Trường học là nơi học sinh dành khá nhiều thời gian hàng ngày và cũng là môi trường có ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển của các em. Tuy nhiên, học sinh trong các trường học hiện nay đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, chẳng hạn như: Bạo lực, xâm hại, bắt nạt, nghiện games, sức khỏe tâm thần, thiếu kỹ năng sống, giá trị sống… Do tính chất đan xen, đa dạng, nhiều chiều và phức tạp của các vấn đề này nên đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, can thiệp đồng bộ nhiều hơn nữa thông qua các hoạt động khác nhau, trong đó có hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học.
Thời gian qua, công tác tư vấn tâm lý học đường luôn được ngành GD&ĐT đặc biệt quan tâm. |
Tại Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm), từ năm 2011, phòng tư vấn tâm lý tuổi hồng của nhà trường đã được thành lập và phát huy hiệu quả trong việc tư vấn tâm lý cho học sinh. Ðến tháng 5/2022, nhà trường vận hành mô hình phòng tham vấn mới chuyên nghiệp hơn, theo tiêu chuẩn 3C (chuyên môn, chuyên nghiệp và chuyên trách). Phòng tham vấn tiêu chuẩn mới tiếp tục hỗ trợ học sinh giải quyết các vấn đề về áp lực học tập, hài hòa các mối quan hệ, phòng chống bạo lực học đường, tư vấn nghề nghiệp. Thông qua hoạt động của phòng tư vấn như tọa đàm, ngày hội tham vấn, chương trình tập huấn, hoạt động ngoại khóa… giúp giáo viên, học sinh và gia đình nhận thức rõ về tác động của giá trị tinh thần tới cuộc sống.
Trong nỗ lực trở thành bạn của học sinh, chuyên gia phòng tư vấn chủ động đổi mới, cập nhật phương thức giao tiếp hiện đại qua facebook, zalo. Các hoạt động của phòng được xây dựng chuyên nghiệp, từ phòng ngừa đến trị liệu, can thiệp. Toàn bộ các ca tham vấn đều được nhập trên phần mềm quản lý và gửi đến bên liên quan.
Hay như tại Trường Trung học cơ sở Phương Mai (quận Đống Đa), để tạo tâm lý thoải mái, vui tươi cho học sinh khi đến trường, nhà trường đã xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường với nguyên tắc “Lắng nghe – Tôn trọng – Thấu hiểu – Tin tưởng”. Các giáo viên phụ trách được nhà trường cử đi tập huấn, học tập để trang bị đủ kiến thức giúp học sinh vượt qua những vấn đề tâm lý học đường. Chia sẻ về phòng tư vấn tâm lý học đường của nhà trường, Hiệu trưởng Phan Thị Thục Hạnh cho biết, có nhiều lúc cô và trò cùng say sưa chia sẻ, khi tìm được giải pháp thì đã gần như xóa đi khoảng cách là thầy cô với học trò mà như đã trở thành những người bạn thân thiết. Nhiều học sinh khi đến với căn phòng này đã “mở lòng” bộc bạch câu chuyện của mình để các thầy cô giáo có thể đồng hành cùng các em từng bước gỡ những nút thắt, những diễn biến tâm lý của tuổi mới lớn.
Tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam (quận Cầu Giấy), từ nhiều năm nay, tổ tư vấn tâm lý học đường của trường đã hoạt động hiệu quả nhằm phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ và can thiệp đối với học sinh gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống; đồng thời hỗ trợ phụ huynh, giáo viên trong việc chăm sóc sức khoẻ tâm lý cho các em; phối hợp với các tổ chức liên quan hỗ trợ và can thiệp đối với các trường hợp có những vấn đề về bệnh tâm lý.
Tương tự, tại Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình), công tác tư vấn học đường được nhà trường triển khai thường xuyên. Nhà trường có phòng tư vấn tâm lý, chuyên gia tư vấn tâm lý riêng; đồng thời nhà trường cũng lập đường dây nóng 24/24 giờ để phụ huynh, học sinh gọi đến giãi bày tâm sự cũng như khúc mắc gặp phải.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Theo ghi nhận, thời gian qua, Bộ GD&ĐT luôn quan tâm và xác định hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp học sinh vượt qua những vấn đề về hành vi và học tập, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dự phòng và ngăn chặn những diễn biến không lành mạnh về sức khỏe tâm lý của học sinh; trực tiếp tìm hiểu và can thiệp sớm những trường hợp mới có dấu hiệu rối nhiễu tâm lý; là cầu nối hỗ trợ cha mẹ chuyển học sinh tới những cơ sở trị liệu chuyên biệt hơn nếu cần thiết.
Giai đoạn 2015 – 2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản liên quan công tác tư vấn tâm lý trong trường học, trong đó có Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; Công văn số 4252/BGDĐT-GDCTHSSV về việc tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Cùng đó là các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo thực hiện nhiệm vụ về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác để triển khai thực hiện các hội thảo, tập huấn, khảo sát, thí điểm mô hình tư vấn học đường, biên soạn tài liệu hướng dẫn, xây dựng các ấn phẩm truyền thông…
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý ở các trường phổ thông, các nhà trường cần tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh và các lực lượng khác trong nhà trường về công tác tư vấn tâm lý học đường; xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn, tham vấn trong nhà trường cụ thể theo từng năm học; xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tâm lý học đường chuyên nghiệp để tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học; tổ chức đa dạng các hoạt động tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh; tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, cơ chế, chính sách…
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc quản lý của Bộ về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học được quy định, trong đó tập trung tới vấn đề về các nguồn lực triển khai, quy trình, nội dung và bảng biểu đi kèm…
Phạm Thảo
https://laodongthudo.vn/tranh-khung-hoang-tam-ly-hoc-duong-159314.html