Cuộc thi viết Chân dung cuộc sống do Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống phát động từ 1/7/2021 – 30/6/2023. Ban Tổ chức đã nhận được 285 tác phẩm của 173 tác giả đến từ khắp mọi miền Tổ quốc và cả tác giả là người Việt ở nước ngoài. Đối tượng tham gia dự thi rất phong phú từ chuyên nghiệp đến không chuyên, từ những bậc cao niên đến các những tác giả đang là học sinh, sinh viên. Trong số đó đã có 50 tác phẩm được chọn đăng tải trên Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống thường kỳ.
Phát biểu tổng kết cuộc thi, nhà thơ Trần Đăng Khoa – Trưởng ban Chung khảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống cho biết: Chủ đề của cuộc thi viết “Chân dung cuộc sống” mở rộng ở mọi mặt nhưng số bài viết về chân dung văn nghệ sĩ chiếm già nửa, non nửa còn lại là các bài viết về các nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nhân… Còn quá ít bài viết về những người lao động trực tiếp, những người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Và điều đáng mừng là sự đa dạng của độ tuổi tác giả cho thấy sự quan tâm sâu sát của giới cầm bút.
Sau nhiều vòng chấm chọn, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn ra một số tác phẩm xuất sắc để trao giải. Kết quả cụ thể như sau:
1 giải Nhất được trao cho tác giả Y Nguyên với các tác phẩm: Ngô Phan Lưu “ẩn số văn chương” đất Phú; “Phù thủy” của bục giảng; Nguyễn Văn Thọ, nhà văn và người lính.
2 giải Nhì thuộc về tác giả Võ Bá Cường với các tác phẩm Cánh chim sơn tiêu; Sọ đầu mới vỡ lẽ đời; Thanh Tùng với “Thời hoa đỏ” và tác giả Hoàng Quảng Uyên với các tác phẩm Con đường sáng mang tên Tẩn Dấu Quẩy; Nhà thơ Hữu Thỉnh “đời mau quá, vui buồn chưa kịp cũ”; Y Phương “Đục đá xây cao quê hương”.
3 giải Ba được trao cho tác giả Lưu Khánh Thơ với các tác phẩm Hoàng Trung Thông – người đi vỡ đất mời trăng, Nhớ anh Lâm râu, Lưu Quang Vũ và huyền thoại Tạ Đình Đề; Tác giả Trâm Oanh với các tác phẩm Người nông dân 4.0 và báu vật của mẹ thiên nhiên, Người lính già và chuỗi sản xuất, tiêu thụ ca cao không thương lái và tác giả Đặng Thành Văn với các tác phẩm Sống là để sáng tạo, Tôi tự chèo lấy tôi đi.
5 giải Tư thuộc về tác giả Thái Sinh (1954 – 2022) với các tác phẩm Pờ Sảo Mìn, nhà thơ của núi; Nhà thơ dân tộc Giáy và những khúc trầm luân; Tác giả Phạm Thị Toán với các tác phẩm Chị đã sống như thế; Má Lê Thị Huệ – những bông điên điển. Tác giả Hoàng Ngọc Điệp với tác phẩm Có một ông lão… tuổi thanh xuân. Quang Chí với tác phẩm Giáo sư, nhà văn Trình Quang Phú, người lính tiên phong trong mỗi thời kỳ của đất nước và tác giả Ngọc Hùng với tác phẩm Nhà sư giữ núi.
Đại diện những người đoạt giải lên phát biểu, các tác giả Y Nguyên, Hoàng Quảng Uyên và Trâm Oanh đều bày tỏ sự vui mừng khi đã giành được giải thưởng và sự trân trọng tới Ban tổ chức cuộc thi, Ban giám khảo vì đây là một động lực lớn lao trong hành trình viết của họ. Tác giả Y Nguyên xúc động chia sẻ, ông viết các tác phẩm này với tâm thế tri ân duyên hạnh ngộ trong cuộc đời vì đã may mắn được gặp gỡ. Ông cũng gửi lời tri ân sâu sắc đến các nhân vật, đã mang đến cho ông những niềm vui này.
Phát biểu tại Lễ trao giải, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhiệt liệt chúc mừng các tác giả đã đoạt giải. Ông nhận định: Với lần đầu tiên tổ chức cuộc thi này, tạp chí Nhà văn & Cuộc sống và Ban tổ chức đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhưng qua các tác phẩm dự thi gửi về, các chân dung đã hiện ra rõ nét, trong đó có những hình ảnh đẹp tưởng như đã bị thời gian chôn vùi hoặc có những chân dung tưởng như không còn gì để kể nhưng ở đây lại hiện ra ở những góc nhìn khác, mở ra những ô cửa khác… Các tác giả đã mang đến những chân dung đầy chân thực, đẹp đẽ và đa chiều.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng mong muốn ở cuộc thi lần sau, Ban tổ chức sẽ nhận được nhiều tác phẩm viết về những mảnh đời khác, khai thác ở những con người vô danh, rất đỗi bình thường trong cuộc sống hằng ngày – những người mà ngày thường ta đi qua với bao sự thờ ơ nhưng đằng sau đó, họ thú vị hơn ta tưởng, họ yêu mảnh đất này hơn ta tưởng… Bởi văn học có nhiệm vụ tôn vinh, đưa những con người bình dị tưởng không có gì nổi bật nhưng chính họ lại làm nên mảnh đất này./.
Một số hình ảnh khác tại Lễ trao giải: