Trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn hát Dô

Sáng 19/2/2024 (mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại xã Liệp Tuyết, UBND huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn hát Dô – xã Liệp Tuyết.

Trước đó, tháng 3/2023, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Dô, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội.

di-san.jpg
Thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng (ngoài cùng bên phải) trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hát Dô cho đại diện lãnh đạo và nhân dân xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai.

Theo nghệ nhân nhân dân – Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết Nguyễn Thị Lan – người “giữ lửa”, hồi sinh và trao truyền nghệ thuật hát Dô, sự ra đời của hát Dô không ai biết thời gian cụ thể nhưng gắn với truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh. Lời ca hát Dô vừa mang phong cách dân gian vừa có nhiều điểm tích, chữ nghĩa đặc sắc. Hát Dô đã hoàn thiện và định hình bài bản từ sau thế kỷ thứ X, đặc biệt từ thế kỷ XV trở đi. Hát Dô có tới hơn 20 làn điệu, gồm có hát nói, hát ngâm, hát và xô, trong đó hát và xô là hình thức diễn xướng chủ yếu.

Nội dung các bài hát Dô phản ánh nhận thức thiên nhiên của người dân lao động, thể hiện ước mơ của họ về một cuộc sống bình yên no ấm, nhân khang vật thịnh. Ngoài hát chúc nghi lễ, ca ngợi thần linh, hát Dô còn là tiếng ca chữ tình trong sáng về tình yêu nam nữ, hạnh phúc lứa đôi, về cuộc sống lao động sinh hoạt đời thường. Những nghệ nhân vùng Liệp Tuyết hiện vẫn lưu giữ được những bài bản hát Dô truyền thống. Họ là những kho tàng sống về làn điệu hát Dô cổ. Dù tuổi cao, sức yếu, họ vẫn đem hết sức mình để truyền dạy cho con cháu vốn quý của cha ông.

Hiện tại, hát Dô xã Liệp Tuyết đã thoát khỏi tình trạng mai một, hiện có khoảng 60% người dân trên địa bàn hiểu về ý nghĩa, biết về một số làn điệu hát Dô. Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết cũng đã được trẻ hóa, với gần 30 em nhỏ tuổi từ 11 đến 16 tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ.

Hát Dô
Người dân trình diễn hát Dô tại Lễ hội hát Dô diễn ra ở đền Khánh Xuân, xã Liệp Tuyết. (Ảnh tư liệu do nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan cung cấp).

Điểm đặc sắc và độc đáo của hát Dô là không có nhạc, chỉ có phách và quạt để làm đạo cụ. Tuy mộc mạc, giản dị như vậy nhưng hát Dô vẫn truyền tải đến người nghe những giai điệu ngọt ngào, đầm ấm và thanh thoát của quê hương xứ Đoài. Theo tục lệ xưa, người tham gia hát Dô phải thuộc dòng dõi con nhà gia giáo, phải là những cô gái chưa chồng, trai chưa vợ và không vướng tang. Nội dung diễn xướng hát Dô phản ánh nhận thức của người dân lao động về thiên nhiên, mơ ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tại buổi lễ sáng 19/2/2024, thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Dô cho đại diện lãnh đạo và nhân dân xã Liệp Tuyết.

hat-do3.jpg
Các thành viên Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết biểu diễn hát Dô tại Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Di sản hát Dô được Nhà nước công nhận không chỉ là niềm vui của nhân dân xã Liệp Tuyết mà còn là niềm vinh dự, tự hào chung của người dân Quốc Oai. Do vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, đề nghị các cấp, các ngành, người dân xã Liệp Tuyết tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn.

Đề nghị cấp ủy, chính quyền xã Liệp Tuyết và Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quốc Oai khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ, phát huy giá trị của di sản; hỗ trợ câu lạc bộ và các nghệ nhân trong duy trì, truyền dạy cho thế hệ kế tục để hát Dô mãi trường tồn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng nhấn mạnh tại Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Dô./.

Chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy và đến nay đã đào tạo được hơn 1.000 em thanh thiếu nhi biết hát Dô. Ngoài ra, Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết đã được mời tham gia biểu diễn ở tại các chương trình nghệ thuật, lễ hội, du lịch tại Hà Nội cũng như trong nước. Năm 2008, tôi đã giới thiệu hát Dô tới bạn bè quốc tế tại một sự kiện ở Malaysia.

Nghệ nhân nhân dân – Chủ nhiệm CLB hát Dô xã Liệp Tuyết Nguyễn Thị Lan.

Quỳnh Phạm

Trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn hát Dô (nguoihanoi.vn)