữa ngón chân cái và ngón thứ hai để gắn vào đế, hai nhánh kia thì gắn vào đế sát với hai cạnh bàn chân.

Cách đi dép của người An Nam cũng lạ. Họ dùng ngón chân cái và ngón thứ hai cặp lấy nhánh quai đỉnh chữ V như ta dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ nhặt vật gì, rồi nhúc nhích ngón chân cái là họ xỏ xong dép. Sự linh hoạt của ngón chân cái và thêm nữa, nó doãng ra đáng kể so với các ngón chân khác, là một trong những đặc điểm cơ thể của nòi giống An Nam.

Dép của phụ nữ sang hơn, đế gỗ sơn đen, uốn cong về phía mũi khá rõ, đoạn cong này thường được tô điểm bằng những hình chạm nổi. Do không bám vào gót chân nên dép này khó đi và phát ra tiếng động theo mỗi bước, khiến hông người đi uyển chuyển và không phải là không duyên dáng.

Các thứ giày dép vừa nói tới thuộc trang phục truyền thống của dân tộc An Nam nhưng ở Bắc Kỳ chỉ tồn tại trong dân thường. Thị dân và quan lại thì dùng hoặc là loại giày tàu đế to, mũi nhọn, hoặc là loại giày hạ da đen và cả giày châu Âu. Phụ nữ nhà giàu thường đi một loại hài mũi rất nhọn và rất cong từa tựa như giày của phụ nữ Mã Lai hoặc Cao Miên.

Hài đúng mốt là phải ngắn và hẹp hơn bàn chân nên các quý bà, quý cô chỉ xỏ được mấy đầu ngón chân vào mũi hài, mỗi bước đi phải kéo lê chân, lạch bạch hơi giống phụ nữ Tàu.

Khi đi giày hay đi dép, người Bắc Kỳ để chân trần, mùa đông họ mới đi tất dệt với ngón cái doãng ra.

Zing/Trích sách ‘Một chiến dịch ở Bắc Kỳ’

Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của tác giả Charles Hocquard do NXB Văn học liên kết Đông A phát hành. Charles Édouard Hocquard – bác sĩ quân y Pháp – tới Việt Nam từ 1884 đến 1886. Ông đã ghi chép, chụp ảnh về cảnh vật, con người, lối sống nhiều vùng như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đà Nẵng, Huế… Cuốn sách không chỉ là áng văn du ký mà còn là nguồn tư liệu về nước ta cuối thế kỷ XIX.