Triển khai hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể

Là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, đời sống người lao động thuộc ngành Dệt – May trước đó vốn đã nhiều khó khăn giờ lại càng khó khăn hơn. Trước tình hình này, Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội đã tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đồng hành với doanh nghiệp san sẻ khó khăn, ổn định việc làm để giữ chân người lao động.

Chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi người lao động

Ông Hoàng Thanh Sơn – Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành Dệt – May nói riêng. Trong bối cảnh đó, các cấp Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội đã nỗ lực thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động; đồng hành với doanh nghiệp tìm các giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động…

Triển khai hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể
Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn hướng dẫn công nhân sử dụng hiệu quả tủ sách pháp luật nhân dịp ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Công ty TNHH Giày Trường Xuân.

Công đoàn ngành đã tập trung đôn đốc Công đoàn cơ sở tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị người lao động với tỷ lệ cao, chất lượng tốt. Đến hết tháng 6/2022, đã có 38/43 đơn vị tổ chức Hội nghị Người lao động, đạt 88,37%. Hội nghị là dịp để doanh nghiệp báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh, giúp người lao động hiểu, nắm bắt những thuận lợi khó khăn, đưa ra những ý kiến đóng góp, hiến kế, cùng hợp tác làm việc, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, thông qua Hội nghị, người lao động có cơ hội nêu lên đề xuất, kiến nghị liên quan quyền lợi, chế độ chính sách hay những vẫn đề mình quan tâm và được lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp giải đáp, qua đó phát huy quyền làm chủ cũng như bảo vệ tốt hơn được quyền lợi của người lao động.

Cùng với chỉ đạo tổ chức các hội nghị dân chủ đạt hiệu quả, Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội đã đẩy mạnh tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với người lao động. Trong 6 tháng đầu năm, Công đoàn ngành đã tư vấn, hướng dẫn 50 lượt người lao động liên quan đến các thủ tục chấm dứt Hợp đồng lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động; phối hợp với Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội tuyên truyền pháp luật về lao động và tổ chức 2 cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động, Công đoàn ngành và đoàn viên công nhân lao động ở Công ty TNHH Nam Sơn và Công ty TNHH hóa dệt Hà Tây. Công đoàn ngành cũng tích cực, chủ động tham gia giài quyết 2 vụ ngừng việc công nhân Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific, công nhân Công ty TNHH may xuất khẩu Đại Nghĩa…

Song song với bảo vệ quyền lợi, các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động cũng được Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội đẩy mạnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Tháng Công nhân năm 2022. Theo đó, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Công đoàn ngành đã tổ chức “Tết sum vầy”, trao 390 suất trợ cấp cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và 30 túi quà tết; tổ chức 3 chuyến xe đưa 103 công nhân lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh về quê đón Tết với gia đình, trao hỗ trợ 150 vé xe ô tô, Công đoàn cơ sở hỗ trợ 900 vé xe cho công nhân lao động về quê đón Tết. Cũng trong dịp Tết, thực hiện chỉ đạo của Công đoàn ngành, đã có 37 Công đoàn cơ sở tổ chức chương trình “Tết sum vầy” và hầu hết các cơ sở đều có các hoạt động chăm lo như tặng quà tết, trao hỗ trợ và trợ cấp khó khăn cho đoàn viên, với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng.

“Do làm tốt công tác chăm lo nên tỷ lệ đoàn viên, người lao động quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán đạt 97%. Đặc biệt, mặc dù các doanh nghiệp phải chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành Dệt – May Hà Nội không có tình trạng công nhân lao động phải nghỉ giãn việc, đời sống được đảm bảo ổn định, công nhân luôn tin tưởng vào đường lối của Đảng, sự điều hành của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội”- Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho biết.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa

Trong những giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động của Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội, giải pháp nổi bật nhất phải kể đến là Công đoàn ngành đã làm tốt việc chỉ đạo Công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Theo ông Hoàng Thanh Sơn, trong 6 tháng đầu năm, Công đoàn ngành đã đôn đốc, hướng dẫn Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động ký mới, sửa đổi, bổ sung 26 bản Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp (chỉ tiêu được giao là 8 bản). Hiện có 44 bản Thỏa ước lao động tập thể được Công đoàn ngành chấm điểm, gửi về Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội. Đặc biệt, Công đoàn ngành đã phối hợp với Hội Dệt May thành phố Hà Nội thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Hà Nội lần 2.

Phát huy những kết quả đã đạt được, từ nay đến cuối năm, Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung làm tốt công tác chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Trong đó, Công đoàn ngành sẽ chỉ đạo Công đoàn cơ sở thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh lương cho công nhân theo mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP, ngày 12/6/2022 của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo Công đoàn cơ sở quan tâm nắm bắt tình hình đời sống việc làm của CNVCLĐ, kịp thời tham gia phối hợp với người sử dụng lao động giải quyết những đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động tại cơ sở không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể…

Quá trình thương lượng, đối thoại và xây dựng Thỏa ước lao động tập thể ngành lần 2 được thực hiện theo các bước: Thành lập Ban soạn thảo; 4 bước đối thoại, thương lượng, hội thảo và Hội nghị hiệp thương. Những người tham gia thương lượng khẳng định các nội dung Thỏa ước lao động tập thể phù hợp thực tế chung trong toàn ngành và đơn vị cơ sở. Kết thúc quá trình thương lượng, đối thoại, bản Thỏa ước đã được người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở ủy quyền cho Hội Dệt May Thành phố, Công đoàn ngành ngành Dệt – May Hà Nội ký kết Thoả ước lao động tập thể cấp ngành lần thứ 2.

“Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Hà Nội lần thứ 2 là sự cụ thể hóa các quy định của pháp luật, phù hợp với tính chất, đặc điểm của các doanh nghiệp cùng ngành nghề, làm cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động”- ông Hoàng Thanh Sơn cho biết. Cũng theo ông Sơn, đây cũng là cơ sở tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động; tạo điều kiện cho người lao động thông qua sức mạnh tập thể để thương lượng nhằm đạt được những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật lao động. Thỏa ước lao động tập thể ngành có nhiều điều, khoản quy định có lợi hơn cho người lao động như: Tiền lương, tiền thưởng phụ cấp chất lượng dinh dưỡng bữa ăn ca, các chế độ phúc lợi xã hội…

“Sau khi ký kết, hiện Công đoàn ngành và Hội Dệt May thành phố Hà Nội đang khẩn trương triển khai bản Thỏa ước đến các đơn vị trực thuộc; phấn đấu tiếp tục nâng cao số lượng đơn vị tham gia Thỏa ước lao động tập thể ngành trong thời gian tới, đồng thời hướng dẫn đơn vị căn cứ Thỏa ước ngành để xây dựng Thỏa ước doanh nghiệp; kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của pháp luật lao động, tạo sự đồng thuận, mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động”- ông Hoàng Thanh Sơn cho biết./.

Phạm Diệp